Qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, các thế hệ thanh niên Ninh Thuận luôn đoàn kết một lòng, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, năng động, sáng tạo, đi đầu trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương Ninh Thuận ngày càng giàu đẹp, văn minh. Những chặng đường hướng tới Đại hội V của tuổi trẻ Ninh Thuận thật đáng tự hào.
Đồng chí Trương Xuân Thìn, Bí thư Tỉnh ủy trao bức trướng của BCH Đảng bộ tỉnh
tặng Đại hội Đoàn Thanh niên tỉnh Ninh Thuận nhiệm kỳ 2007- 2012, tháng 10-2007. Bức trướng mang dòng chữ:
"Tuổi trẻ Ninh Thuận đoàn kết, sáng tạo, xung kích, tình nguyện xây dựng quê hương giàu mạnh". Ảnh: Sơn Ngọc
I. Lịch sử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Tỉnh Ninh Thuận:
Ninh Thuận là tỉnh nằm ở đầu mối giao thông quan trọng nối liền với các tỉnh ngoài Bắc, Trung, Nam và lên Tây Nguyên. Chính vì vậy, phong trào cách mạng các nơi trong nước có nhiều tác động. Trên mảnh đất này đã hình thành tổ chức Đảng Tân Việt sớm nhất ở các tỉnh cực Nam Trung Bộ. Ngày 8/12/1928, tại Cầu Bảo (nay là Phường Bảo An, TP. Phan Rang – Tháp Chàm) chi bộ Đảng Tân Việt đầu tiên ở Ninh Thuận cũng như ở các tỉnh cực Nam Trung Bộ được thành lập. Năm 1929, Chi bộ Đảng Tân Việt tại Đềpô xe lửa Tháp Chàm được thành lập, tiếp đó ở Sở Muối Cà Ná, Sở muối Phương Cựu cũng lần lượt thành lập Chi bộ. Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, thực hiện chủ trương chuyển Đảng, tháng 4/1930, các chi bộ Tân Việt cách mạng Đảng ở Ninh Thuận đã chính thức gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Kể từ đây phong trào cách mạng của thanh niên Ninh Thuận đã đi theo đường lối lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của các chi bộ cộng sản, các tổ chức thanh niên cách mạng ở Ninh Thuận được thành lập như Hội Nghĩa Đoàn, Hội Tương tế, Hội Nghĩa Dũng, Hội Bóng đá. Năm 1941, tại thôn Vĩnh Hy, ta thành lập Hội Thanh niên phản đế, là cơ sở cách mạng hoạt động bí mật theo đường lối đánh Pháp, đuổi Nhật giành độc lập, tự do. Cuối năm 1944 và đầu năm 1945, một số đồng chí cốt cán được mãn hạn tù trở về, sau một thời gian liên lạc với các cơ sở đã thành lập các đội tự vệ Vĩnh Hy, Phương Cựu; đội danh dự ở Tháp Chàm, Vạn Phước. Đến tháng 4/1945, tại Đề pô xe lửa và Thị trấn Tháp Chàm lúc bấy giờ, các tổ chức thanh niên cách mạng đã được đổi thành Thanh niên cứu quốc. Ngày 21/8/1945 hàng trăm Thanh niên cứu quốc cùng với nhân dân dưới sự lãnh đạo của mặt trận Việt Minh Ninh Thuận đã đồng loạt đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân. Cuối tháng 10/1945, đồng chí Đỗ Đạt Khoáng được bầu bổ sung vào Uỷ ban Việt Minh tỉnh và được phân công phụ trách Đoàn Thanh niên Cứu Quốc tỉnh Ninh Thuận.
Cách mạng Tháng tám thành công, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Việt Minh các cấp, ở các làng, xã đã nhanh chóng tập hợp thanh thiếu niên vào đoàn thanh niên cứu quốc. Tham gia phong trào bình dân học vụ, tham gia tuần lễ vàng, quyên góp cứu đói đồng bào miền Bắc, nổi bật nhất là tham gia lực lượng dân quân tự vệ…
Tháng 01 năm 1946, thực dân Pháp tái chiếm Phan Rang, nên đoàn viên thanh niên cứu quốc tuỳ theo điều kiện một số người vào các đơn vị bán vũ trang, một số lớn hòa mình với bà con trong làng tham gia sản xuất. Thời điểm này đồng chí Đỗ Đạt Khoáng được bố trí công tác khác, từ đó tổ chức chỉ đạo công tác thanh niên không còn nữa, công tác thanh niên lúc này do Uỷ ban Việt Minh mỗi cấp phụ trách và xây dựng.
Đến năm 1950, Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận chủ trương thành lập tổ công tác Thanh vận gồm 3 đồng chí, đồng chí Nguyễn Đình Lập là tổ trưởng. Số lượng đoàn viên lúc bấy giờ là 1.249 đồng chí. Từ đầu năm 1953 đến tháng 5/1954: Lực lượng bộ đội, nam nữ thanh niên, dân quân du kích, tấn công địch khắp mọi nơi giải phóng nhiều vùng nông thôn rộng lớn, góp phần cho thắng lợi trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.
Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơnevơ được kí kết, đã chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của Thực dân Pháp. Nhưng đất nước vẫn bị chia cách 2 miền, miền Bắc giải phóng đi lên xây dựng CNXH; miền Nam tiếp tục đấu tranh cách mạng dân tộc, dân chủ để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Thanh niên Ninh Thuận tiếp tục cùng nhân dân đấu tranh chống Mỹ cứu nước. Cùng với phong trào tòng quân, thanh niên còn hăng hái tham gia dân quân du kích, tự vệ. Trong năm 1961 có hàng trăm nam nữ thanh niên vùng căn cứ Bác Ái, Anh Dũng tham gia dân quân du kích làm nồng cốt trong công tác quốc phòng xây dựng căn cứ, chế tạo nhiều loại tên, ná, bẩy đá, chông, tên … để đánh giặc bảo vệ nhân dân. Ở đồng bằng, một số làng xã như Sơn Hải, Thương Diêm, La Chữ đã có tổ chức Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng, còn hầu hết đều do cấp ủy Đảng chi bộ phụ trách công tác thanh niên. Giữa năm 1963, Tỉnh ủy phân công đồng chí Huỳnh Đức Tĩnh làm công tác văn phòng kiêm công tác thanh vận, sau đó tăng cường thêm đồng chí Nguyễn Hữu Hồng.
Năm 1965, trên cục diện chiến trường miền Nam có những chuyển mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ ngày 17 đến ngày 26/3/1965, Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Việt Nam đã Đại hội lần thứ nhất tại vùng căn cứ kháng chiến Tây Ninh, Đoàn đại biểu thanh niên Ninh Thuận gồm các đồng chí Nguyễn Hữu Hồng, Đặng Thị Thu, Katơ Thỏ, Tà Yên Thị Điều, Katơ Đoàn, Mạo Ngọc Than do đồng chí Nguyễn Hữu Hồng làm trưởng đoàn tham dự Đại hội.
