Được biết, Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử” do Bộ GD&ĐT chủ trì với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đảm bảo về số lượng, chất lượng; đáp ứng yêu cầu phát triển ứng dụng an toàn an ninh năng lượng nguyên tử trong các lĩnh vực KT-XH, đồng thời tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ phục vụ phát triển chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga tại buổi tiếp
Theo kinh nghiệm của các chuyên gia, nguồn nhân lực cho dự án điện hạt nhân không chỉ bao gồm các kỹ sư, chuyên gia về công nghệ hạt nhân mà còn có một tỷ lệ lớn (trên 70%) cán bộ cần được đào tạo ở các chuyên ngành khác như hệ thống điện, cơ khí, hóa chất, nhiệt... Cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo và các nhà sử dụng nguồn nhân lực như cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan pháp quy, chủ đầu tư, tổ chức hỗ trợ kỹ thuật và cơ quan vận hành, và quan trọng hơn hết là phải có sự điều phối của các bộ, ngành hữu quan để thực hiện chương trình phát triển nguồn nhân lực cho điện hạt nhân.
Mục tiêu cụ thể của Đề án "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử" đặt ra đến năm 2015 quy hoạch, đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở giáo dục đại học, trung tâm đào tạo chuyên ngành phục vụ nhu cầu phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Trong thời gian đầu sẽ tập trung cho 5 trường ĐH: ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Đà Lạt, ĐH Điện lực và Trung tâm đào tạo hạt nhân tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ).
Bộ GD&ĐT có quan hệ tốt với IAEA qua việc tham gia nhiều hội thảo về năng lượng nguyên tử do IAEA tổ chức. IAEA muốn hợp tác với Việt Nam phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử với mục đích hòa bình. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết Việt Nam đang rất quan tâm đến nguồn năng lượng nguyên tử trong việc CNH-HĐH đất nước. Việt Nam muốn tiếp thu nền công nghệ của các nước tiên tiến đã phát triển nguồn năng lượng hạt nhân, đặc biệt là công nghệ của Nhật Bản và Hoa Kì. Sau sự cố nhà máy điện nguyên tử Fukushima năm 2011ở Nhật, cần có sự chuẩn bị kĩ lưỡng hơn cho việc phát triển nguồn năng lượng này, đặc biệt là việc cải tiến công nghệ.
Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại