Lạm thu, người đứng đầu trường trực tiếp chịu trách nhiệm

Trao đổi với các cơ quan báo chí về việc xử lý tình trạng lạm thu đầu năm học tại các cơ sở giáo dục, ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính (KH-TC), Bộ Giáo dục Đào tạo đã nhấn mạnh: “Để xảy ra lạm thu, người đứng đầu nhà trường phải trực tiếp chịu trách nhiệm”. Đây chính là một điểm mới trong Thông tư số 29/2012/TT-BGD ĐT mà Bộ GD- ĐT vừa ban hành.

Tính pháp lý cao hơn

Ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính, Bộ GD-ĐT. Ảnh: vietbao.vn

Thông tư này là văn bản quy phạm pháp luật mới nhất vừa được Bộ Giáo dục Đào tạo (GD-ĐT) ban hành nhằm quản lý các khoản thu chi trong nhà trường. Ông Quang giải thích thêm: Chúng ta đã có Luật Giáo dục và Nghị định của Chính phủ quy định về học phí. Ngày 22-11-2011, Bộ Giáo dục Đào tạo cũng đã ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, trong đó đã qui định rõ những những khoản tiền mà Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học, vớí hình thức đóng góp tự nguyện. Vậy nhưng trong thực tế vẫn có nhu cầu và các khoản tiền đóng góp ngoài học phí mà nói như Gs Văn Như Cương là những khoản tiền có thể “hợp lý nhưng không hợp pháp”. Nếu không quản lý được các khoản tiền này, để tự phát diễn ra thì sẽ xảy ra tình trạng “lạm thu”.

Vì vậy sự ra đời của Thông tư này chính là thể hiện trách nhiệm cao hơn của Bộ GD – ĐT đối với mọi hoạt động diễn ra trong phạm vi lĩnh vực mình quản lý

Các năm 2010 và 2011, Bộ GD-ĐT đều có công văn gửi UBND và Sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố, đề nghị tăng cường kiểm tra chấn chỉnh “lạm thu”, đồng thời Bộ cũng tổ chức thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ đầu năm học và thu chi tại một số tỉnh, thành phố. Với việc ban hành một Thông tư, ông Quang cho rằng tính pháp lý sẽ cao hơn nên có cơ sở để giải quyết tốt hơn tình trạng “lạm thu”.

Nhận diện về các “điểm nóng lạm thu”, Phó Vụ trưởng Vụ KH-TC Bùi Hồng Quang cho biết: Lạm thu thường diễn ra nhiều hơn ở các bậc học mầm non, phổ thông và tại các khu vực đô thị, thành phố. Ngân sách nhà nước là nguồn chủ yếu để chi cho những cấp học này. Mức học phí do Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố, thông qua Hội đồng nhân dân quyết định với nguyên tắc phải phù hợp với khả năng chi trả của người dân trong khu vực. Vậy mà “lạm thu” lại nhiều hơn ở bậc có học sinh nhỏ tuổi. Đây là một nghịch lý mà các cấp chính quyền và các sở, phòng giáo dục địa phương cần nhìn rõ để vào cuộc quyết liệt giải quyết.

Chịu trách nhiệm chính là thủ trưởng cơ sở giáo dục

Trong thực tế hiện nay không ít trường, lớp học vẫn thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh để đứng ra thu các khoản tiền đóng góp “tự nguyện” như: vệ sinh trường, lớp học, máy chiếu đa năng, điều hòa, ...; thậm chí cả tiền để có một công trình lưu niệm tặng lại cho trường khi tốt nghiệp;... mà thật sự có phải là “tự nguyện hay không” và giá cả có hợp lý hay không thì chỉ có các phụ huynh biết và tự chịu trách nhiệm với nhau!

Không thể để tình trạng không có người chịu trách nhiệm về các khoan thu chi trong trường, lớp học, Thông tư mới dành tới 3/11 điều (điều 7, 8, 9) với 9 khoản quy định về trách nhiệm của: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, t rách nhiệm của các Sở Giáo dục Đào tạo và trách nhiệm của Thủ trưởng cơ sở giáo dục. Theo đó, ông Bùi Hồng Quang trích dẫn: Thủ trưởng cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý và sử dụng các khoản tài trợ cho cơ sở giáo dục. Cụ thể cơ sở giáo dục phải: Lập báo cáo thu chi các khoản gửi cấp trên quản lý trực tiếp và gửi các nhà tài trợ.

“Thành lập bộ phận tiếp nhận các khoản tài trợ của cơ sở giáo dục, bao gồm: Đại diện lãnh đạo cơ sở giáo dục, đại diện các bộ phận chức năng và Ban đại diện cha mẹ học sinh (đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên) hoặc đại diện Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội sinh viên (đối với trường trung cấp chuyên nghiệp và cơ sở giáo dục đại học).

Thủ trưởng CSGD chịu trách nhiệm báo cáo, giải trình các đơn vị có chức năng giám sát, kiểm tra, thanh tra việc quản lý và sử dụng các khoản tài trợ tại cơ sở giáo dục nếu được yêu cầu và chịu trách nhiệm giải trình, trả lời các ý kiến thắc mắc (nếu có).

Trả lời câu hỏi “Liệu có phải năm học này tình trạng lạm thu diễn ra nhức nhối hơn không khi xuất hiện tình trạng phụ huynh ở Thanh Hóa, Đồng Nai,… cho con em nghỉ học để phản đối các khoản thu ngoài quy định?”, ông Nguyễn Đình Mạnh, Phó Chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT cho rằng: Nhận thức của phụ huynh đã được nâng lên và tinh thần chỉ đạo, chủ trương không được phép thu bất cứ khoản tiền nào mà không có sự tự nguyện của phụ huynh đã được cơ quan truyền thông thông tin ngày càng nhiều hơn tới mọi tầng lớp nhân dân. Vì vậy các phụ huynh đã có thái độ rõ ràng hơn, quyết liệt hơn trước các sai phạm. Bộ GD ĐT đề nghị thời gian tới tinh thần và các quy định về quản lý các khoản thu trong nhà trường, nhất là Thông tư 29 Quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân sẽ được phổ biến sâu rộng hơn, để các phụ huynh, các cấp quản lý giáo dục và chính quyền cơ sở biết và thực hiện cho đúng.

Quyết tâm quản lý theo “pháp trị” và nỗ lực giải quyết “lạm thu” bằng việc ban hành các quy định pháp lý rõ ràng hơn của Bộ GD ĐT thật đáng ghi nhận nhưng để giải quyết triệt để vấn nạn này cần thêm các chế tài xử lý mạnh và sự vào cuộc đồng bộ của các cấp quản lý giáo dục và chính quyền cơ sở.

Nguồn Báo Tin tức - TTXVN