Chính phủ thảo luận khái quát nhiệm vụ năm 2013

Tình hình thế giới và trong nước năm tới mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng có triển vọng phát triển cao hơn năm 2012. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng và điều hành kế hoạch năm 2013.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với một số thành viên Chính phủ. Ảnh: Chinhphu.vn

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2012, các thành viên Chính phủ đã thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch KT-XH năm 2012 và dự kiến nhiệm vụ năm 2013 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày.

Dự kiến phương án tăng trưởng

Nhấn mạnh năm 2013 làm năm bản lề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc hoàn thành các mục tiêu đề ra cho 5 năm 2011-2015, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, mục tiêu tổng quát năm 2013 là duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý đi đôi với việc tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, khôi phục niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân vào môi trường đầu tư kinh doanh và sự ổn định của nền kinh tế, tạo đà cho việc đạt được kết quả cao nhất mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015.

Từ mục tiêu tổng quát, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã nêu lên dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2013 trong đó có các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường.

Về các chỉ tiêu kinh tế, trên cơ sở phân tích, dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước, có 2 phương án được xây dựng. Trong đó, ở phương án 1, dự kiến tổng sản phẩm trong nước GDP tăng khoảng 6-6,5%, còn phương án 2, dự kiến tăng khoảng 5,5-6%. Về tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), cả 2 phương án đều dự kiến thấp hơn hoặc bằng năm 2012 (7-8%).

“Trên cơ sở cân nhắc 2 phương án tăng trưởng nêu trên, quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất lựa chọn phương án tăng trưởng 6% để làm căn cứ xây dựng các cân đối vĩ mô”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Chú trọng những vấn đề cốt lõi

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình, đề xuất trong thời gian tới, cần kiên định và quyết liệt hơn nữa việc thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Đi liền với đó là tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, duy trì được tăng trưởng ở mức hợp lý. Áp dụng cơ chế linh hoạt để tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp nói chung, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động; chú trọng hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ.

Một số thành viên Chính phủ cũng nêu quan điểm cần tiếp tục điều hành chính sách giá cả linh hoạt, hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ các loại giá, phí ảnh hưởng hoặc trực tiếp làm tăng chi phí đầu vào của sản phẩm. Đẩy nhanh việc thực hiện và giải ngân vốn đối với các dự án sử dụng vốn NSNN, vốn TPCP, vốn chương trình mục tiêu quốc gia. Cố gắng không để thâm hụt ngân sách nhà nước. Khẩn trương rà soát, bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, khôi phục thị trường bất động sản.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng và một số thành viên Chính phủ cho rằng chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6% là phù hợp với tình hình thực tế. Cùng với đó giữ tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng ở mức khoảng 6-7% là phù hợp với điều kiện của nền kinh tế.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, trong đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế cần quan tâm tới tăng đầu tư xã hội, tăng tổng cầu của nền kinh tế; thực hiện hiệu quả hơn các giải pháp nhằm huy động vốn đầu tư của các thành phần kinh tế; chú trọng tới phát triển thị trường vốn mang tính dài hạn; thực hiện mạnh và quyết liệt hơn nữa tái cơ cấu nền kinh tế; ưu tiên vốn thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm; thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người lao động; tiếp tục quan tâm tới công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí…

Nguồn www.chinhphu.vn