Nâng cao hiệu quả công tác vận động nữ công nhân, viên chức, lao động

(NTO) Toàn tỉnh hiện có trên 15.000 nữ CNVC-LĐ, chiếm 52% tổng số CNVC-LĐ toàn tỉnh, đang làm việc trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Nữ CNVC-LĐ có vai trò quan trọng trong thực hiệm nhiệm vụ chuyên môn, trong sản xuất, kinh doanh, góp phần tích cực vào phong trào CNVC-LĐ và hoạt động công đoàn. Do đó, làm tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nữ CNVC-LĐ là tạo điều kiện cho giới nữ phát huy được khả năng, sáng tạo, để mỗi người vừa làm tốt công việc xã hội, vừa làm tốt thiên chức của người phụ nữ trong gia đình.

Lao động nữ làm việc tại Nhà máy gạch tuy nen Du Long thi đua sản xuất giỏi. Ảnh Sơn Ngọc

Những năm qua, hoạt động công đoàn đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi, góp phần vào công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và phát triển. Công tác tuyên truyền, nâng cao trình độ về mọi mặt cho nữ CNVC-LĐ đã được đẩy mạnh cả về hình thức, nội dung. Công tác tham gia, xây dựng và kiểm tra, giám sát về thực hiện chế độ, chính sách, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nữ được đẩy mạnh. Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” đã thu hút đông đảo nữ CNVC-LĐ hưởng ứng. Nhiều đơn vị đã tổ chức các hoạt động nữ công qua các Hội thi: nấu ăn, cắm hoa nghệ thuật, thời trang công sở, hát karaokê, khiêu vũ, cán bộ nữ tài năng, duyên dáng thanh lịch, tìm hiểu kiến thức pháp luật...Các hoạt động nhằm mục đích phục vụ chuyên môn của ngành mang tính đặc thù của giới nữ như: Hội thi nữ hộ sinh giỏi thanh lịch của ngành Y tế; nữ cán bộ kiểm ngân giỏi của ngành Ngân hàng, Kho bạc Nhà nước; giáo viên dạy giỏi của ngành Giáo dục và Đào tạo… Qua mỗi lần tham gia hội thi, nữ cán bộ, đoàn viên đã có thêm kiến thức về chuyên môn, giao tiếp ứng xử, góp phần nâng cao vị thế của nữ cán bộ, đoàn viên trong cơ quan, đơn vị, trong xã hội.

Để tổ chức tốt các hoạt động nữ công, nhằm tập hợp, vận động đông đảo nữ CNVC-LĐ tham gia, cùng với vai trò của tổ chức công đoàn, công tác vận động nữ rất cần đến sự nhiệt tình, năng động của đội ngũ cán bộ nữ. Trong thực tế, cán bộ nữ công hoạt động kiêm nhiệm, họ vừa phải thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vừa phải tham gia công tác đoàn thể và phải lo cả việc gia đình…

Để hoạt động nữ công có hiệu quả, người cán bộ nữ công trước hết là phải am hiểu nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời cũng cần nghiên cứu để thông thạo nghiệp vụ công tác nữ công. Việc người cán bộ nữ công nghiên cứu các văn bản về chế độ, chính sách để đại diện tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho lao động nữ cũng đòi hỏi rất nhiều thời gian. Mọi hoạt động nữ công đều xuất phát từ nguyện vọng của số đông lao động nữ. Chính vì thế, người cán bộ công đoàn cũng như cán bộ nữ công muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ đều phải toàn tâm, toàn ý vào công việc, có như thế mới đáp ứng được sự tin tưởng của tập thể.

Nhưng trong thực tế, với nhiệm vụ được giao và yêu cầu đòi hỏi của phong trào nữ CNVC-LĐ, ở một số CĐCS chưa đạt được kết quả như mong muốn. Trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, năng lực quản lý, kỹ năng điều hành của một bộ phận lao động nữ còn hạn chế. Vai trò của cán bộ nữ công có nơi còn mờ nhạt, chưa được thuyết phục đối với người lao động. Ở một số đơn vị, hoạt động nữ công chỉ được tập trung chủ yếu vào các dịp lễ tết, chủ yếu gặp mặt và giao lưu bề nổi, ít mang tính chiều sâu về giới, về kỹ năng quản lý gia đình, kiến thức nuôi dạy con theo phương pháp khoa học, giao tiếp, ứng xử trong cuộc sống, mà điều này rất cần thiết đối với mỗi phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Để nâng cao hiệu quả công tác nữ công, góp phần xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh, cùng với cơ chế, chính sách xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ nữ nói riêng, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị cần tham mưu cho cấp ủy cùng cấp về công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ nữ. Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về giới và lồng ghép giới trong hoạt động công đoàn. Chú trọng vai trò đại diện của công đoàn, nhằm chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ CNVC-LĐ. Củng cố, kiện toàn và phát huy vai trò của Ban nữ công các cấp, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, từ đó, nâng cao hiệu quả công tác vận động nữ CNVC-LĐ, nhất là trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.