Đổi mới phương pháp dạy học, hiệu quả nhưng khó làm

(NTO) Năm học 2012-2013 là năm học thứ 2 triển khai chương trình hành động của Bộ GD&ĐT giai đoạn 2011-2016 và Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020, hướng tới mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam. Để thực hiện được mục tiêu đó, đổi mới phương pháp dạy học không chỉ là yêu cầu mà còn là xu thế tất yếu để phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục.

Những tiết học gợi mở

Trước thềm năm học mới, khi được hỏi về những giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục trong năm học 2012-2013, hầu như tất cả các thầy, cô giáo đều nhắc đến việc đổi mới phương pháp dạy học. Thầy Lương Văn Lân, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, cho rằng: “Để nâng cao chất lượng giáo dục, trước hết giáo viên phải có phương pháp dạy học phù hợp. Thầy cô phải lấy học sinh làm trung tâm, tạo điều kiện cho học sinh phát triển tư duy và chủ động hơn trong chính bài học của mình, tăng cường sự tương tác giữa giáo viên và học sinh”.

Tổ chức cho học sinh thảo luận nhóm dưới sự hướng dẫn,
gợi mở của giáo viên là một trong những phương pháp dạy học hiệu quả

Học sinh là “trung tâm” của lớp học, thầy cô chỉ là người gợi mở - nghe có vẻ như giáo viên sẽ là những người được san sẻ bớt đi gánh nặng, nhưng trên thực tế lại không phải thế. Dù không làm việc nhiều trong mỗi giờ học song để gợi mở được những vấn đề cho học sinh tư duy, đòi hỏi mỗi cô thầy phải có sự đầu tư, chuẩn bị bài giảng, giáo án kỹ càng, công phu hơn. Việc trang bị đồ dùng dạy học như tranh ảnh, dụng cụ thí nghiệm hay soạn giáo án điện tử là điều hết sức cần thiết.

Tuy là học sinh theo khối tự nhiên nhưng em Nguyễn Lê Minh Như, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Nguyễn Trãi, lại rất thích thú mỗi khi học môn Địa lý của thầy Hồ Văn Thắng. Bởi lẽ, giờ học của thầy Thắng không phải là những số liệu khô khan, những kiến thức dài dòng bắt học thuộc lòng mà tùy theo mỗi chủ đề của từng tiết học, các em được nghe thầy giới thiệu về những vùng miền với những đặc trưng văn hóa, điều kiện tự nhiên, những thông tin về tình hình kinh tế, thời sự hết sức hấp dẫn. Từ đó, học sinh sẽ hiểu và nắm được vấn đề. Những câu hỏi kiểm tra, vấn đề mà thầy Thắng đưa ra cũng thường có sự liên hệ thực tế cụ thể, đòi hỏi các em phải biết quan sát, phân tích, phải học các kỹ năng sử dụng bản đồ, atlat… Những cách học hiệu quả đó đã góp phần vun đắp thêm niềm đam mê, thích thú với một môn học khối C nghe có vẻ nhàm chán và không được nhiều người lựa chọn.

Tuy nhiên, để có được những tiết học tạo được niềm đam mê cho học sinh như thế, thầy Hồ Văn Thắng cũng vô cùng vất vả. “Đối với những môn học Khối Xã hội như Địa lý, để có những phương pháp dạy hiệu quả, tạo được niềm đam mê cho học sinh thật sự rất khó, đòi hỏi giáo viên phải có đầu tư cả thời gian, công sức. Ngoài việc đầu tư chuẩn bị bài giảng, dụng cụ dạy học, tìm hiểu, sưu tầm các hình ảnh, số liệu mới nhất… tôi phải thường xuyên đọc báo, theo dõi chương trình thời sự, tìm tòi những vấn đề hay, vấn đề trọng tâm cho học sinh thảo luận, giải quyết…”- thầy Thắng nói.

Đổi mới phải phù hợp và hiệu quả

Nhắc đến đổi mới phương pháp dạy học, người ta thường nghĩ ngay đến việc sử dụng giáo án điện tử vào dạy học. Nhưng theo chia sẻ của nhiều giáo viên và học sinh, việc sử dụng giáo án điện tử cũng tùy vào từng bài học, không nên quá lạm dụng và lệ thuộc. Hình thức giảng bài truyền thống “thầy đọc – trò chép” được cho là quá lạc hậu cần phải xóa bỏ, song cũng cần tùy từng môn học, từng nội dung. Em Võ Nguyễn Anh Thư, học sinh chuyên Văn, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn chia sẻ: “Có những nội dung bài học chúng em bắt buộc phải chép lại để nhớ. Đặc biệt là các môn xã hội, có những vấn đề hay, những câu nói của thầy cô mà chúng em rất muốn lưu giữ lại thì việc thầy cô đọc cho chúng em chép cũng không có gì là lạc hậu”.

Thầy Hồ Văn Thắng cũng cho rằng, không nên xóa bỏ hoàn toàn những phương pháp dạy học truyền thống, mà cần có sự kết hợp hài hòa giữa mới và cũ. Học sinh đến lớp chép bài là điều đương nhiên nhưng việc đọc – chép phải ngắn gọn, đúng trọng tâm và quan trọng là học sinh phải hiểu và có thể vận dụng được. Cũng không phải nội dung bài học nào giáo viên cũng có thể cho học sinh học nhóm, tự thảo luận.

Nhấn mạnh sự cần thiết của việc đổi mới phương pháp dạy học, nhưng thầy Nguyễn Trung Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Linh (Thuận Nam) cho rằng: “Không nhất thiết phải là phương pháp mới, quan trọng là phương pháp dạy học đó có hiệu quả hay không? Bởi mục tiêu cuối cùng là làm thế nào để học sinh vừa có thể tiếp thu bài, vừa phát huy được tính chủ động, linh hoạt của các em”. Đổi mới phương pháp dạy học, nhưng phải hiệu quả thì mới có thể góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.