Ảnh: VGP/Thu Cúc
Ngày 17-10, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban Dân tộc, UNDP và Đại sứ quán Ireland công bố kế hoạch triển khai Nghị quyết 80, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 – 2015, khởi động Dự án hỗ trợ giảm nghèo do UNDP và Cộng hòa Ireland tài trợ.
Đây là hoạt động ý nghĩa nhân ngày Quốc tế “Chống đói nghèo” và Ngày Vì người nghèo của Việt Nam (17/10).
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm, mục tiêu giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc.
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo hiệu quả hơn, ngày 19/5/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 80/NQ-CP về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011 – 2020. Nghị quyết 80 xác định rõ các đối tượng, địa bàn ưu tiên đầu tư, các chính sách, dự án; hướng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, trong đó ưu tiên cho các huyện, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015 là một trong các giải pháp để thực hiện Nghị quyết 80 của Chính phủ. Đây là chương trình giảm nghèo duy nhất trong giai đoạn 2012-2015 nhằm tập trung nguồn lực cho các địa bàn nghèo, hạn chế sự chồng chéo trong tổ chức thực hiện của giai đoạn trước.
Chương trình chỉ có các dự án, không bao gồm các chính sách giảm nghèo. Các chính sách giảm nghèo được thiết kế trong khung Nghị quyết 80, trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các bộ, nhằm bảo đảm tính hệ thống và nhất quán trong xây dựng, thực hiện chính sách.
Quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, hưởng ứng, thể hiện qua việc UNDP và Cộng hòa Ireland thực hiện dự án hỗ trợ nói trên.
Đây là dự án hỗ trợ kỹ thuật, nhằm tăng cường năng lực kế hoạch triển khai thực hiện và giám sát đánh giá, tăng cường vai trò tham mưu chính sách và điều phối của các bộ, ngành; thí điểm xây dựng, đánh giá, nhân rộng các mô hình áp dụng các phương pháp tiếp cận sáng tạo ở địa phương.
Dự án được triển khai từ 2012-2016 tại 8 tỉnh: Hà Giang, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Kon Tum và Trà Vinh với tổng ngân sách hơn 10,3 triệu USD.
Nguồn Chinhphu.vn