Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao giải thưởng Hồ Chí Minh cho công trình
khoa học-công nghệ đặc biệt xuất sắc của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam
Trong đó phải kể đến công trình “Nghiên cứu đảm bảo vận hành an toàn và khai thác hiệu quả lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt” của tập thể cán bộ khoa học Viện Nghiên cứu hạt nhân. Trong suốt hơn 20 năm qua, các nhà khoa học của Viện đã nghiên cứu, làm chủ kỹ thuật, công nghệ để quản lý, bảo đảm vận hành lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của đất nước một cách an toàn, đúng kế hoạch và hiệu quả, được quốc tế công nhận.
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, một trong các tác giả của cụm công trình – cho biết, lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, sau khi vận hành trở lại, đã triển khai một loạt các ứng dụng thành công về năng lượng nguyên tử một cách hòa bình. Đặc biệt trong nhiều năm, lò đã sản xuất chất phóng xạ phục vụ y tế. Ngay những năm đầu tiên khôi phục, lò đã cung cấp đến 90% lượng đồng vị phóng xạ cho các bệnh viện.
Tuy nhiên, sau này các cơ sở y tế trong nước sử dụng đồng vị để chuẩn đoán và điều trị bệnh đã tăng lên rất nhanh, nên với công suất của lò còn nhỏ chỉ đáp ứng được 40%. Bên cạnh đó, hiện tại lò cũng triển khai rất nhiều hoạt động khác như giúp phân tích các mẫu địa chất phục vụ cho điều tra thăm dò các khoáng sản của Việt Nam, phát triển công nghệ chiếu xạ để bảo quản các mặt hàng thực phẩm, dùng phóng xạ để cho ra các giống hoa mới…
Hay công trình “Tìm kiếm phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong đá móng granitoit trước Đệ Tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam” của các tác giả thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia được đánh giá: “Đã làm thay đổi các luận điểm khoa học địa chất, dầu khí, và tạo thành tiền đề mới về việc tìm kiếm, thăm dò trong khai thác dầu khí”.Với việc sáng tạo các quy trình công nghệ khai thác dầu mới, cụm công trình đã tạo ra hiệu quả kinh tế rất cao, làm tăng sản lượng dầu trong đá móng chiếm gần 80% trong 300 triệu tấn quy dầu đến cuối năm 2009.
Từ những thành công của công trình, Tập đoàn Dầu khí đã đóng giàn khoan tự nâng 90m nước, đưa nước ta trở thành 1 trong 10 nước trên thế giới thiết kế chi tiết và lắp dựng giàn khoan tự nâng đạt tiêu chuẩn quốc tế và dự kiến từ nay đến 2015, Việt Nam có thể đạt mức doanh thu hàng năm 4 tỷ USD trên cơ sở các giàn khoan dầu khí này.
Với việc nghiên cứu, sản xuất thành công các thiết bị nâng hạ từ 5 - 1.200 tấn dùng trong các ngành công nghiệp, xây dựng, thủy điện, đóng tàu… nhà khoa học “tay ngang” Nguyễn Tăng Cường - Giám đốc Xí nghiệp cơ khí Quang Trung (Ninh Bình) - đã tạo nên những kỳ tích trong lĩnh vực cơ khí. Các thiết bị này đã được áp dụng ngay vào Thủy điện Sơn La, Sesan, các nhà mày đóng tàu; mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho Nhà nước cũng như doanh nghiệp. Những sản phẩm do xí nghiệp sản xuất có giá rẻ hơn so với châu Âu từ 40 - 45% và so với Trung Quốc rẻ hơn 10%...
Tiến sĩ Nguyễn Mộng Sinh chia sẻ, khi ông và các nhà khoa học của Viện tham gia công trình này suốt mấy chục năm qua, không ai nghĩ đến có ngày nhận được sự tôn vinh đánh giá của nhà nước, chỉ làm bằng tất cả lòng tận tụy và yêu nghề của một nhà khoa học. Có lẽ đây cũng là tâm tư chung của các nhà khoa học Việt Nam.
Ông kể thêm, những năm 70, 80 của thế kỷ trước, khi mới tiếp quản lò phản ứng hạt nhân, lúc đó trong tình trạng không có khả năng vận hành. Hàng trăm cán bộ khoa học của Việt Nam đã phải loay hoay tìm hướng khắc phục giữa những khó khăn về lương thực, thiếu thốn thiết bị nghiên cứu và khai thác… Đây thực sự là một quãng thời gian khó khăn, cùng với các chuyên gia của Nga, các cán bộ của Viện đã làm việc cật lực để lò vận hành trở lại và hoạt động với công suất gấp đôi ngày trước, tức là 500KW.
Anh hùng Lao động Nguyễn Tăng Cường nhớ lại những ngày đầu tham gia chế tạo cần cẩu, bán không ai mua. Để mọi người tin, mua hàng của mình, anh quyết định mạo hiểm bán chịu cần cẩu cho những ai có nhu cầu. Nhờ chất lượng tốt, giá rẻ, tốc độ làm nhanh, bảo hành thời gian dài, sản phẩm của xí nghiệp dần chiếm được lòng tin của thị trường…
Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN - Chu Ngọc Anh, để được trao giải thưởng, các tác phẩm, công trình nghiên cứu đã đạt tiêu chí đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao về khoa học, ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân. Có những công trình đã khẳng định được trình độ KH-CN của nước ta trong khu vực và trên thế giới.
Nguồn Báo Công Thương Điện tử