Đảm bảo chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Chiều 7/9, Ban chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (Ban chỉ đạo) đã tổ chức giao ban trực tuyến toàn quốc tới các tỉnh, TP trên toàn quốc.

 (Ảnh: Chinhphu.vn)

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Trên 650.000 lao động có việc làm đúng nghề được đào tạo

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo, từ khi thực hiện đề án đến nay đã có trên 889.000 lao động nông thôn được học nghề, trong đó gần 650.000 người có việc làm đúng với nghề đào tạo. Các lao động kiếm được việc làm đã giúp trên 23.500 hộ thoát nghèo; hơn 15.600 hộ trở thành hộ khá.

Các địa phương cũng đã chủ động tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trên 9.600 cán bộ công chức cấp xã, nâng tổng số cán bộ công chức được đào tạo, bồi dưỡng ở 51 địa phương khi thực hiện đề án lên hơn 80.000 người.

Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề cho 883 giáo việc dạy sơ cấp nghề, nâng tổng số giáo viên dạy nghề ở các trung tâm dạy nghề đạt chuẩn nghiệp vụ sư phạm dạy nghề lên trên 7.000 người; bồi dưỡng kỹ năng dạy học cho gần 2.000 người dạy nghề, nâng tổng số người dạy nghề được bồi dưỡng kỹ năng dạy học là trên 6.700 người.

Tuy nhiên, cũng theo báo cáo kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2012 còn thấp, hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ đều không đạt. Chỉ tiêu kế hoạch dạy nghề cho 500.000 lao động nông thôn và đào tạo, bồi dưỡng 100.000 cán bộ, công chức cấp xã trong năm 2012 có nhiều khả năng không thực hiện được. Việc tổ chức, tuyên truyền cho lao động nông thôn chưa sát thực tế. Công tác tổ chức chỉ đạo và triển khai thực hiện của các cấp chính quyền địa phương còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với đặc điểm vùng, ngành kinh tế. Kết quả và chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội…

Bên cạnh đó, việc lập kinh phí ban hành chậm vì hầu hết kinh phí phân bổ đã được UBND các tỉnh duyệt từ đầu năm, do vậy đến nay nội dung đào tạo nghề nông nghiệp ở một số tỉnh vẫn tạm thời giao cho Bộ LĐ-TB-XH tổ chức thực hiện.

Đào tạo không chạy theo số lượng

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các bộ, ngành, địa phương, phấn đấu đến cuối năm 2012 phải có 100% cấp huyện có ít nhất 1 cơ sở dạy nghề công lập đóng vai trò nòng cốt để thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn.

Về tiến độ đào tạo nghề năm 2012 của cả nước hiện chỉ đạt trên 27%, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ chỉ đạo UBND các địa phương phải bố trí cán bộ chuyên trách quản lý dạy nghề tại Phòng LĐ-TB-XH cấp huyện.

“Trước mắt ở những huyện chưa bố trí được biên chế thì yêu cầu trưởng hoặc phó phòng phải thực hiện kiêm nhiệm phụ trách theo dõi về dạy nghề trên địa bàn cho tới khi sắp xếp được biên chế. Phấn đấu hoàn thành việc bố trí các ban chỉ đạo tại các xã và biên chế cán bộ phụ trách theo dõi dạy nghề cấp huyện trước ngày 30/10”, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị, về các nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm các Bộ ngành, địa phương cần tập trung thực hiện việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đảm bảo chất lượng, hiệu quả, không chạy theo số lượng. Tập trung chỉ đạo thực hiện các mô hình thí điểm dạy nghề để triển khai nhân rộng, hướng dẫn các địa phương triển khai tổng kết, đánh giá việc thực hiện thí điểm sử dụng thẻ học nghề nông nghiệp tại Bến Tre và Thanh Hóa.

Về xây dựng kế hoạch đào tạo nghề giai đoạn 2012-2015, Bộ LĐ-TB-XH phối hợp với các Bộ, ngành rà soát lại các xây dựng kế hoạch 3 năm chi tiết để các địa phương sớm có dữ liệu để lên kế hoạch thực hiện cho địa phương mình.

Nguồn www.chinhphu.vn