Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo để tạo ra một xã hội học tập, học tập suốt đời, học gắn với hành để con người phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu, rộng là mục tiêu hàng đầu của toàn hệ thống giáo dục quốc dân. Đảng, Nhà nước và toàn dân chăm lo cho giáo dục, đào tạo là mục tiêu cao cả để xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo cần phải đổi mới đồng bộ, toàn diện, nâng cao chất lượng mà trọng tâm là:
- Điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân mềm dẻo để tạo ra một xã hội học tập, học tập suốt đời.
- Tập trung đầu tư đảm bảo các điều kiện nâng cao chất lượng toàn diện của cả hệ thống giáo dục, đào tạo.
- Đổi mới căn bản quản lý hệ thống giáo dục quốc dân từ trung ương, địa phương, cơ sở giáo dục, đào tạo.
Tập trung đầu tư đảm bảo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trong toàn hệ thống. Ảnh minh họa.
Điều chỉnh hệ thống giáo dục quốc dân, đảm bảo tính phân luồng và liên thông trong toàn hệ thống
Kinh nghiệm các cuộc cải cách giáo dục ở nước ta đều đi từ việc hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân. Các nước có trình độ phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức có hệ thống giáo dục quốc dân mềm dẻo, không cứng nhắc nhưng đảm bảo tính liên thông trình độ trong toàn hệ thống. Ở Mỹ tiểu học có thể 4, 5, 6 năm tuỳ theo các bang hoặc quận. Trung học phổ thông một số nước thực hiện chương trình 11 năm và năm thứ 12 là năm dự bị đại học. Ở nước ta đến nay chúng ta đã xây dựng được hệ thống giáo dục quốc dân giống với mô hình chung của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; Hệ thống này có mần non, giáo dục phổ thông 12 năm, giáo dục chuyên nghiệp gồm nhiều trình độ (dạy nghề, TCCN, CĐ, ĐH) và đã tự đào tạo được sau đại học, trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Cùng với giáo dục chính quy còn có giáo dục thường xuyên. Cần nghiên cứu, điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hiện đại, phù hợp với thực tiễn, dễ liên thông và bứt phá theo kịp trình độ tiên tiến của các nước. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách của hội nhập quốc tế và nhu cầu có nguồn nhân lực cao cho sự nghiệp CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức như nghị quyết Đại hội XI đã nêu.
Điều chỉnh hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hiện đại, phù hợp với thực tiễn là nội dung cốt lõi để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Đây là công việc hệ trọng, không thể làm ngày một, ngày hai. Phải nghiên cứu một cách khoa học, có đề án tổng thể và các đề án thành phần, chuẩn bị nguồn lực vật chất, xây dựng đội ngũ, đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục, quản lý và tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh như các lần cải cách giáo dục chúng ta đã thực hiện. Lần này việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo trong điều kiện mới khi chúng ta đã hình thành và tiếp cận được hệ thống giáo dục các nước trong khu vực và thế giới. Dù sao nền giáo dục Cách mạng của nước ta vẫn còn non trẻ chưa đầy 70 năm kể từ năm 1945 khi nước nhà độc lập. So với hệ thống giáo dục các nước thì ở nước ta, hệ thống giáo dục còn phức tạp, khó phân luồng, khó liên thông giữa các cấp, các trình độ.
Nên nghiên cứu điều chỉnh hệ thống giáo dục mềm dẻo để các cơ sở giáo dục có các lớp học liền kề của nhiều cấp học tuỳ thuộc vào các địa phương, thuận lợi nhất cho người học. Thực tế sau trung học cơ sở ở nước ta khó phân luồng sang học trung cấp chuyên nghiệp hoặc học nghề. Cần nghiên cứu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông gắn với giáo dục kỹ thuật và dạy nghề để đảm bảo phân luồng sau lớp 9 hoặc lớp 10. Không nên đặt ra phổ cập trung học phổ thông để các địa phương thi nhau, kém hiệu quả. Cần nghiên cứu, đổi mới thi cử, giảm bớt căng thẳng trong xã hội. Nên thi chung tốt nghiệp phổ thông trong toàn quốc, còn thi tuyển đại học cao đẳng do các cơ sở đại học quyết định, yêu cầu phải công khai, minh bạch đảm bảo công bằng và có sự giám sát của cơ quản quản lý và xã hội. Cơ hội cơ cấu dân số “vàng” đang có ở nước ta và xã hội đòi hỏi chất lượng giáo dục, đào tạo đang là áp lực lớn.
