Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại

(NTO) Hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc vi phạm sở hữu trí tuệ… lưu thông trên thị trường đang là một vấn đề nan giải và tiềm ẩn những hệ lụy không nhỏ cho người tiêu dùng. Từ thực tế trên, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tập trung vào nhiệm vụ chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

Ông Trần Minh Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: “Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 127 tỉnh (BCĐ 127) đã chỉ đạo triển khai kịp thời, đồng bộ và quyết liệt các giải pháp chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát…”

Đội QLTT số 1, Chi cục QLTT tỉnh kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng ở các điểm kinh doanh.

Nhìn chung, hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm và gian lận thương mại tại tỉnh ta vẫn diễn biến phức tạp; ở thị trường nội tỉnh hàng nhập lậu, hàng cấm ít được bày bán công khai nhưng vẫn có hiện tượng lén lút buôn bán hoặc trà trộn với hàng hóa sản xuất trong nước để kinh doanh. Hàng hàng hóa nhập lậu chủ yếu từ Trung Quốc, Lào theo tuyến đường bộ QL 1A và QL 27 vào sâu trong nội địa như: Thuốc lá điếu, rượu, đồ chơi trẻ em kích động bạo lực, bánh kẹo, bột giặt, bột ngọt, mũ bảo hiểm, giày dép, quần áo, vải….

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với đoàn liên ngành đã kiểm tra và xử lý 108 cơ sở vi kinh doanh hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong đó: về đo lường 32 cơ sở; về chất lượng 76 cơ sở. Phát hiện có 4 cơ sở vi phạm về chất lượng hàng hóa, đã xử lý phạt vi phạm hành chính với số tiền 9 triệu đồng. Đây là những con số hết sức khiêm tốn so với thực trạng hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường. Qua công tác đấu tranh chống hàng giả trên địa bàn tỉnh cho thấy, hàng giả tập trung ở một số mặt hàng chủ yếu như hàng tiêu dùng, hàng may mặc, thực phẩm, thuốc tân dược, mỹ phẩm và vật tư nông nghiệp. Hầu hết các mặt hàng này đều bị làm giả, làm nhái với trình độ ngày càng tinh vi từ kiểu dáng đến nhãn mác và thậm chí cả tem chống hàng giả, khiến cho lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, phân biệt, xử lý vi phạm. Ngoài ra, các hành vi vi phạm về giá như không niêm yết giá, không bán theo giá niêm yết, hàng hóa lưu thông trên thị trường ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định vẫn diễn ra khá phổ biến. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, cá nhân còn lợi dụng kẽ hở của pháp luật để thực hiện hành vi trốn thuế, gian lận thuế với nhiều thủ đoạn, hình thức tinh vi hơn. Việc kinh doanh các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như sức khỏe người tiêu dùng.

Mới đây, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cũng đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức đợt kiểm tra và xử lý 96 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phát hiện 7 cơ sở vi phạm chủ yếu về giấy phép kinh doanh, đo lường và chất lượng, tổng số tiền thu phạt vi phạm hành chính là 63 triệu đồng.

Về cơ bản, thị trường xăng dầu tại tỉnh ta đáp ứng đủ các điều kiện về số lượng, chất lượng nhưng vẫn còn một số sai phạm trong khâu kỹ thuật nhằm thu lợi bất chính. Điển hình như DNTN Xăng dầu Vi Hồng, ở thôn Hòa Thạnh, xã An Hải (Ninh Phước) đã có hành vi tác động làm thay đổi tình trạng kỹ thuật của cột đo dầu D.O (gắn chíp điện trở) dẫn đến sai số từ 5,4% - 5,5% vượt giới hạn cho phép, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Cơ sở này đã bị xử phạt 15 triệu đồng, thu hồi tiền thu lợi bất chính 8,6 triệu đồng và tịch thu 1 bộ chỉ thị điện tử.

Từ đầu năm đến nay, Chi cục phối hợp với đoàn liên ngành đã kiểm tra 165 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đã phát hiện 54 cơ sở vi phạm quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm như: không công bố chất lượng, không khám sức khỏe định kỳ và tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm cho người lao động, kinh doanh các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng, không ghi nhãn hàng hóa…

Điểm qua một số thực trạng về hàng giả, hàng kém chất lượng trong tỉnh cho thấy sự phức tạp và nguy cơ tiềm ẩn về hậu quả cho người tiêu dùng. Để ngăn chặn được vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước ngoài việc tăng cường các giải pháp đồng bộ để quản lý thị trường, đảm bảo cung - cầu hàng hóa, kiểm soát giá cả, thì còn cần có sự phối hợp giữa cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và cả nhân dân trong phòng, chống buôn lậu, sản xuất hàng giả và gian lận thương mại. Bên cạnh đó, phải có những chế tài xử phạt thật nặng những trường hợp vi phạm, nhằm răn đe những đối tượng vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa trái phép. Tăng cường hơn nữa vai trò của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đồng thời cần gắn công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...

Thời gian từ nay đến cuối năm, dự báo tình hình thị trường nói chung và giá cả hàng hóa nói riêng tiếp tục có những diễn biến phức tạp, các thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ngày càng tinh vi khó lường. Vì vậy, để góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, thực hiện Công điện số 1126/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngành Quản lý thị trường trong tỉnh tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: Kiểm tra, kiểm soát thị trường chống buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, các quy định về giá và các hành vi kinh doanh trái pháp luật, nhằm mục tiêu ổn định thị trường, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, từng bước tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh…