Với 11 báo cáo chuyên đề, gồm 5 báo cáo của các nhà khoa học, chuyên gia Việt Nam và 6 báo cáo của các nhà khoa học, chuyên gia đến từ Hàn quốc đã được trình bày tại hội thảo.
Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học chuyên ngành của 2 bên trao đổi các kết quả nghiên cứu và định hướng cho những nghiên cứu về An ninh nước trong tương lai; qua đó sẽ góp phần tìm ra giải pháp hữu hiệu cho quản lý, bảo vệ bền vững nguồn nước, góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển các nền kinh tế hiện hành sang nền kinh tế xanh có hiệu quả sử dụng năng lượng cao, ít khí thải gây ra hiệu ứng nhà kính.
Hiện nay, vấn đề an ninh nước, đảm bảo nguồn nước cung cấp lâu dài và chất lượng cho sự sống, phát triển của nhân loại luôn là vấn đề cấp bách và được đặt ra như một thách thức lớn đối với nhân loại.
Và trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu và sự phát triển kinh tế quá nóng bất chấp việc hủy hoại và làm biến đổi môi trường sống đã và đang dẫn đến những nguy cơ về ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước, vấn đề an ninh nước lại trở nên nóng bỏng hơn, bức xúc hơn.
Kết quả khảo sát của Liên Hiệp Quốc trên 130 quốc gia về các nỗ lực cải thiện quản lý bền vững nguồn nước, cho thấy hơn 80% số quốc gia được khảo sát đã cải tổ luật về nước trong vòng 2 thập kỷ qua, việc cải tổ này nhằm đối phó với sức ép ngày càng lớn về nguồn nước xuất phát tự sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa nhanh và biến đổi khí hậu.
Việt Nam cũng đang thực hiện các chủ trương lớn là: Khuyến khích, ưu đãi các tổ chức, cá nhân nghiên cứu và áp dụng khoa học, công nghệ, đầu tư công trình khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; công trình bổ sung nhân tạo nước dưới đất thông qua việc miễn, giảm thuế tài nguyên, hỗ trợ vốn để nghiên cứu và xây dựng công trình; Xã hội hóa các hoạt động bảo vệ, phát triển nguồn nước và cung ứng dịch vụ nước; Khuyến khích và huy động sự đóng góp tài chính của mọi thành phần kinh tế, cộng đồng dân cư trong bảo vệ tài nguyên nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra.
Nguồn Báo Tin tức