Bài học từ những vụ cháy…
Vụ cháy xảy ra đêm 29-8 tại hộ bà Trần Thị Bụi có thể coi là vụ hỏa hoạn đau lòng nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh ta. Trong căn nhà nhỏ có 4 người, thì tất cả đều bị bỏng nặng và lần lượt tử vong trong quá trình cấp cứu. Nguyên nhân ban đầu, được xác định là do chập điện. Trong vụ cháy này, có thể thấy rằng, công tác dự phòng phương án thoát hiểm đối với các hộ dân trong điều kiện sống hiện nay là cần được quan tâm. Vì trong căn nhà “ống”, ba phía là tường, không có cửa thông gió, nhà chỉ có một lối ra duy nhất là cửa trước. Và một khi cửa đã đóng, trong nhà xảy ra cháy thì người gặp nạn vừa không có lối thoát, vừa bị hít thở hơi nóng gây bỏng, ngạt đường hô hấp.
Diễn tập công tác phòng cháy, chữa cháy. Ảnh: Văn Miên
Trong năm, trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm cũng đã xảy ra 2 vụ cháy xưởng gỗ, thiệt hại trên 10 tỷ đồng, rất may không có thiệt hại về người. Mặc dù nguyên nhân các vụ cháy, hiện vẫn đang được lực lượng chức năng điều tra, nhưng qua thực tế nhận thấy rằng công tác PCCC tại những cơ sở này còn nhiều bất cập. Trong đó việc trang bị các thiết bị PCCC thiết yếu còn chưa được chú trọng, công tác kiểm tra chưa được duy trì thường xuyên, do đó không phát hiện kịp thời khi xảy ra cháy.
Một vụ cháy gây thiệt hại nặng nề nhất trong năm, còn phải kể đến vụ cháy chợ Tân Sơn (Ninh Sơn). Do chợ ở cách xa đơn vị PCCC 40 km, đường đi khó nên phải mất hơn 1 giờ đồng hồ sau khi nhận được tin báo cháy lực lượng PCCC mới có mặt tại hiện trường để tiếp cận đám cháy. Mặt khác, do hàng hóa trong chợ chủ yếu gồm vải, quần áo, giày dép, hàng tạp hóa là chất dễ cháy, nên ngọn lửa đã bùng cháy dữ dội, bao trùm cả nhà lồng chợ. Ngọn lửa đã thiêu rụi toàn bộ nhà lồng và hàng hóa bên trong của 26 tiểu thương, ước thiệt hại khoảng 7,5 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy-Công an tỉnh, thời gian qua, tình trạng cháy có chiều hướng gia tăng về số vụ và mức độ thiệt hại. Chỉ tính trong 9 tháng qua, toàn tỉnh đã xảy ra 11 vụ cháy, làm chết 4 người, thiệt hại tài sản trên 18 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do sơ suất, bất cẩn trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, trẻ em nghịch lửa và thờ cúng gây ra.
Đại tá Trần Văn Thành, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC - Công an tỉnh cho biết thêm, qua các vụ cháy cho thấy, ý thức trách nhiệm của người dân trong công tác PCCC chưa cao, còn xem nhẹ việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC. Đối với các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất kinh doanh, chưa thực hiện việc tự kiểm tra để kịp thời phát hiện các sơ hở trong công tác PCCC, qua đó có biện pháp phòng ngừa. Các cơ sở sản xuất chưa bố trí lực lượng, cũng như phương tiện PCCC tại chỗ. Ban đêm không có bảo vệ, do vậy không phát hiện kịp thời cháy khi mới phát sinh để cháy lan, cháy lớn. Bên cạnh đó, nơi sản xuất còn xen lẫn trong khu dân cư vì vậy khó khăn cho tiếp cận các điểm cháy của lực lượng chữa cháy.
Cần chú trọng phổ biến kiến thức PCCC tới người dân
Để đảm bảo công tác PCCC, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, theo Đại tá Trần Văn Thành, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC, trong thời gian tới, các ngành, địa phương, đơn vị phải cùng phối hợp thực hiện nhiều công việc, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC đến từng người dân, người quản lý và người sử dụng lao động. Tuyên truyền để mọi người hiểu và có ý thức đề phòng cháy nổ tại hộ gia đình, nơi sản xuất, kinh doanh trong từng cơ quan, đơn vị.
Đối với lực lượng Cảnh sát PCCC, ngành sẽ tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị, cơ sở, khu dân cư, hộ gia đình và người dân thực hiện các biện pháp PCCC cho phù hợp; hướng dẫn người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình phát huy trách nhiệm, tự kiểm tra, kịp thời phát hiện thiếu sót có thể gây ra cháy để tổ chức khắc phục, không để tồn tại môi trường nguy hiểm cháy nổ; kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm quy định an toàn PCCC và gây cháy. Đồng thời, thường xuyên đổi mới phương pháp, tác phong công tác, tập trung xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại.
Thiết nghĩ để đảm bảo an toàn PCCC bên cạnh sự nỗ lực của ngành chức năng, các hộ gia đình, các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh cần phải chủ động trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ, thành lập lực lượng chữa cháy ở cơ quan, đơn vị mình để kịp thời phát hiện, chữa cháy, không để cháy lan, cháy lớn.
Ngũ Anh Tuấn