Từ năm 1961 đến tháng 7/1965, các tầng lớp thanh niên cùng với quân dân Ninh Thuận dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy, từ miền núi đến đồng bằng, từ nông thôn đến thị xã đã kiên cường tấn công địch trên cả 3 mặt Chính trị – Binh vận – Vũ trang giành quyền làm chủ và phá lỏng rã kèm ở một số ấp đồng bằng, góp phần đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ.
Giữa năm 1965, Ban thanh vận tỉnh tập trung giáo dục, phát động phong trào đánh Mỹ trong toàn đoàn viên và các tầng lớp thanh niên trong tỉnh; đẩy mạnh thi đua thực hiện phong trào 5 xung phong do Trung ương Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Việt Nam phát động. Trong những năm 1966, 1967 ở Bác Ái và Anh Dũng đã phát động phong trào bắn máy bay rầm rộ, sôi nổi, điển hình trong số thanh thiếu niên bắn rơi máy bay địch có Chamaléa Chấp 13 tuổi ở Phước Thành, Pinăng Ly 15 tuổi ở Phước Chính, Chamaléa Thị Thép 19 tuổi ở Phước Đại, Chamaléa Hoa 17 tuổi ở Phước Trung.
Tháng 5 năm 1968, Trung ương Đoàn điều đồng chí Lê Nam vào Ninh Thuận phụ trách công tác thanh vận đến cuối năm 1974. Thời gian này Ban Thanh vận tỉnh triển khai học tập lời dạy của Bác Hồ “Không có gì quý hơn độc lập tự do” đã thôi thúc hàng ngàn thanh thiếu niên tham gia đấu tranh chống Mỹ Ngụy trên tất cả các mặt trận. Tháng 7/1973, Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Việt Nam lần thứ 2 diễn ra tại Tây Ninh. Đoàn đại biểu thanh niên Ninh Thuận tham gia đại hội có đồng chí Lê Nam và đồng chí Chamaléa Điêu. Tại đại hội, đoàn đại biểu Ninh Thuận vinh dự được báo cáo điển hình về phong trào chiến tranh du kích của tuổi trẻ huyện Bác Ái được các đại biểu đánh giá cao. Đồng chí Chamaléa Điêu được vào ủy viên BCH Trung ương Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Hồ Chí Minh.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trường kỳ, gian khổ, kéo dài 21 năm đã hoàn toàn thắng lợi với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nước nhà được thống nhất. Trong thành tích to lớn ấy, có sự đóng góp của các thế hệ thanh niên Ninh Thuận đã vượt qua nhiều gian lao thử thách, chịu đựng mọi gian khổ, hy sinh, tham gia công tác và chiến đấu dũng cảm, lập nhiều thành tích vẻ vang, xuất hiện nhiều anh hùng và chiến sỹ thi đua.
Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Bình Thuận sát nhập thành tỉnh Thuận Hải, tuổi trẻ Ninh Thuận tiếp tục cùng toàn Đảng, toàn dân xây dựng quê hương. Đông đảo nam nữ thanh niên ở các thôn, xã đã hăng hái tham gia lao động sản xuất, hàn gắn vết thương chiến tranh, góp phần ổn định tình hình địa phương. Nhiều phong trào được triển khai mà tiêu biểu nhất là phong trào tham gia phát triển kinh tế – xã hội. Nhiều công trình thanh niên đã đem lại lợi ích kinh tế rất lớn và có hiệu quả đến bây giờ. Tiêu biểu là Công trình thủy lợi Sông Pha - Ninh Sơn, Sông Lu - Ninh Phước đã huy động hàng ngàn thanh niên với hàng chục ngàn ngày công XHCN...
II. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Ninh Thuận qua các kỳ Đại hội.
Tháng 4 năm 1992, tỉnh Ninh Thuận được tái lập, tuổi trẻ Ninh Thuận tiếp tục khẳng định là lực lượng xung kích, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương. Kể từ đó đến nay Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Ninh Thuận đã trải qua IV kỳ đại hội đó là:
Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Ninh Thuận lần thứ I, nhiệm kỳ 1992 – 1997:
Đại hội diễn ra từ ngày 30/7 đến 01/8/1992, tại Thị xã Phan Rang – Tháp Chàm; tham dự Đại hội có 118 đại biểu chính thức và bầu 17 đồng chí vào Ban Chấp hành, 5 đồng chí vào Ban Thường vụ, đồng chí Nguyễn Văn Ngọt được bầu làm Bí thư tỉnh Đoàn. Đại hội đã đề ra nhiệm vụ cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trong nhiệm kỳ là tập trung vào công tác kiện toàn và phát triển tổ chức Đoàn và Hội Liên hiệp Thanh niên, coi đó là nhiệm vụ then chốt để đưa phong trào Đoàn lên ngang tầm với yêu cầu của tình hình mới.
Đến năm 1993, Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn đã phát động 2 phong trào lớn là “Thanh niên lập nghiệp” và “Tuổi trẻ giữ nước”.
Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Ninh Thuận lần thứ II, nhiệm kỳ 1997 - 2002:
Đại hội diễn ra từ ngày 2 – 4/10/1997, tại Thị xã Phan Rang – Tháp Chàm, tham dự Đại hội có 198 đại biểu chính thức. Đại hội đã có những nhận định hết sức đúng đắn về thực trạng, tiềm năng và vai trò của tuổi trẻ tỉnh, từ đó đề ra các mục tiêu và nội dung quan trọng trong nhiệm kỳ là tiếp tục triển khai 2 phong trào lớn là “Thanh niên lập nghiệp” và “Tuổi trẻ giữ nước” một cách sâu rộng, hiệu quả… Phát huy tính xung kích, chủ động, sáng tạo của cán bộ, đoàn viên, thanh niên, tích cực tập hợp đoàn kết thanh niên, nhằm xây dựng Đoàn, Hội, Đội vững mạnh…
Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 23 đồng chí, Ban Thường vụ: 07 đồng chí, đồng chí Nguyễn Văn Ngọt tái đắc cử Bí thư tỉnh Đoàn.
Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Ninh Thuận lần thứ III, nhiệm kỳ 2002 - 2007:
Với tinh thần “Xung kích – Đoàn kết – Dân chủ - Trí Tuệ”, trong 2 ngày 16 – 18/10/2002, 246 Đại biểu chính thức đại diện cho 21.073 đoàn viên, 20.144 Hội viên và 150.000 thanh niên trong toàn tỉnh đã về tham dự Đại hội tại Thị xã Phan Rang – Tháp Chàm. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 31 đồng chí, Ban Thường vụ: 09 đồng chí, đồng chí Lê Văn Phong được bầu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh Đoàn.
Đại hội đã quyết định triển khai phong trào “Thi đua tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”)
Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Ninh Thuận lần thứ IV, nhiệm kỳ 2007 - 2012:
Đại hội Đại biểu Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Ninh Thuận khoá IV, nhiệm kỳ 2007 – 2012 đã tiến hành từ ngày 16 – 18//10/2007 tại Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, về dự Đại hội có 244 đại biểu chính thức. Đại hội đã vinh dự được Đảng bộ tỉnh tặng bức trướng mang dòng chữ: “Tuổi trẻ Ninh Thuận đoàn kết, sáng tạo, xung kích, tình nguyện xây dựng quê hương Ninh Thuận giàu mạnh”
Đại hội đã bầu 35 đồng chí vào Ban Chấp hành, 7 đồng chí vào Ban Thường vụ, đồng chí Lâm Đông được bầu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh Đoàn. Đại hội cũng đã quyết định triển khai 2 phong trào lớn là “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”.
III. Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Ninh Thuận lần thứ V, nhiệm kỳ 2012 - 2017:
1. Kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn tỉnh lần thứ IV, nhiệm kỳ 2007 – 2012:
- Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, định hướng lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho ĐVTT’N đạt được những kết quả đáng phấn khởi:
Nội dung, phương thức từng bước được đổi mới theo hướng gần gũi, thiết thực, phát huy được trí tuệ của ĐVTN; coi trọng giáo dục thông qua hành động cụ thể của tổ chức Đoàn và ĐVTN; gắn với kỷ niệm các ngày lễ lớn, ngày truyền thống của Đảng, của đất nước, của Đoàn Thanh niên. Thông qua đó, nâng cao nhận thức của thanh niên về trách nhiệm trong xã hội, về xây dựng lối sống, nếp sống văn hoá.
Thanh niên tình nguyện xã Phước Tân, huyện Bác Ái làm nhà ăn tập thể
cho Trường THCS Dân tộc bán trú Nguyễn Văn Linh. Ảnh: Tường Vân
Thực hiện Cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Ban Thường vụ tỉnh Đoàn xây dựng, triển khai, tổ chức thực hiện chương trình hành động “Tuổi trẻ Ninh Thuận học tập và làm theo lời Bác” bằng nhiều nội dung, hình thức như: trong trường học phát động phong trào thi đua thực hiện tốt “5 điều Bác Hồ dạy”; phong trào “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, “Kế hoạch nhỏ”, “Vì bạn nghèo”; tổ chức cho đoàn viên, thanh niên xem và thuyết trình bộ phim “Hồ Chí Minh - Chân dung một con người”, “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, thi làm báo tường và tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kết quả tổ chức 1.381 hội thi, thi viết “Kể chuyện, tìm hiểu về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Cảm nhận di chúc Bác”, đồng diễn “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”, tuyên dương 206 tập thể và 1248 cá nhân, 79.259 “Cháu ngoan Bác Hồ” và hàng ngàn đoàn viên, thanh thiếu nhi được khen thưởng và tuyên dương cấp cơ sở.
Việc phát huy các nguồn lực xã hội trong giáo dục thanh thiếu nhi được các cấp bộ đoàn chú trọng thực hiện: tham mưu với cấp ủy, chính quyền tạo cơ chế tổ chức các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực thực tiễn cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; phối hợp chặt chẽ với cơ quan báo chí, cơ quan truyền thông trong việc xây dựng các chuyên mục, chuyên đề giáo dục thanh thiếu nhi; xây dựng và triển khai các chương trình phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể; đồng thời tranh thủ tối đa các điều kiện, nguồn lực để tổ chức các hoạt động giáo dục, bồi dưỡng thanh thiếu nhi
- Phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc ” phát triển mạnh mẽ, tạo môi trường bồi dưỡng, phát huy sức trẻ; thể hiện rõ nét hơn vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Trong nhiệm kỳ, các cấp bộ Đoàn đảm nhận trên 1006 công trình, phần việc thanh niên trị giá gần 3,457 tỷ đồng; điển hình như: “Di dời các đường truyền số liệu và số thuê bao từ MDF1 sang MDF2 và nhà cáp”,“Duy tu, bảo dưỡng hệ thống pin mặt trời”, “Làm đường vào nhà nội trú dân nuôi”, “Đoạn đường thanh niên”, “vườn rau thanh niên”, sửa chữa hệ thống điện dân dụng cho người dân vùng sâu, vùng xa, miền núi. Phối hợp công ty Điện lực Ninh Thuận triển khai chương trình thay mới 25.613 bóng đèn tiết kiệm điện compact cho 16.355 hộ gia đình, thu hút hơn 11.000 lượt ĐVTN tham gia.
Tỉnh đoàn đảm nhận 05 mô hình thâm canh cây lúa nước với tổng diện tích 49,5 ha và 01 mô hình thâm canh cây Bắp lai với diện tích 3 ha; tổng số tiền của hai dự án trên 793 triệu đồng. Qua đó giúp thanh niên dân tộc thiểu số tiếp nhận các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tăng năng suất cây trồng, giải quyết tình trạng thiếu lương thực hàng năm của địa phương.
Hoạt động tình nguyện được mở rộng về nội dung, nâng cao về chất lượng. Các đội hình thanh niên tình nguyện chuyên sâu gắn với chuyên môn, nghiệp vụ của thanh niên, học sinh, sinh viên được phát triển đã góp phần giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc của cộng đồng,như: bảo vệ môi trường, xoá đói giảm nghèo, giữ gìn trật tự an toàn giao thông, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, đền ơn đáp nghĩa… 5 năm qua, đã xây dựng 165 đội TNTN hiến máu, 3 câu lạc bộ ngân hàng máu sống và trên 14.287 lượt đoàn viên, thanh niên tham gia hiến máu nhân đạo, sửa chữa điện dân dụng, nhà ở cho 946 hộ gia đình chính sách, xây dựng 33 căn nhà nhân ái, nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa với tổng giá trị trên 800 triệu đồng, khám cấp phát thuốc cho 15.422 người dân trên 749 triệu đồng. xây dựng 60 CLB, đội, nhóm tuyên truyền/2.135 ĐVTN, 3 đội TNXK bảo vệ môi trường/60 thành viên, đảm nhận 372 công trình phần việc bảo vệ môi trường, tổ chức 350 đợt ra quân tuyên truyền về Luật bảo vệ môi trường, ngày Môi trường thế giới, môi trường nước; phát động vệ sinh môi trường, thu gom và tiêu hủy 850 m3 rác, đảm nhận 33 đoạn đường thanh niên tự quản; tu sửa và phát quang 39,5 km đường giao thông nông thôn với sự tham gia của trên 30.350 ĐVTN. Hàng năm tham mưu cho UBND Tỉnh tổ chức phát động “Tết trồng cây – Nhớ ơn Bác Hồ”, qua đó thu hút gần 35.000 ĐVTN và nhân dân tham gia trồng hơn 70.500 cây xanh phân tán. Điểm nổi bật trong phong trào thanh niên tình nguyện là đội hình đa dạng hơn, coi trọng các hoạt động tình nguyện tại chỗ, huy động nhiều nguồn lực, thu hút đông đảo các lực lượng xã hội cùng tham gia.
