Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu tại phiên họp UBTVQH chiều 16/10.
(Ảnh: TTXVN)
Hàng tồn kho nằm trong khoảng an toàn
Báo cáo của Chính phủ cho biết nền kinh tế đang có chuyển biến tích cực nhưng khó khăn vẫn còn rất nhiều khi dự kiến năm 2012 chỉ hoàn thành 10/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội, còn 5 chỉ tiêu về kinh tế chưa đạt được. Những khó khăn nổi lên là vấn đề hàng tồn kho của doanh nghiệp và nợ xấu ngân hàng.
Trước đề nghị của Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước báo cáo rõ hơn về các chỉ số tồn kho, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết chỉ số tồn kho tính đến ngày 1/9/2012 của ngành công nghiệp chế biến-chế tạo chỉ còn 20,4% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành tồn kho tăng cao như ngành nhựa còn 50,6%; sắt- thép- gang 40%, may mặc 39,4%; ô tô 37,8%; thức ăn gia cầm 37%; sản xuất cấu kiện kim loại giảm còn 14,7%; dược liệu 10,7%.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đánh giá, “mức tồn kho của mỗi ngành có khác nhau, có giảm nhưng còn ở mức cao”.
Ở góc độ quản lý trực tiếp lưu thông hàng hóa, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng “lượng tồn kho không quá lạc quan và cũng không quá thất vọng”. Theo ông Trần Tuấn Anh, sự suy giảm của thị trường trong nước và quốc tế, khiến các doanh nghiệp phải điều chỉnh lại quy mô sản xuất làm lượng hàng tồn kho tăng. Đến quý III/2012 tình hình phát triển kinh tế nhiều dấu hiệu khả quan hơn. Ông Trần Tuấn Anh lý giải bằng con số giá trị xuất khẩu đến cuối năm 2012 ước đạt 114 tỷ USD, tăng 16,6% so với năm 2011, mức tăng cao đối với thế giới.
Phần lớn mặt hàng của công nghiệp chế biến như đường sữa, phân bón hóa chất, giấy, dày dép, quần áo, bia, thuốc lá... thì đến tháng 9/2012 có mức tăng tương đương 119% so với các năm trước, nằm trong khoảng an toàn tồn kho kế hoạch. Ví dụ, dệt may có lượng tồn tương đương 50 ngày sản xuất (gần đây là 60 ngày và những năm trước là 40 ngày sản xuất).
Liên quan đến mặt hàng sắt, thép xây dựng chịu áp lực lớn khi thị trường trong nước suy giảm, Bộ Công Thương nhận định “tồn kho chỉ tương đương hoặc nhỉnh hơn chút ít so với kế hoạch năm trước”. Ông Trần Tuấn Anh cho biết theo dự báo cuối năm thị trường xây dựng có khởi sắc thì tỷ lệ tồn kho sắt, thép xây dựng, xi măng sẽ giảm bớt.
Để giải quyết hàng tồn kho, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh đến ba giải pháp chính, cần làm ngay là đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ nhiên liệu, sản phẩm để giảm tồn kho từ nay đến cuối năm, tăng cường giải ngân vốn ODA, các khoản đầu tư xã hội…
Thứ hai là tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước, nước ngoài cho doanh nghiệp và thứ ba là giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn ưu đãi để khôi phục sản xuất khi hiện nay nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, dừng hoạt động.
Tập trung xử lý vấn đề bất động sản
Lượng hàng tồn kho cao, đặc biệt là lượng tồn kho mặt hàng bất động sản đang ảnh hưởng lớn tới nợ xấu ngân hàng.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Đồng Tiến cho biết NHNN đã có phương án báo cáo Thủ tướng để giải quyết nợ xấu nảy sinh từ tồn kho hàng hóa bất động sản, xây dựng, vốn chiếm 5% tổng dư nợ.
Để khơi mạch cho kinh tế phát triển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng cần tập trung giải quyết ba vấn đề “chân kiềng” là hàng tồn kho, nợ xấu và phát triển thị trường, mà quan trọng là đối với lĩnh vực bất động sản.
Bản thân các ngân hàng cũng phải tập trung vào cứu doanh nghiệp, “coi cứu doanh nghiệp như cứu mình”. Ông Phùng Quốc Hiển bình luận rằng hạ lãi suất ngân hàng không phải là giải pháp tối ưu mà đầu tiên là phải khoanh nợ gốc và lãi để tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Tiếp nữa là giãn nợ và mua lại nợ xấu hợp lý.
Ông Phùng Quốc Hiển gợi mở: “Cũng có thể giãn, giảm thuế nhưng lựa chọn những doanh nghiệp có khả năng phát triển, phục hồi nhanh chứ không giãn, giảm bình quân cho các doanh nghiệp. Tôi nghĩ bằng các giải pháp tổng thể như vậy và kích hoạt vào đúng điểm yếu (thị trường bất động sản- PV) để tạo ra sức phát triển mới cho nền kinh tế...”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cần quan tâm đến phát triển thị trường trong nước, phát huy nội lực trong nhân dân trong khi chúng ta vẫn còn “nặng” về đầu tư của Nhà nước. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu ví dụ những công trình bị dừng do thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, nay rà soát lại thấy tiếp tục đầu tư được thì cũng phải làm, tránh nguy cơ thất thoát.
Các chỉ tiêu an sinh giúp ổn định xã hội
Việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế- xã hội được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận ngày 16/10, dựa trên báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày.
Theo báo cáo, một số chỉ tiêu an sinh xã hội có mức giảm nhẹ so với chỉ tiêu hoặc chưa đạt kế hoạch đề ra. Cụ thể, Chính phủ dự kiến cả năm 2012 sẽ tạo việc làm cho 1,515 triệu lao động (chỉ tiêu là 1,6 triệu); tỷ lệ hộ nghèo ước giảm 1,76% (chỉ tiêu là giảm 2%)…
Các chỉ tiêu cân đối ngân sách nhà nước, chỉ số lạm phát, xuất nhập khẩu, giá trị sản xuất công nghiệp đều đạt hoặc vượt chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra.
Mặc dù một số chỉ tiêu về an sinh xã hội chưa đạtmục tiêu nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai vẫn đánh giá cao nỗ lực thực hiện của Chính phủ trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn.
Bà Trương Thị Mai phân tích chỉ tiêu giảm nghèo không đạt khi công việc này có sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền, nhiều địa phương thực hiện nhiệm vụ này trong hoàn cảnh kinh tế kém phát triển, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Chính phủ cần quan tâm khía cạnh này để giảm nghèo bền vững.
“Đối với vấn đề tạo việc làm, tuy không đạt nhưng ở góc độ của chúng tôi thì không ảnh hưởng nhiều lắm khi thị trường lao động có tới 80% lao động không chính thức, khi không có việc thì họ sẽ về vùng nông thôn làm việc”, bà Trương Thị Mai nói.
Nguồn www.chinhphu.vn