Việt Nam ủng hộ những sáng kiến tăng cường quản trị toàn cầu

Tối 31/8, Hội nghị cấp cao lần thứ 16 Phong trào Không liên kết (NAM) đã bế mạc tại thủ đô Tehran của Iran. Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ, Việt Nam ủng hộ các sáng kiến nhằm tăng cường quản trị toàn cầu như được nhấn mạnh trong chủ đề của Hội nghị lần này là "Hòa bình bền vững thông qua quản trị toàn cầu chung”.

Hội nghị cấp cao Phong trào không liên kết lần thứ 16 đã bế mạc tại Tehran,
Iran sau gần một tuần nhóm họp. (Nguồn: internet)

Kết thúc hai ngày thảo luận, hội nghị đã nhất trí thông qua Văn kiện cuối cùng phản ánh quan điểm và những định hướng lớn của Phong trào Không liên kết trên các lĩnh vực an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội, quyền con người, các vấn đề quốc tế và khu vực.

Theo Văn kiện, tình hình thế giới hiện nay đặt ra nhiều thách thức lớn về hòa bình, an ninh, phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội. Trong bối cảnh đó, Phong trào Không liên kết khẳng định tiếp tục kiên định các Nguyên tắc sáng lập của Phong trào và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp công việc nội bộ của quốc gia, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Văn kiện khẳng định trong hơn 50 năm qua, Phong trào Không liên kết đã đóng vai trò then chốt trên các vấn đề có ‎ý nghĩa sống còn đối với các nước thành viên như xóa bỏ chủ nghĩa thực dân, duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, giải trừ quân bị. Phát huy truyền thống đó, Phong trào Không liên kết cần tiếp tục thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, đặc biệt là tăng cường vai trò trung tâm của Liên Hợp Quốc trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển.

Bên cạnh đó, Văn kiện đề cập tình hình tại các khu vực trên thế giới, trong đó có Đông Nam Á. Nội dung phần Đông Nam Á được cập nhật trên cơ sở Văn kiện Hội nghị Cấp cao 15 (2009), nêu những diễn biến mới ở khu vực, hoan nghênh việc thông qua Hướng dẫn thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (Bali, 2011), đồng thời khẳng định lại lập trường của Phong trào về giải quyết các tranh chấp chủ quyền và lãnh thổ tại Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, ủng hộ các nguyên tắc trong Tuyên bố năm 1992 của ASEAN về Biển Đông và Tuyên bố năm 2002 về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như Công ước LHQ về Luật biển năm 1982, hoan nghênh nỗ lực của các bên nhằm thực hiện hiệu quả DOC như một bước quan trọng tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao nước ta Phạm Bình Minh nhấn mạnh, sự thành công của Phong trào đã khẳng định sức sống, sự phù hợp, động lực thúc đẩy các quốc gia thành viên nỗ lực gấp bội và phát huy hơn nữa tiềm năng của mình.

Bộ trưởng Phạm Bình Minh nêu rõ thúc đẩy hòa bình và an ninh quốc tế cần tiếp tục là lĩnh vực ưu tiên của Phong trào Không liên kết, do đó các nước thành viên cần tiếp tục kiên định các nguyên tắc của Hội nghị Bandung, đặc biệt là các nguyên tắc tôn trọng độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực và giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Là quốc gia thành viên của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á năm 1976 và Công ước LHQ về Luật biển năm 1982, Việt Nam cam kết mạnh mẽ đối với việc giải quyết hòa bình các tranh chấp chủ quyền và lãnh thổ phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật biển. Về vấn đề này, Việt Nam một lần nữa khẳng định nguyên tắc lập trường về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định, giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông, kêu gọi thực hiện đầy đủ DOC, Công ước LHQ về Luật biển, và sớm đạt được thỏa thuận về COC. Việt Nam hoan nghênh các quan điểm của Phong trào Không liên kết về các vấn đề này trong Văn kiện cuối cùng của Hội nghị cấp cao.

Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam ủng hộ các sáng kiến nhằm tăng cường quản trị toàn cầu như được nhấn mạnh trong chủ đề của Hội nghị lần này là "Hòa bình bền vững thông qua quản trị toàn cầu chung” do chúng ta cần phải củng cố các tiến trình và cơ chế thúc đẩy các nỗ lực chung ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu. Phong trào Không liên kết cần kiên định các lập trường nguyên tắc về các vấn đề quan trọng liên quan đến hòa bình và an ninh quốc tế, tăng cường đóng góp vào cải tổ các cấu trúc kinh tế, thương mại và tài chính quốc tế vì sự phát triển bền vững toàn cầu và vì cơ hội phát triển công bằng cho các nước đang phát triển.

Theo Bộ trưởng, qua 25 năm thực hiện đổi mới toàn diện, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, những bất ổn kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, bất ổn về lương thực và năng lượng đã có tác động tiêu cực nhất định đến phát triển kinh tế và đời sống xã hội của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã triển khai các biện pháp đồng bộ và mạnh mẽ, trong đó có việc cơ cấu lại nền kinh tế nhằm tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và chất lượng tăng trưởng. Nhờ những biện pháp trên, tình hình kinh tế vĩ mô được cải thiện, lạm phát được kiềm chế, tăng trưởng kinh tế được duy trì. Việt Nam cũng đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực bảo trợ, công bằng và tiến bộ xã hội. Việt Nam đã đạt được nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ trước thời hạn 2015.

Việt Nam chủ trương thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, hòa bình, hợp tác, phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là thành viên tích cực, đáng tin cậy và có trách nhiệm của Phong trào Không liên kết và cộng đồng quốc tế. Theo đó, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị, tin cậy lẫn nhau với các nước thành viên của Phong trào Không liên kết và các nước khác trên thế giới. Việc Việt Nam tổ chức thành công Diễn đàn Việt Nam – Mỹ Latinh và Caribê tại Hà Nội tháng 7/2012 với chủ đề “Đối tác thương mại, đầu tư vì phát triển" và Diễn đàn Việt Nam - Châu Phi lần thứ hai cũng tại Hà Nội tháng 8/2010 với chủ đề “Hợp tác vì phát triển bền vững” là những minh chứng rõ ràng nhất cho các nỗ lực đó.

Nguồn www.chinhphu.vn