Trong hoạt động thanh niên xung kích bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phong trào “Thanh niên Quân đội thi đua rèn đức, luyện tài, xung kích, sáng tạo, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; “Thanh niên Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy - xung kích, sáng tạo, tình nguyện, lập công vì an ninh Tổ quốc” tiếp tục phát triển với nhiều cách làm sáng tạo, phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các cấp bộ Đoàn đã tích cực tham gia công tác tuyên truyền, động viên thanh niên lên đường nhập ngũ, góp phần nâng cao chất lượng tuyển quân và đảm bảo chỉ tiêu giao quân hàng năm. Cuộc vận động“Nghĩa tình biên giới, hải đảo” tiếp tục được đẩy mạnh thông qua các diễn đàn trao đổi, nói chuyện về chủ quyền biên giới, hải đảo, viết thư thăm hỏi động viên các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ nơi biên giới, hải đảo; vận động quyên góp, ủng hộ các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trên đảo Trường Sa. Các mô hình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong tổ chức đoàn các cấp tiếp tục củng cố và phát triển như: "Đội thanh niên xung kích an ninh”, "Chi đoàn dân quân tự vệ”, “Câu lạc bộ Thanh niên với Pháp luật”…đã thu hút đông đảo đoàn viên, thanh thiếu nhi tham gia.
ĐV- TN huyện Ninh Sơn tình nguyện tham gia khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào Raglai xã Lâm Sơn.
Ảnh: Sơn Ngọc
Hoạt động xung kích trong thực hiện cải cách hành chính được các cấp bộ Đoàn tích cực triển khai, toàn tỉnh đã có 3.292 đoàn viên công chức trẻ đăng ký thực hiện mô hình “một cửa”, 42 cơ sở Đoàn đăng ký phần việc thanh niên về xây dựng bộ hệ thống tiêu chuẩn văn bản pháp quy giúp tra cứu văn bản ….
Các cấp bộ Đoàn đã tổ chức các diễn đàn, hội thảo chuyên đề, cung cấp thông tin, tài liệu, tờ tin về cơ hội, thách thức và kinh nghiệm trong quá trình hội nhập kinh tế, quốc tế; thông qua các. Kết quả hơn 13.718 đoàn viên thanh niên tham gia các lớp nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, kiến thức kỹ năng nghiệp vụ.
- Phong trào “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” đã đi vào thực tiễn, đạt hiệu quả thiết thực góp phần giải quyết các nhu cầu, nguyện vọng, bảo vệ, chăm lo lợi ích chính đáng của thanh thiếu nhi, huy động được các nguồn lực xã hội để hỗ trợ thanh thiếu nhi trong học tập, công tác và trong cuộc sống.
Các cấp bộ Đoàn tích cực chăm lo các quyền, lợi ích chính đáng của thanh niên. Tổ chức sâu rộng các hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện để thanh thiếu nhi tiếp cận cơ hội học tập, nghiên cứu khoa học và phát triển tài năng; tham gia xây dựng môi trường học đường lành mạnh; vận động và tổ chức cho thanh niên tham gia phổ cập giáo dục, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường; không ngừng nâng cao chất lượng các quỹ khuyến học, khuyến tài, quỹ học bổng nhằm biểu dương, tôn vinh và khuyến khích phong trào học tập, nghiên cứu khoa học trong thanh thiếu niên. Phong trào “Sinh viên 5 tốt”, Chương trình “Học sinh 3 rèn luyện”, “Khi tôi 18” tiếp tục được đẩy mạnh góp phần nâng cao chất lượng học tập và rèn luyện của học sinh sinh viên. Các cấp bộ Đoàn đã tích cực tham mưu với cấp uỷ, chính quyền hoàn thiện chính sách, cho 3.699 học sinh, sinh viên vay vốn tín dụng học tập với số tiền là 57,315 tỷ đồng.
Thanh niên tình nguyện xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước, tích cực tham gia
làm đường giao thông góp phần xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Sơn Ngọc
Thường xuyên tuyên truyền, tư vấn về nghề nghiệp, việc làm cho ĐVTN. Trong nhiệm kỳ, đã tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm cho 26.604 lượt ĐVTN, tổ chức dạy nghề cho 7.331 lượt ĐVTN; 13.334 ĐVTN được hỗ trợ vay vốn học nghề và giải quyết việc làm; giới thiệu gần 14.104 lượt ĐVTN, sinh viên làm việc theo thời vụ và đi lao động nước ngoài.
Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được các cấp bộ Đoàn duy trì đều đặn, đặc biệt “Ngày hội thanh niên khỏe” đã trở thành hoạt động thường niên trong Tháng Thanh niên hàng năm. Việc tham gia hưởng ứng cuộc vận động ĐVTN rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại được đẩy mạnh thông qua phong trào “Khỏe để lập nghiệp và giữ nước”, từ đó xây dựng ý thức thường xuyên rèn luyện thân thể trong đoàn viên, thanh thiếu nhi.
- Công tác xây dựng tổ chức Đoàn có sự chuyển biến, mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên được mở rộng; Đoàn tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân.
Công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đoàn được quan tâm đầu tư.Thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá”, Nghị quyết 02-NQ/TƯĐTN của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn (khoá IX) về “Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn”, các cấp bộ Đoàn đã thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Đoàn; tăng cường công tác cung cấp thông tin và tài liệu sinh hoạt Đoàn; chú trọng công tác củng cố tổ chức, đặc biệt các chi đoàn ở các thôn vùng sâu, vùng xa, vùng có đông thanh niên dân tộc, tôn giáo...
Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đoàn và thanh vận được tổ chức thường xuyên; phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từng bước được đổi mới, đa dạng, thiết thực, chú trọng tập huấn theo chuyên đề. Kết quả Phối hợp với Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam - Phân viện Miền Nam và trường Chính trị tỉnh tổ chức 01 lớp Trung cấp LLCT và nghiệp vụ Thanh vận tại tỉnh cho 43 cán bộ Đoàn; cử 9 cán bộ Đoàn cơ sở tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn tại Phân viện Miền Nam; tổ chức tập huấn 7.154 lượt cán bộ Đoàn, Hội, Đội.
Chương trình rèn luyện đoàn viên trong thời kỳ mới được triển khai sâu rộng;. Hàng năm, 100% đoàn viên khối LLVT và 80% đoàn viên khối địa bàn dân cư đăng ký và thực hiện. Quy trình bồi dưỡng, giới thiệu và kết nạp đoàn viên mới được thực hiện chặt chẽ, khoa học; trong nhiệm kỳ, kết nạp mới 22.383 đoàn viên, đưa tổng số đoàn viên toàn tỉnh lên 29.127, đạt 70,59% so với Nghị quyết Đại hội.
