Nâng mức giảm trừ gia cảnh so với mức hiện hành bao nhiêu là hợp lý?

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), chiều 12/9, UBTVQH đã cho ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Một trong những nội dung được các thành viên UBTVQH quan tâm là việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) so với mức hiện hành bao nhiêu là hợp lý?

(Ảnh: baohaiquan.vn)

Theo tờ trình của Chính phủ, từ năm 2009, do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nền kinh tế - xã hội nước ta gặp nhiều khó khăn, giá cả hàng hoá, dịch vụ tăng cao làm ảnh hưởng đến đời sống người nộp thuế. Để thực hiện việc giảm tỷ lệ động viên thuế, phí trên GDP theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2020, đảm bảo tính ổn định của chính sách cho giai đoạn sau năm 2014 và để có sự quan tâm, chia sẻ của Nhà nước đối với người nộp thuế trước bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, Chính phủ trình UBTVQH trình Quốc hội cho phép điều chỉnh nâng mức GTGC cho bản thân người nộp thuế từ mức 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng, đồng thời bổ sung quy định “mở” để khi giá cả thị trường biến động trên 20% thì Chính phủ trình UBTVQH điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với sự biến động của giá cả.

Liên quan đến việc xác định mức GTGC, đối tượng được GTGC, phương thức xác định mức GTGC, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cho rằng, việc nâng mức GTGC lên 9 triệu và 3,6 triệu đồng là cao, bất hợp lý xét cả dưới góc độ kinh tế cũng như xã hội, vì việc nâng mức GTGC từ 4 triệu lên 9 triệu /tháng sẽ làm sai lệch bản chất của thuế thu nhập cá nhân (TNCN), đưa thuế TNCN trở thành thuế thu nhập cao thông qua việc thu hẹp quá lớn số lượng người nộp thuế; ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách nhà nước, không duy trì và phát huy kết quả đạt được trong quá trình thực thi Luật thời gian qua.... Do đó, đề nghị hạ mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế và người phụ thuộc xuống thấp hơn mức quy định trong Dự thảo Luật từ 9 triệu xuống còn 7 triệu và từ 3,6 triệu xuống còn 2,8 triệu.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển, để xác định mức GTGC cần căn cứ vào chỉ số CPI và mức tiền lương tối thiểu. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng: So sánh với mức lương tối thiểu hiện nay là 1.050.000 đồng/tháng, thì mức đưa ra đã trên 6 lần là mức tương đối hợp lý đảm bảo có điều kiện sống.

Cũng theo ông Phùng Quốc Hiển, năm nay kinh tế khó khăn, quan điểm là tăng cường thuế trực thu, nếu để ở mức cao như trên thì sẽ không đảm bảo được nguyên tắc đặt ra, cộng với việc thuế GTGC không có nghĩa là đảm bảo đời sống cho con người mà là mức hỗ trợ một phần cho người nộp thuế, do vậy theo ông Hiển nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 1,6 lên 2,8 triệu là phù hợp.

Trái với quan điểm của ông Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho rằng, cần phải tính đến bản chất của thuế thu nhập. Trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền là không ngừng nâng cao đời sống nhân dân thì tính ưu việt của CNXH phải đảm bảo cho người dân ở một mức sống ngày càng tốt hơn. Do đó, “nếu Chính phủ thấy có thể nâng mức chịu thuế đến 9 triệu mà không ảnh hưởng đến các vấn đề khác thì hoan nghênh chứ không nên chỉ lo tính mỗi năm ngân sách mất đi bao nhiêu tiền vì không thu thuế" – ông Nguyễn Văn Hiện nêu rõ.

Tạm thời chưa bình luận về mức thu nhập 7 hay 9 triệu đồng là cao, bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội thống nhất quan điểm về vấn đề trách nhiệm của công dân, phải thực hiện nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước. Tuy nhiên, theo bà Mai cần cân nhắc ở góc độ xã hội đối với vấn đề này. Dẫn chứng kể từ năm 2007 đến nay, nền kinh tế liên tục gặp khó khăn (chỉ năm 2012 lạm phát giảm dưới 1 con số), thu nhập thực tế người dân giảm sút, mức lương cũng hoàn toàn giảm sút trên thực tế lạm phát. Lương có tăng nhưng cũng không đủ sức bù đắp lạm phát. “Hiện nay, chúng ta chưa công bố được mức sống tối thiểu một tháng là bao nhiêu tiền thì mới đủ sống”. Do đó, đề nghị Chính phủ và Ủy ban Tài chính Ngân sách cùng tính toán lại.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng lại nhìn nhận, không nên cứng nhắc chỉ cho phép 2 người phụ thuộc như đề xuất của Ủy ban Tài chính ngân sách vì khi nuôi dưỡng ai thì cũng phải giảm trừ cho người đấy.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đưa quan điểm, mỗi công dân đều phải có nghĩa vụ nộp thuế, song trong hoàn cảnh nước ta hiện nay thì mức lương bao nhiêu sẽ phải nộp thuế, mức lương 9 triệu đồng/tháng có phải là thu nhập cao không hay chỉ đủ sống, điều này phải được bàn bạc, phân tích kỹ.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam