Cán bộ có vai trò rất quan trọng trong việc chỉ đạo, lãnh đạo các mặt công tác nhằm phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân tại điạ phương. Để làm tròn trọng trách ấy, cần xây dựng một đội ngũ cán bộ có năng lực quản lý, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, gắn bó mật thiết với nhân dân, tạo dựng được đội ngũ như vậy thì việc quy hoạch là khâu mở đầu có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng tốt cho hiện tại và tương lai.
Trước khi xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ, cần phải đánh giá đúng cán bộ về các mặt, làm rõ và hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh, những tiêu chí để đánh giá.
Muốn đánh giá đúng thực chất cán bộ, yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền và người lãnh đạo phải thực sự công tâm, trong sáng, vì lợi ích chung, không định kiến, hẹp hòi, đồng thời phải thấy được xu thế phát triển và triển vọng vươn lên của cán bộ để đưa vào diện quy hoạch; ngoài ra, cần phải xem xét thêm quá trình công tác, việc chấp hành các chủ trương, chính sách, việc phát huy dân chủ, đoàn kết nội bộ. Tóm lại, việc đưa cán bộ vào diện quy hoạch phải xem xét thận trọng, có trước có sau, có xét đến yếu tố hiện tại và nhìn đến tương lai, tránh những sai sót không đáng có.
Đối với cán bộ thuộc diện quy hoạch phải khiêm tốn, chịu khó học hỏi, khắc phục những mặt yếu kém, luôn rèn luyện phấn đấu để ngày càng hoàn thiện về trình độ chuyên môn, nhân cách, đạo đức của người cán bộ, tránh thái độ quan liêu, tự mãn, tự phụ…
Khi xây dựng quy hoạch cán bộ thì cần thiết phải có kế hoạch bảo vệ quy hoạch. Việc bảo vệ quy hoạch không phải là bao che mà các cơ quan, tổ chức và đơn vị có trách nhiệm theo dõi thường xuyên, kịp thời bổ sung, uốn nắn góp ý chỉ ra những mặt còn hạn chế, khiếm khuyết của cán bộ được quy hoạch, nếu thấy cần thiết thì tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao trình độ... bảo đảm quy hoạch cán bộ luôn theo đúng quỹ đạo và đạt được các yêu cầu đề ra.
Hằng năm các đơn vị, địa phương đều thực hiện việc quy hoạch cán bộ, nhưng nếu làm tốt, bảo đảm yêu cầu đề ra, thì khi cần bố trí, sử dụng cán bộ ở vị trí cao hơn sẽ không bị động, lúng túng và bộ máy của đơn vị được hoạt động liên tục, mang lại hiệu quả thiết thực, tránh được kiểu bố trí cán bộ mang tính “ chắp vá” không đồng bộ.
Nếu chủ động trong việc xây dựng quy hoạch cán bộ thì các đơn vị, địa phương sẽ thực hiện được tính “ kế thừa” và sử dụng cán bộ đúng độ tuổi cần thiết, phù hợp với yêu cầu công việc…phục vụ tốt nhiệm vụ trước mắt và lâu dài tại đơn vị và địa phương mình.
Trong việc bố trí và sử dụng cán bộ phải vì công việc mà chọn người có đức, có tài, có năng lực và trình độ chuyên môn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, chứ không nên vì “người” mà bố trí công việc và không tính đến việc cán bộ đó có đáp ứng được yêu cầu công việc hay không?
Để tránh bị động trong việc bố trí và sử dụng cán bộ thì việc xây dựng quy hoạch cán bộ cần có tư duy mới, việc xây dựng quy hoạch cán bộ trên tinh thần đặt hiệu quả công việc lên hàng đầu và không cứng nhắc đóng khung theo một khuôn mẫu hạn hẹp.
Nên quy hoạch từ 2 đến 3 cán bộ cho một chức danh hoặc một cán bộ cho nhiều chức danh để chủ động trong việc lựa chọn và bố trí cán bộ một cách linh hoạt, tốt nhất và không bị động.
Nếu mỗi đơn vị, địa phương làm tốt công tác quy hoạch cán bộ và bảo vệ thành công việc quy hoạch của đơn vị hoặc địa phương mình thì chắc chắn đơn vị đó, địa phương đó sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao bởi cán bộ là cái gốc của mọi công việc, chính vì thế Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: Cán bộ là then chốt của mọi then chốt.
Lý Sanh