Công tác mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên và tham gia xây dựng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh: không ngừng được mở rộng, khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường; các hoạt động xã hội, văn hóa – văn nghệ, thể dục - thể thao, phong trào tình nguyện thông qua các tổ, đội, nhóm và câu lạc bộ thanh niên đã thu hút, tập hợp 45 % thanh niên toàn tỉnh tham gia. Trong nhiệm kỳ, UB Hội các cấp giới thiệu 34.996 hội viên để kết nạp vào tổ chức Đoàn. Các tổ chức thành viên như Hội Doanh nhân trẻ, Hội thầy thuốc trẻ... được thành lập và có nhiều hoạt động thiết thực.
Từ năm 2007 - 2012, các cấp bộ Đoàn đã bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng 6.762 đoàn viên ưu tú, trong đó 2.623 đồng chí đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, chiếm 65,7% tổng số đảng viên được kết nạp của đảng bộ tỉnh. Trong nhiệm kỳ có 49 đ/c cán bộ Đoàn trúng cử vào cấp ủy Đảng các cấp (cấp tỉnh 01 đ/c, cấp huyện 04 đ/c, cấp xã 44 đ/c), 72 đ/c cán bộ Đoàn trúng cử HĐND các cấp (cấp tỉnh: 01 đ/c, cấp huyện 08 đ/c, cấp xã 63 đ/c).
- Công tác Đội và phong trào thiếu nhi có nhiều nét mới, số lượng thiếu nhi rèn luyện vào tổ chức Đội TNTP Hồ Chí Minh và đội viên phấn đấu được kết nạp Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ngày càng tăng; chất lượng đội ngũ Giáo viên - Tổng phụ trách được nâng lên. Các cuộc vận động, chương trình được duy trì thường xuyên. Thực hiện tốt công tác giáo dục truyền thống, định hướng giá trị, hình thành nhân cách cho thiếu nhi.
Thực hiện có kết quả các Cuộc vận động “Thiếu nhi Việt Nam thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy”,“Vì đàn em thân yêu”, “Vòng tay bè bạn”; phong trào “Tấm áo tặng bạn”, “Đôi bạn cùng tiến”, “Kế hoạch nhỏ”, “Thi đua làm nghìn việc tốt”; chương trình “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Ninh Thuận”... Thông qua các mô hình, hoạt động như: Nuôi heo đất, hủ gạo tình thương, nhịn quà vặt, xây dựng quỹ giúp các bạn có hoàn cảnh khó khăn, quỹ “Thiếu nhi nghèo hiếu học”; chương trình giao lưu kết nghĩa “Thiếu nhi đồng bằng vì thiếu nhi miền núi”, thành lập các câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm giúp nhau học tập, đôi bạn cùng tiến, nhận đỡ đầu đội viên có hoàn cảnh khó khăn.… Kết quả, tặng 78.951 quyển (sách, vở), 25.417 bộ quần áo trắng, nhận đỡ đầu 4031 đội viên có hoàn cảnh khó khăn
7/7 huyện, thành phố triển khai chương trình hành động về công tác thiếu nhi, về tổ chức hoạt động thiếu nhi ở địa bàn dân cư thông qua việc đẩy mạnh các hình thức sinh hoạt hè; CLB theo sở thích; lớp học tình thương; các hoạt động chăm sóc các di tích lịch sử ở địa phương… Hoạt động tại các điểm vui chơi của thiếu nhi tại địa bàn dân cư ngày càng sôi nổi, phong phú hơn. Hoạt động Tết trung thu, đêm hội trăng rằm được đồng loạt tổ chức hằng năm với nhiều nội dung thiết thực đã góp phần tạo sân chơi bổ ích, an toàn, lành mạnh, vui tươi, phấn khởi cho thiếu nhi.
Công tác xây dựng Đội có nhiều chuyển biến tích cực, đội ngũ cán bộ Đội được củng cố, tăng cường; chất lượng, nội dung, phương thức sinh hoạt Sao Nhi đồng, Lớp Nhi đồng được cải tiến; cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ phong trào thiếu nhi được cải thiện. Chất lượng tổ chức Đội và chất lượng đội viên được nâng lên rõ rệt. Thông qua việc triển khai thực hiện "Chương trình dự bị đội viên", “Chương trình rèn luyện đội viên” đã giúp thiếu nhi có ý thức tự rèn luyện vươn lên đạt danh hiệu “Con ngoan, trò giỏi, Đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ” . Kết quả công nhận gần 355 Cháu ngoan Bác Hồ các cấp, 236 liên đội mạnh cấp tỉnh và hơn 96.171 chuyên hiệu được công nhận
Đoàn viên Công ty Điện lực Ninh Thuận sửa chữa điện sinh hoạt cho người dân xã Phước Dinh.
Ảnh: Văn Miên
2. Ý nghĩa, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ nhiệm công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên nhiệm kỳ 2012 – 2017
2.1. Ý nghĩa:
Trong thời gian, tuổi trẻ Ninh Thuận đang nô nức thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đoàn các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Ninh Thuận lần thứ X - sự kiện chính trị trọng đại của tuổi trẻ tỉnh nhà, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 10/2012 tại TP. Phan Rang – Tháp Chàm.
Đại hội là diễn đàn để tuổi trẻ tỉnh nhà thể hiện tinh thần đoàn kết, sáng tạo, xung kích, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bày tỏ khát vọng và quyết tâm cống hiến sức trẻ, trí tuệ góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh, văn minh và phát triển. Trong nhiệm kỳ vừa qua, công tác đoàn và phong trào thanh niên tỉnh nhà có sự phát triển toàn diện, công tác xây dựng tổ chức đoàn được chăm lo đúng mức, vai trò lãnh đạo của tổ chức đoàn được khẳng định. Nhiều tấm gương thanh niên điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực được phát hiện, tôn vinh và nhân rộng, công tác cán bộ đoàn được trẻ hóa. Các phong trào hành động của Đoàn ngày càng đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp dổi mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng của tỉnh nói riêng và của đất nước nói chung.
Đại hội Đoàn toàn tỉnh lần V diễn ra có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội đoàn toàn tỉnh lần thứ IV, xác định mục tiêu giải pháp công tác Đoàn và phong trào thiếu nhi nhiệm kỳ 2012-2017, bầu những cán bộ, đoàn viên, thanh niên tiêu biểu vào Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn khóa V, thảo luận và đóng góp ý văn kiện Đại hội Đoàn các cấp, bổ sung sửa đổi Điều lệ Đoàn.
2.2. Mục tiêu:
Tăng cường bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị cho thanh niên; đẩy mạnh hai phong trào “ Xung kích, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc “ và “ Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”; nâng cao chất lượng tổ chức Đoàn, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên; chăm lo giáo dục thiếu niên nhi đồng, khuyến khích cổ vũ thanh niên nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão lớn, xung kích, sáng tạo, làm chủ khoa học hiện đại; hình thành lớp thanh niên ưu tú trên mọi lĩnh vực, kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; tích cực tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh.
2.3. Phương hướng:
Công tác giáo dục: Tập trung giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, bồi đắp niềm tin, văn hóa, lối sống, truyền thống lịch sử dân tộc cho thanh thiếu nhi. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao hiệu quả phương thức giáo dục của Đoàn.
Công tác xây dựng tổ chức Đoàn: Tập trung xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động, xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng, trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên.
Công tác xây dựng Hội và đoàn kết tập hợp thanh niên: Đa dạng hóa các loại hình thu hút, tập hợp thanh niên. Trang bị những kỹ năng cần thiết cho thanh niên thuộc nhiều thành phần, nhiều đối tượng khác nhau.
Công tác xây dựng Đội và chăm sóc giáo dục thiếu nhi: Phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, hướng dẫn thiếu nhi làm theo 5 điều Bác Hồ dạy và phấn đấu trở thành Đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh, người công dân tốt của đất nước.
Phong trào thanh niên: Kết hợp hài hòa giữa việc chăm lo, bảo vệ lợi ích chính đáng với bồi dưỡng và phát huy thanh niên thông qua đẩy mạnh tổ chức hai phong trào
“ Xung kích, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc “ và “ Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” trong thanh niên.
Công tác tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị: Gia tăng số lượng và chất lượng đoàn viên ưu tú giới thiệu cho Đảng; chú trọng bồi dưỡng những cán bộ trẻ, cán bộ Đoàn tâm huyết, có đạo đức và gắn bó với quần chúng, có năng lực tổ chức hoạt động thực tiễn giới thiệu nguồn cho Đảng, chính quyền và các đoàn thể; tích cực vận động và tổ chức thanh niên tham gia quản lý nhà nước và xã hội.
2.4. Những chỉ tiêu cơ bản:
- 100% Đoàn viên và 80% thanh niên được học tập các Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của Đoàn, 6 bài LLCT.
- 100% đoàn viên học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
- Hằng năm, 95% cơ sở Đoàn có hình thức tổ chức Chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Ninh Thuận vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
- Trong nhiệm kỳ phát triển 35.000 đoàn viên mới; giới thiệu ít nhất 8000 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp; tỷ lệ đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng ít nhất 70% trên toàn Đảng bộ.
- Các cấp bộ Đoàn-Hội-Đội nhận đỡ đầu ít nhất 1400 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
- Hằng năm, 100% các cấp bộ Đoàn đăng ký và đảm nhận ít nhất 01 công trình, phần việc thanh niên.
- 100% xã, phường, thị trấn có hoạt động tư vấn việc làm, học nghề và hỗ trợ vốn cho thanh niên nông thôn; phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ tổng dư nợ vốn vay ủy thác lên 200 tỷ đồng; tư vấn, giới thiệu việc làm và học nghề cho 50.000 thanh niên.
- 100% xã, phường, thị trấn nhận cảm hóa 325 thanh thiếu niên chậm tiến tại cộng đồng và hoàn lương; nhận giúp đỡ 995 hộ gia đình trẻ có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế.
- Hằng năm, có ít nhất 30 lớp tập huấn, mô hình chuyển giao KHKT cho thanh niên.
2.5 Khẩu hiệu hành động:
Phát huy đoàn kết, tuổi trẻ Ninh Thuận xây hoài bão lớn, xung kích, tình nguyện, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì quê hương giàu mạnh, văn minh.
2.6.. Nhiệm vụ và giải pháp:
2.6.1. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức cách mạng, tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm công dân cho thanh thiếu nhi
Công tác giáo dục chính trị: Tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác–Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý tưởng cách mạng và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam cho thanh thiếu nhi; tổ chức phổ biến, quán triệt các nghị quyết của Đảng, của Đoàn, tình hình nhiệm vụ chính trị của đất nước. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, chú trọng bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức cách mạng thông qua việc học tập 6 Bài học LLCT. Tiếp tục triển khai trong đoàn viên, thanh niên học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hàng năm tổ chức liên hoan, gặp gỡ, tuyên dương những thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác ở các cấp.
Công tác giáo dục truyền thống: Tiếp tục triển khai có hiệu quả các phong trào“Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”. Chú trọng tổ chức các hoạt động giáo dục thanh thiếu nhi về truyền thống vẻ vang của Đảng, dân tộc, của Đoàn thông qua các hình thức như : Nói chuyện truyền thống, gặp gỡ nhân chứng lịch sử, về nguồn, toạ đàm,, hội thi tuyên truyền ca khúc cách mạng, Phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm lo các gia đình chính sách, người có công cách mạng...
Công tác giáo dục pháp luật, đạo đức, lối sống: Đẩy mạnh công tác phối hợp với các cấp, các ban, ngành, đoàn thể và đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho thanh thiếu nhi; tăng cường nắm bắt tình hình tư tưởng và dư luận xã hội trong thanh thiếu niên. Chú trọng công tác xây dựng đội ngũ báo cáo viên có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác tuyên truyền trong tình hình mới. Kịp thời tham mưu và đề xuất cho cấp ủy Đảng, chính quyền, Đoàn cấp trên về tình hình thanh niên. Tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục cho thanh niên về lối sống đẹp, sống có ích; kịp thời tôn vinh, tuyên dương các gương điển hình thanh niên sống đẹp – sống có ích. Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể trong công tác giáo dục thanh thiếu nhi. Chú trọng các hoạt động truyền thông về công tác chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường; phòng chống tệ nạn xã hội; bài trừ các ấn phẩm độc hại, các hủ tục lạc hậu…
2.6.2. Phong trào: “Xung kích phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc”
Xung kích phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế:. Triển khai có hiệu quả phong trào “Sáng tạo trẻ”, “Ba trách nhiệm” nhằm đề xuất các sáng kiến, giải pháp, cải cách thiết thực giúp cắt giảm hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục hành chính gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân; đề xuất đơn giản hóa quy trình thực hiện các quy định về thủ tục hành chính trong các chuyên đề, hội nghị, hội thảo trong khối công nhân viên chức. Thanh niên đô thị xung kích trong thực hiện cuộc vận động “Thanh niên xây dựng văn minh đô thị”, “Thanh niên với văn hoá giao thông”.
Tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”; cuộc vận động “Sinh viên 5 tốt”, học sinh “Ba rèn luyện”. Đẩy mạnh công tác tham mưu tạo cơ chế khuyến khích và hỗ trợ thanh niên triển khai thực hiện các sáng kiến, ý tưởng sáng tạo, nghiên cứu khoa học. Tăng cường công tác bồi dưỡng, giáo dục nhận thức thanh niên về nhận thức, bản lĩnh, sự tự tin và kiến thức trong kỷ năng hội nhập quốc tế. Phát động thi đua học ngoại ngữ, tin học, kiến thức về các nền văn hoá các dân tộc, quốc gia trên thế giới.
Xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng: Chú trọng xây dựng các tổ, đội, nhóm thanh niên tình nguyện; tăng cường đổi mới nội dung, đa dạng hoá loại hình hoạt động; xung kích tham gia giải quyết những việc mới, việc khó và những vấn đề bức xúc của cộng đồng như: Tham gia giữ gìn an ninh - trật tự, an toàn giao thông, sửa chữa đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương, khắc phục hậu quả thiên tai, vệ sinh môi trường, hiến máunhân đạo, khám phát thuốc, xoá mù chữ, vận động trẻ em đến trường, sửa chữa nhà cho gia đình chính sách, neo đơn … Tiếp tục triển khai có hiệu quả Tháng thanh niên, Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè, chương trình tiếp sức mùa thi.
Xung kích bảo vệ Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội: Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục ý thức quốc phòng an ninh. Phối hợp với các ngành làm tốt công tác tuyển quân và thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đẩy mạnh phong trào “Xứng danh bộ đội Cụ Hồ” trong thanh niên quân đội và phong trào “Học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy – xung kích , sáng tạo, tình nguyện, lập công vì an ninh Tổ quốc” trong thanh niên công an. Tích cực tham gia cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới, hải đảo”; đẩy mạnh công tác hậu phương quân đội như: viết thư thăm hỏi, giao lưu kết nghĩa với các đồn biên phòng, giúp đỡ gia đình các chiến sỹ đang đóng quân tại biên giới, hải đảo. Đẩy mạnh công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội thông qua các đội, nhóm thanh niên xung kích an ninh, tổ hoà giải, phát huy vai trò xung kích tình nguyện trong tham gia phòng chống tham nhũng, lãng phí. Thực hiện tốt cuộc vận động “Tuổi trẻ xung kích, tình nguyện giữ gìn trật tự an toàn giao thông”; chú trọng nâng cao hiệu quả của các đội, nhóm và các loại hình về giữ gìn trật tự an toàn giao.
Xung kích xây dựng đời sống văn hóa: Tích cực tham gia thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; xây dựng nếp sống văn minh; văn hoá học đường, văn minh công sở. Thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; phối hợp tổ chức các cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật, giải thể thao; tăng cường phát hiện và đào tạo tài năng trẻ. Chú trọng quan tâm đời sống văn hóa tinh thần thanh niên nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Định hướng thanh thiếu nhi giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, đồng thời tích cực giữ gìn ngôn ngữ của các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh; tìm hiểu, bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống. Tăng cường công tác giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. Vận động thanh niên thực hiện tốt chính sách dân số kế hoạch hoá gia đình; hướng dẫn sử dụng Internet phục vụ cho học tập và giải trí lành mạnh; xây dựng và nhân rộng mô hình phổ cập tin học và truy cập internet.
Xung kích tham gia xây dựng nông thôn mới: Tiếp tục thực hiện chương trình số 31CTr/TĐ, ngày 28/10/2011 của Ban thường vụ tỉnh Đoàn về việc “Tuổi trẻ Ninh Thuận chung tay xây dựng nông thôn mới” gắn với phong trào "Bốn mới” trong thanh niên nông thôn. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp; thực hiện có hiệu quả phong trào “Bốn mới”. Phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỷ thuật trong sản xuất nông – lâm- ngư nghiệp; đào tạo nghề, tư vấn, hướng nghiệp và giải quyết việc làm cho thanh niên. Thường xuyên tuyên truyền, vận động thanh thiếu niêng tham gia vệ sinh môi trường; sửa chữa đường trục đường nông thôn, nội đồng; công trình nước sạch; nạo vét kênh mương và các công trình phúc lợi khác... Duy trì và phát triển các loại hình câu lạc bộ gia đình trẻ, câu lạc bộ tiền hôn nhân, câu lạc bộ kỹ năng xã hội, câu lạc bộ sở thích...
2.6.3. Phong trào “ Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”
Đồng hành với thanh niên trong học tập: Tích cực tham mưu cơ chế, tổ chức các hoạt động hỗ trợ thanh niên học tập, nghiên cứu khoa học; phát triển các sân chơi trí tuệ, rèn luyện tư duy độc lập, sáng tạo; chủ động phối hợp các ngành xây dựng môi trường học tập lành mạnh, chống tiêu cực trong thi cử. Thành lập các Câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, nhóm hỗ trợ nhau học tập…Xây dựng, duy trì các quỹ khuyến học, giải thưởng nhằm hỗ trợ, động viên tôn vinh các gương điển hình trong phong trào học tập.
Đồng hành với thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm: Thường xuyên nâng cao năng lực cho cán bộ đoàn cơ sở về nghiệp vụ, kỷ năng tư vấn hướng nghiệp và việc làm cho thanh niên; chú trọng xây dựng đội ngũ báo cáo viên. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, của tỉnh về hỗ trợ, giải quyết việc làm và đào tạo nghề. Phối hợp thực hiện công tác giám sát, kịp thời phản ánh thông tin hai chiều trong quá trình thực thi các chủ trương và chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Chú trọng công tác phối hợp nhằm huy động tốt các nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, lập nghiệp, nâng cao kỷ năng tìm việc, lập nghiệp trong thanh niên. Khuyến khích, cổ vũ thanh niên trong LLVT tích cực học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Quan tâm công tác tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm và hổ trợ vốn vay cho bộ đội xuất ngũ. Kịp thời phát hiện các gương điển hình trong học tập, lao động, sản xuất, kinh doanh để tuyên dương, khen thưởng và nhân rộng.
Đồng hành với thanh niên trong nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần: Phát động thanh thiếu nhi tích cực rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại; phối hợp khai thác, sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hoá để nâng cao sức khoẻ, thể chất và đời sống tinh thần cho thanh thiếu nhi. Tiếp tục tham mưu cho Cấp uỷ đảng, chính quyền quan tâm, đầu tư xây dựng các trung tâm, điểm vui chơi cho thanh thiếu nhi; huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác nâng cao sức khoẻ thể chất và đời sống văn hoá tinh thần cho thanh thiếu nhi; phòng chống các tệ nạn xã hội trong thanh niên. Thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao; Nghiên cứu xây dựng thí điểm một số mô hình hoạt động văn hoá, thể thao cho thanh thiếu nhi, tăng cường các giải đấu để tạo không khí thi đua sôi nổi thu hút đoàn viên thanh thiếu nhi tham gia, qua đó phát hiện các tài năng trẻ để bồi dưỡng.
Đồng hành với thanh niên trong phát triển kỹ năng, xã hội: Đẩy mạnh các hình thức huấn luyện, bồi dưỡng kỹ năng xã hội cho thanh niên. Duy trì tổ chức các hoạt động: Học kỳ trong quân đội, hội trại, hội thi, sinh hoạt ngoại khoá .. nhằm hỗ trợ thanh niên kỹ năng làm việc tập thể, thuyết trình, giao tiếp và ứng xử, xử lý tình huống. Phối hợp xây dựng, hoàn thiện và đổi mới nội dung giảng dạy về kiến thức, kỹ năng hoạt động xã hội cho học sinh phù hợp với từng cấp học.