Giáo dục chuyên nghiệp nên điều chỉnh thành một hệ thống từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học, trong đại học nên phân thành đại học ứng dụng và đại học nghiên cứu và quản lý thống nhất theo một chương trình cứng liên thông các trình độ của từng loại ngành nghề. Phần lớn các nước phát triển các cơ sở giáo dục đại học đa cấp, đại học, cao đẳng cộng đồng nên tạo điều kiện rất thuận lợi cho một xã hội học tập suốt đời. Hệ thống giáo dục chuyên nghiệp ở nước ta đang bị tách bạch về chương trình và cách thức quản lý giữa các bộ, ngành nên khó liên thông trình độ đại học. Xu hướng của các nước đang giảm thời gian đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học. So với các nước trong khu vực và thế giới, thời gian đào tạo đại học chuyên nghiệp ở nước ta là khá dài. Cần sớm điều chỉnh cho phù hợp với xu thế và hướng tới nâng cao hiệu quả. Cần tăng cơ sở đào tạo đại học định hướng nghề nghiệp, lựa chọn đầu tư cho một số trường, một số ngành định hướng nghiên cứu, hợp tác với các trường, viện quốc tế.
Ngày nay, việc đưa công nghệ thông tin vào giáo dục từ xa đã được các nước áp dụng rộng rãi. Hệ thống giáo dục quốc dân ở nước ta cần đổi mới, hoàn thiện giáo dục thường xuyên, đầu tư cho giáo dục từ xa để đáp ứng nhu cầu học tập qui mô lớn và tạo ra một xã hội học tập, học tập suốt đời.
Phát triển và nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý
Kinh nghiệm thực tiễn ở nước ta và các nước, trên cơ sở định hướng đúng cơ cấu hệ thống giáo dục, đào tạo cần phải có đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, cơ cấu, trình độ có chất lượng, có tâm, có tầm, đủ khả năng, năng lực giáo dục, đào tạo toàn diện trong hệ thống cơ sở giáo dục, đào tạo của quốc gia. Đây là công việc phải làm ngay vì đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý thiếu và yếu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng trong toàn hệ thống. Hiện tại, chúng ta đang rất cần có đội ngũ nhà giáo trẻ ra nước ngoài và có năng lực giảng dạy ở các cơ sở đại học quốc tế và hợp tác với các giáo sư các viện, các đại học nước ngoài cùng đào tạo sau đại học ở nước ta. Ngoài ra bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông, kể cả hệ mầm non, tiếp cận với chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học tiên tiến của quốc tế. Hiện tại chất lượng giáo dục, đào tạo sau đại học và các cấp học dưới đang cần phải quan tâm cùng với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nên phải phát triển và nâng cao năng lực đội ngũ trong toàn hệ thống. Trước mắt cần tập trung đào tạo đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học và bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo đầu đàn trong các trường đại học. Nhiều nước trên thế giới đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông đã có thạc sĩ, tiến sĩ. Nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý trong toàn hệ thống cần được quan tâm đầu tư có hiệu quả.
