Theo đó, Bộ Y tế sẽ xây dựng hệ thống thông tin kết nối dữ liệu từ tuyến xã, huyện, tỉnh, Trung ương trong toàn quốc.
Việc đẩy mạnh tin học hóa và bằng chứng hóa trong y tế thông qua thu thập và phân tích các mô hình bệnh tại cộng đồng sẽ góp phần trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
Theo Thứ trưởng Long, mặc dù ngành y tế đã có những bước tiến về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám chữa bệnh, bệnh án điện tử, thống kê..., nhưng hoạt động này vẫn gặp nhiều thách thức như mới triển khai ở diện hẹp và chưa phát huy hiệu quả cao, nhân lực còn hạn chế.
Hơn nữa, hệ thống công nghệ thông tin của các bệnh viện hiện nay khác nhau. Hệ thống thông tin của mỗi nơi một khác, từ bảo hiểm y tế cho tới các bệnh viện cũng khác. Thực trạng này đang khiến cho tình trạng quá tải ở nhiều bệnh viện thêm trầm trọng dẫn đến tình trạng bệnh nhân phải xếp hàng lâu và gặp nhiều phiền hà mỗi khi đi khám chữa bệnh.
Ở Việt Nam, mạng lưới Phát triển chính sách y tế dựa trên bằng chứng được thành lập vào năm 2005 góp phần cải thiện sức khỏe và giảm bất bình đẳng y tế. Chức năng của mạng lưới là: thu thập, tiếp cận và sử dụng bằng chứng cho hoạch định chính sách y tế; thiết kế và tư vấn chiến lược thúc đẩy sự thu thập các bằng chứng; xác định các yếu tố thiếu hụt trong nghiên cứu y tế và tuyên truyền về sự cần thiết cho các nghiên cứu đánh giá mới...
Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Công Khẩn, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết Bộ Y tế sẽ xây dựng hệ thống thông tin kết nối dữ liệu từ tuyến xã, huyện, tỉnh, Trung ương trong toàn quốc; phiên giải thông tin ở các tuyến (kết nối với hệ thống bệnh viện, chuyển tuyến, phân tuyến, giảm tải bệnh viện, kết nối vấn đề bảo hiểm y tế) và phục vụ công tác quản lý toàn diện của ngành; hoàn thiện và đánh giá đề án thí điểm của tỉnh Thái Nguyên từ đó từng bước mở rộng ra các địa phương...
Nguồn VnMedia.vn