2.6.4. Nâng cao trách nhiệm phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng.
Thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và trang bị kỹ năng công tác Đội cho cán bộ Đoàn và đoàn viên; củng cố Hội đồng Đội và lực lượng phụ trách thiếu nhi các cấp; tăng cường tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ phụ trách và chỉ huy Đội. Tham mưu cấp uỷ Đảng, chính quyền quan tâm phát triển hệ thống các thiết chế phục vụ công tác Đội và phong trào thiếu nhi.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 06 của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa IX về“Tăng cường các hoạt động vui chơi giải trí cho thiếu niên, nhi đồng”. Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Vì đàn em thân yêu”. Chú trọng công tác vận động các nguồn lực trong xã hội cùng chăm sóc, giáo dục thiếu nhi; hỗ trợ về mặt pháp luật và dư luận đối với trẻ em bị xâm hại, trẻ vị thành niên. Đẩy mạnh thực hiện Phong trào “Nói lời hay, làm việc tốt, xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ”; Chương trình “Rèn luyện đội viên”. Triển khai có hiệu quả Chương trình “Rèn luyện phụ trách Đội” gắn với việc tổ chức Hội thi Giáo viên Tổng phụ trách giỏi; Duy trì tổ chức tốt Chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Ninh Thuận”.
2.6.5. Công tác quốc tế thanh niên:
Nâng cao năng lực cán bộ, đoàn viên thanh niên trong hội nhập quốc tế; đưa nội dung giáo dục về tình hình quốc tế, các vấn đề quốc tế vào công tác giáo dục chính trị tư tưởng, sinh hoạt Đoàn; tăng cường công tác thông tin, định hướng về các vấn đề quốc tế. Phát động phong trào thi đua học ngoại ngữ trong cán bộ, đoàn viên thanh niên. Tích cực tham gia đầy đủ các chương trình giao lưu thanh niên quốc tế do Trung ương Đoàn và Ủy ban quốc gia về thanh niên tổ chức.
2.6.6. Xây dựng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vững mạnh, mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên.
Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng chi đoàn mạnh”. Đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt chi đoàn, Đoàn cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; chú trọng củng cố cơ sở trung bình, yếu kém; làm tốt công tác quản lý đoàn viên và đoàn vụ. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Rèn luyện đoàn viên” trong thời kỳ mới. Tăng cường công tác phát triển đoàn viên, coi trọng chất lượng, đúng quy trình, quan tâm đến phát triển đoàn trên địa bàn dân cư, dân tộc thiểu số, tôn giáo. Hướng dẫn giới thiệu đoàn viên công chức, viên chức tham gia sinh hoạt đoàn trên địa bàn dân cư. Quan tâm xây dựng tổ chức Đoàn trong Doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Nâng cao chất lượng xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn; Chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo các tiêu chuẩn theo Quy chế cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đổi mới nội dung, hình thức bồi dưỡng, tập huấn theo hướng hiệu quả, thiết thực. Tích cực tham mưu cho cấp ủy Đảng quan tâm công tác luân chuyển, điều động cán bộ Đoàn các cấp và các chính sách chăm lo quyền lợi chính đáng cho cán bộ làm công tác thanh niên.
Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đoàn. Thường xuyên bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát cho cán bộ làm công tác kiểm tra các cấp. Chú trọng công tác xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát thực hiện các chủ trương, chương trình công tác Đoàn, chấp hành thực hiện Điều lệ Đoàn và kịp thời giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Phát huy vai trò hạt nhân nòng cốt chính trị của Đoàn trong các tổ chức thanh niên. Nâng cao vị thế của tổ chức Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam. Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng công tác Hội; giới thiệu cán bộ Đoàn ưu tú, có năng lực và được thanh niên tín nhiệm phụ trách công tác Hội. Tập trung phát triển, đổi mới phương thức hoạt động các tổ chức thành viên Hội; nhân rộng các loại hình theo sở thích, ngành nghề, lĩnh vực... Chú trọng phát triển hội viên trên địa bàn dân cư, tôn giáo, dân tộc, trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, thanh niên lao động tự do...
2.6.7. Công tác tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân
Đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên về Đảng; tích cực đấu tranh bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng; tổ chức các phong trào hành động cách mạng, tạo môi trường cho thanh niên rèn luyện, phấn đấu trở thành đảng viên. Chủ động công tác tham mưu cho Đảng về công tác thanh niên, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng và góp ý đảng viên; tạo nguồn cán bộ cung cấp cho Đảng. Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Đoàn viên phấn đấu trở thành đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam”; làm tốt công tác giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp.
Tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ chính quyền nhân dân; vận động đoàn viên, thanh niên sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng quy chế phối hợp hoạt động với các cấp chính quyền; bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ cung cấp cho chính quyền các cấp. Vận động đoàn viên, thanh niên là thành viên của các đoàn thể nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ của tổ chức giao.
2.6.8. Đổi mới công tác tham mưu, phối hợp, chỉ đạo của Đoàn
Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy ở các cấp, đảm bảo hợp lý, hoạt động có chất lượng. Xây dựng bộ máy tinh gọn, giảm biên chế hành chính, tăng biên chế phong trào; trong chỉ đạo tăng cường tính chủ động, sáng tạo ở cơ sở. Xây dựng ban chấp hành Đoàn các cấp vững mạnh, thực sự là cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, cơ quan tham mưu của các cấp uỷ Đảng về công tác thanh niên.
Đổi mới triệt để việc ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương công tác của mỗi cấp bộ Đoàn, kiên trì phương châm: Tập trung cho cơ sở, đến với thanh niên; khắc phục tình trạng ban hành nhiều chủ trương hoặc chủ trương chồng chéo. Tăng cường nghiên cứu, thử nghiệm, chuyển giao mô hình mới cho cơ sở.
Đổi mới mạnh mẽ phong cách làm việc và phương pháp công tác của cán bộ Đoàn với yêu cầu chung nhất: Tôn trọng, gần gũi và có tinh thần trách nhiệm với thanh niên, phải thực sự “Nói đi đôi với làm”. Nâng cao chất lượng, nội dung, chương trình đi công tác cơ sở. Từng bước tin học hóa trong quản lý điều hành công tác Đoàn thông qua hệ thống Website, Email; đồng thời tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng.
Phối hợp và triển khai có hiệu quả các chương trình, nghị quyết liên tịch với các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức kinh tế, xã hội trong giáo dục, bồi dưỡng, chăm lo và phát triển thanh niên. Tiếp tục nâng cao chất lượng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các chủ trương, cơ chế, chính sách đối với thanh niên.
BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ĐOÀN