Từ sau khi có Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì đối tượng thụ hưởng được mở rộng đến HSSV có hoàn cảnh khó khăn thuộc hộ nghèo, hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập theo chuẩn nghèo; hộ gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh đều được vay vốn để đi học.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh hướng dẫn phụ huynh làm thủ tục vay vốn tín dụng.
Ảnh: Văn Miên
Thực hiện Chương trình tín dụng đối với HSSV theo Quyết định 157, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã phối hợp với chính quyền, các đoàn thể, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận tuyên truyền rộng rãi về chính sách cho vay đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn. Tổ chức cho cán bộ tín dụng xuống địa bàn phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, chính quyền địa phương trực tiếp phổ biến cho người dân về chủ trương, đối tượng, mức vay, hướng dẫn quy trình thủ tục vay vốn và xét duyệt đối tượng. Tiến hành củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), chất lượng hoạt động uỷ thác, hoạt động tại điểm giao dịch lưu động tại xã... Với 1.693 Tổ TK&VV phủ kín ở tất cả các thôn, khu phố trên toàn tỉnh, cùng với 65 điểm giao dịch đặt tại các xã, phường, thị trấn đã giúp cho việc thực hiện chương trình tín dụng đối với HSSV nhanh chóng, thuận lợi.
Công tác điều tra, xét duyệt đối tượng vay vốn được Ban quản lý thôn, khu phố phối hợp với các chi Hội đoàn thế và tổ TK&VV xét lập danh sách gửi UBND cấp xã xét duyệt và gửi NHCSXH nơi cho vay. Các trường hợp được xét vay, mức vay, niêm yết công khai để nhân dân biết giám sát. Việc tổ chức giải ngân, thu nợ, thu lãi thông qua các điểm giao dịch ở các xã, phường, thị trấn tạo thuận lợi cho hộ vay không phải đi lại nhiều, tiết kiệm chi phí. NHCSXH cũng đã phối hợp với Ngân hàng cổ phần Công Thương và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức làm thẻ ATM miễn phí cho HSSV và tổ chức giải ngân qua thẻ ATM, giúp cho HSSV quản lý tiền tốt hơn và gia đình không mất chi phí gửi tiền.
Qua 5 năm thực hiện Quyết định 157 của Thủ tướng Chính phủ, doanh số cho vay HSSV thuộc hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trong toàn tỉnh đạt trên 407 tỷ đồng, tổng dư nợ đến ngày 31/08/2012 trên 380 tỷ đồng, với 25.024 HSSV còn dư nợ, số hộ vay là 18.425 hộ. Trong đó hộ gia đình nghèo dư nợ trên 33, 8 tỷ đồng/1.751 hộ vay với 2.235 HSSV, chiếm 9,5% tổng số hộ vay; hộ gia đình cận nghèo (hộ có mức thu nhập bằng 150% hộ nghèo) dư nợ trên 337 tỷ đồng/16.053 hộ, với 21.989 HSSV, chiếm 87,1% tổng số hộ vay; hộ gia đình khó khăn đột xuất dư nợ trên 8,6 tỷ đồng/616 hộ với 786 HSSV, chiếm 3,34% tổng số hộ vay; đối tượng là HSSV mồ côi dư nợ 55 triệu đồng, với 5 HSSV vay, chiếm 0,03% tổng số hộ vay. Trao đổi với ông Nguyễn Văn Cúc, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh về nợ quá hạn, được biết: Nợ quá hạn toàn tỉnh hiện nay chiếm 0,82% tổng dư nợ là mức thấp so với các tỉnh, thành phố trên cả nước, nhưng việc thu hồi nợ ở tỉnh ta có những khó khăn riêng do nhiều hộ gia đình quá nghèo, sản xuất nông nghiệp những năm qua thất bát do lũ lụt, một số sinh viên ra trường chưa có việc làm….Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đang chỉ đạo xem xét cụ thể hoàn cảnh từng đối tượng để có biện pháp khoanh nợ, giãn nợ đồng thời phối hợp với chính quyền, các đoàn thể, các tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở để thu hồi nợ.
Chương trình tín dụng của Chính phủ đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn đã tạo cú hích giúp hàng chục ngàn HSSV con em gia đình nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được theo đuổi ước mơ học tập và vươn lên trong cuộc sống và góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh. Việc tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình tín dụng của Chính phủ đối với HSSV của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã góp phần tích cực cùng toàn tỉnh thực hiện chăm lo sự nghiệp giáo dục - đào tạo, tạo thêm niềm tin vững chắc và sự đồng thuận cao của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.
Bảo Ngọc