Nước biển - nguồn cung cấp uranium dồi dào
Theo ước tính của các nhà khoa học, tổng lượng uranium trong tất cả các đại dương trên toàn cầu là hơn 4 tỷ tấn.
Trong hơn 40 năm qua, mục tiêu khai thác nguồn uranium trong nước biển chỉ được xem như một giấc mơ bởi nó đòi hỏi công nghệ cao và khá phức tạp.
Tuy nhiên, hiện nay, các nhà khoa học đã tìm ra phương pháp đẩy nhanh quá trình chiết xuất bằng cách biến nguồn nước biển trở thành một bể chứa uranium.
Việc cải tiến công nghệ chiết xuất uranium sẽ giảm gần một nửa chi phí sản xuất từ 560 USD/0,454 kg uranium xuống còn 300 USD.
Tiến sĩ Robin Rogers công tác tại Đại học Alabama (Mỹ) nhận định: "Đại dương là nguồn cung cấp uranium dồi dào lớn hơn bất cứ trữ lượng trầm tích trên mặt đất mà con người từng khai thác".
Thách thức đặt ra cho các nhà khoa học là hàm lượng uranium trong nước biển thường rất thấp do đó chi phí cho hoạt động chiết xuất khá cao. Song các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã đổi mới công nghệ chiết xuất trong đó sử dụng các tấm lưới được làm từ sợi chất dẻo kết hợp với nhiều hợp chất khác để tăng khả năng thu thập nguyên tử uranium.
Mỗi tấm lưới được thiết kế dài từ 46 – 92 m và được thả xuống độ sâu từ 90 – 180 m so với mặt nước biển. Sau khi được kéo lên khỏi mặt nước, các công nhân sẽ rửa tấm lưới bằng môt loại dung dịch axit nhẹ nhằm thu hồi lượng uranium nằm trên lưới. Sau đó, tấm lưới tiếp tục được thả xuống biển và quá trình này lặp đi lặp lại vài lần.
Hiện tại, các chuyên gia Nhật Bản đang nghiên cứu nhằm cải tiến kỹ thuật sản xuất các tấm lưới "bắt" uranium rẻ và hoạt động hiệu quả hơn cũng như sử dụng thêm các hợp chất khác để bẫy uranium.
Nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Rogers đã đưa ra giải pháp cho vấn đề trên bằng cách sử dụng rác vỏ tôm trong ngành công nghiệp chế biến hải sản để sản xuất những tấm lưới thu uranium có khả năng phân hủy sinh học.
Theo tiến sĩ Erich Schneider tại Đại học Texas (Mỹ), việc đưa công nghệ chiết xuất uranium từ nước biển được xem là bước cải tiến nhằm duy trì hoạt động của ngành công nghiệp điện hạt nhân trong tương lai.
Các nhà máy điện hạt nhân được xây dựng và vận hành trong hơn 60 năm qua đã tiêu tốn nhiều khoản tiền đầu tư lớn. Đặc biệt, các nhà điều hành luôn phải đau đầu lên kế hoạch tìm kiếm nguồn cung cấp uranium với mức giá cả hợp lý và thu gom tích trữ cho hàng thập kỷ sau.
Điều đáng nói là hoạt động chiết xuất uranium từ nước biển mang lại rất nhiều lợi ích cho môi trường. Trong khi hoạt động khai thác uranium truyền thống trên mặt đất lại tạo ra nguồn nước thải ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân và thợ mỏ.
Nguồn Infonet