Phiên họp thứ 11 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XIII. (Ảnh: TTXVN)
Trước phiên bế mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham những năm 2012.
Tại báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày nêu rõ, Ủy ban Tư pháp (UBTP) nhất trí với đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng trong năm 2012 là “Công tác PCTN chưa đạt yêu cầu với mục tiêu là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội; là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý Nhà nước”. Tuy nhiên, theo UBTP, việc đánh giá tình hình tham nhũng và công tác PCTN ở nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn còn chung chung.
Bên cạnh đó, UBTP cũng tán thành với những nguyên nhân đã được nêu trong Báo cáo của Chính phủ về kết quả cũng như những yếu kém, bất cập, tồn tại trong công tác PCTN và cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng của tệ nạn tham nhũng hiện nay là tình trạng suy thoái đạo đức của không ít cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, trong đó một số cán bộ là lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Cùng với đó là bệnh quan liêu, thành tích, hình thức vẫn còn nặng nề, nên không ít người đứng đầu vẫn còn có biểu hiện bao che, dung túng cho hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức do mình quản lý. Vẫn còn tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng để tác động đến các cơ quan có thẩm quyền trong việc xử lý hành vi tham nhũng; công tác nghiệp vụ cơ bản và phòng ngừa nghiệp vụ ở một số cơ quan điều tra chưa được tăng cường, thực hiện chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao; công tác thanh tra, kiểm toán còn hạn chế; công tác tự kiểm tra, thanh tra tại các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương chưa được đề cao đúng mức, có nơi còn buông lỏng; chế độ trách nhiệm, chế độ công vụ đối với mỗi vị trí công tác chưa rõ ràng, cụ thể, nhất là ở những khâu, quy trình thủ tục liên quan tới công việc, quyền lợi của người dân, doanh nghiệp…. Những nguyên nhân trên đây cần được đánh giá làm rõ để tìm ra giải pháp khắc phục cụ thể, có hiệu quả.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chính phủ cần phân tích rõ hơn nguyên nhân vì sao việc thu hồi sau thanh tra, kiểm toán không được bao nhiêu trong khi thiệt hại về tài sản do tham nhũng là rất lớn. Năm 2012, toàn ngành thanh tra đã phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi hơn 6.400 tỉ đồng và gần 1300 ha đất nhưng chỉ thu hồi được 141 tỉ đồng.
Giải trình về vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết: Thu hồi sau thanh tra và kiểm toán là công việc hết sức khó khăn. Thu hồi không khả thi. Như việc mua ụ nổi của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam chẳng hạn. Tổng số tiền sai phạm gần 500 tỷ đồng nhưng giờ bảo thu thì không thu được. Đặc biệt của năm 2012 là phát hiện sai phạm nhưng khả năng hoàn trả về cho chủ sử dụng quản lý là rất khó khăn. Ví dụ các doanh nghiệp dùng tiền của mình góp vốn với các công ty đầu tư bất động sản nhưng bản thân đầu tư bất động sản gặp rủi ro thì doanh nghiệp nhà nước góp vốn vào đây cũng mất luôn phần vốn đấy.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng cho thấy, số vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý trong năm 2012 tuy có tăng, nhưng vẫn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra; số tài sản, đất đai sai phạm rất lớn nhưng thu hồi được còn rất ít. Nổi lên là tình hình tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính và lạm quyền trong khi thi hành công vụ tại địa phương trong năm qua tăng cao, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhưng vẫn chưa có biện pháp khắc phục.
Đáng lưu ý, trong khi khả năng phát hiện tham nhũng còn yếu thì những vụ tham nhũng đã được đưa ra ánh sáng lại chưa được xử lý nghiêm. Qua khảo sát của Ủy ban Tư pháp, đa số vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng được phát hiện nhưng chỉ bị xử lý kỷ luật; án tham nhũng được đình chỉ ở một số địa phương còn cao. Nhiều vụ án, bị can trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã được thay đổi sang tội danh nhẹ khác hơn.
Thực tế cho thấy, một số vụ án lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với tài sản của Nhà nước nhưng lại không phát hiện được hành vi tham nhũng hoặc ban đầu khởi tố, điều tra về hành vi tham nhũng nhưng sau đó lại chuyển sang các tội danh khác nhẹ hơn như tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gậy hậu quả nghiêm trọng, tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng… Nhiều vụ án tham nhũng được xét xử dưới khung hình phạt, cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, phạt tiền, phạt cảnh cáo chiếm tỉ lệ cao; có nơi việc áp dụng điều 47 của Bộ luật hình sự để xử dưới khung hình phạt chiếm tới trên 80% và cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm trên 50%...
Phát biểu bế mạc phiên họp thứ 11 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Với tinh thần làm việc khẩn trương, tích cực và trách nhiệm, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình phiên họp. Trong phiên họp này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về 7 dự án Luật, tiến hành giám sát 2 chuyên đề liên quan đến việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai; cho ý kiến về Đề án quy trình, thủ tục, cách thức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Đồng thời, các báo cáo của Chính phủ về việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác phòng chống tham nhũng cũng được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận tại phiên họp này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị: các cơ quan của Quốc hội, cơ quan soạn thảo cần khẩn trương hoàn thiện các nội dung thảo luận để gửi tới các đại biểu Quốc hội./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam