Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhiệt liệt chào mừng các đại biểu tham dự hội nghị. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ: Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, Việt Nam xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược. Đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó có đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế được Chính phủ Việt Nam quan tâm đặc biệt và tập trung mọi nỗ lực hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của nhân lực Việt Nam.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đến dự và phát biểu tại phiên khai mạc. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Để hội nhập, nguồn nhân lực Việt Nam cần phải đạt các chuẩn nghề nghiệp, đáp ứng được các tiêu chuẩn lao động của thị trường lao động khu vực và thế giới. Vì vậy, đào tạo nghề ở Việt Nam, một mặt phải tự đổi mới, đổi mới từ cơ chế quản lý đến toàn bộ quá trình đào tạo. Mặt khác, cần tiếp thu, áp dụng những tri thức khoa học và công nghệ của thế giới, tiếp thu những ưu điểm của các mô hình dạy nghề hiện đại của các nước để phát triển dạy nghề trong nước, tạo ra đột phá về chất lượng dạy nghề.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân gợi mở một số vấn đề cần được trao đổi về hợp tác phát triển dạy nghề giữa Việt Nam, Đức và các nước ASEAN về: Lĩnh vực và hình thức hợp tác; học tập kinh nghiệm của các nước về các mô hình đào tạo nghề, nhất là các mô hình đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp; hợp tác xây dựng các chuẩn đào tạo chung…
Tại phiên khai mạc, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh: Để tạo ra sự đột phá về chất lượng dạy nghề, Việt Nam cần sự hợp tác và hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế, nhất là Đức và các nước ASEAN. Một số nội dung cần tập trung là: Hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý dạy nghề, nâng cao năng lực hoạch định và xây dựng chính sách dạy nghề cho Việt Nam, trong đó có việc trao đổi, hỗ trợ để hoàn thiện Luật Dạy nghề và các văn bản pháp luật liên quan; thu hút các nguồn vốn ODA để phát triển dạy nghề, trong đó tập trung phát triển các trường dạy nghề chất lượng cao, một số trường đạt đẳng cấp quốc tế và khu vực; hợp tác đào tạo nghề chất lượng cao cho các doanh nghiệp.
Nguồn Báo Tin tức - TTXVN