Đổi mới căn bản chương trình nội dung, phương pháp dạy và học
Ảnh minh họa
Cùng với việc tăng cường đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý là công việc đổi mới, hoàn chỉnh hệ thống chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học. Đây là công việc chủ yếu, bao trùm nội dung đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo. Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học là một lĩnh vực khoa học đòi hỏi phải có những người am hiểu, có trình độ chuyên môn, có thực tiễn và tiếp cận được các chương trình tiên tiến của các nước. Chúng ta cần đầu tư để sớm tiếp cận với chương trình giáo dục đào tạo tiên tiến của thế giới phù hợp với thực tiễn trong các cấp học. Chương trình nội dung giáo dục phải đảm bảo kiến thức cơ bản, vừa làm trong sáng tiếng Việt, vừa tăng cường ngoại ngữ nhất là tiếng Anh để hội nhập dễ dàng. Phải sử dụng công nghệ thông tin để đổi mới phương pháp dạy và học nhất là giáo dục từ xa. Phải có chương trình cứng thống nhất, liên thông trong các cấp học và các môn học tự chọn phong phú, đa dạng trong chương trình để phát huy tính sáng tạo của người học và người dạy. Chương trình, sách giáo khoa phổ thông cần giao cho các trường đại học sư phạm trọng điểm chủ trì và tham khảo chương trình, sách giáo khoa của các nước để đáp ứng yêu cầu hội nhập. Chương trình, nội dung đào tạo đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp phần cứng phải giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phần tự chọn giao cho các cơ sở đào tạo quyết định có tham khảo chương trình các trường quốc tế phù hợp. Nội dung chương trình phải giảm phần lý thuyết trùng lắp, tăng phần thực hành, gắn đào tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tế.
Đổi mới cơ chế và chính sách huy động vốn đầu tư xây dựng trường học
Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo cần phải tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường sở khang trang. Trường học ở đâu, văn minh ở đó. Các địa phương, thành phố cần có trách nhiệm và vinh dự xây dựng các cơ sở giáo dục, đào tạo tại địa phương mình. Cần phải có chính sách huy động nguồn lực của xã hội, các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, cựu sinh viên đầu tư xây dựng trường học. Mọi sự đầu tư cho giáo dục từ doanh nghiệp, cá nhân được miễn, giảm thuế thu nhập và được vinh danh theo kinh nghiệm của nhiều nước đã làm.
Chủ động mở rộng quan hệ hợp tác giáo dục, đào tạo với các nước trong khu vực và quốc tế
Muốn nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo cần phải mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trong cả hệ thống. Hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo cần phải giữ được truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc và lựa chọn các chương trình tiên tiến để hiện đại hoá nền giáo dục nước nhà. Để chủ động hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo, chúng ta cần nhanh chóng bồi dưỡng một đội ngũ nhà giáo có thể tham gia giảng dạy, nghiên cứu trực tiếp với các trường, viện có danh tiếng trong khu vực và thế giới. Cần lựa chọn những người có tài năng đi học tập, giảng dạy ở các trường danh tiếng nước ngoài.
Đổi mới căn bản quản lý hệ thống giáo dục quốc dân
Quản lý giáo dục, đào tạo là một lĩnh vực khoa học, đòi hỏi phải có đội ngũ có chuyên môn, kỹ năng và kinh nghiệm. Quản lý tốt mới có kỷ cương, nghiêm túc, chất lượng và phát triển. Nhà nước thống nhất quản lý giáo dục, đào tạo, về chuyên môn phải giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cần phân cấp rõ trách nhiệm cho các địa phương trong quản lý giáo dục, đào tạo. Các cơ sở giáo dục, đào tạo phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục, đào tạo trong phạm vi quản lý của mình. Chất lượng và đánh giá chất lượng phải có hệ thống tiêu chí đánh giá. Bộ Giáo dục và Đào tạo phải thanh tra, kiểm tra, đánh giá chất lượng trong các cơ sở giáo dục, đào tạo coi đó là nhiệm vụ trọng tâm.
Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế tri thức là một vấn đề trọng đại. Cần coi giáo dục, đào tạo là ý chí của cả hệ thống chính trị đáp ứng lòng mong mỏi của mọi người dân. Để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo thành công cần có đề án tổng thể sát thực và lựa chọn khâu đột phá.
Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại