Hội Cựu chiến binh huyện Ninh Sơn: Đẩy mạnh phong trào giúp nhau phát triển kinh tế

(NTO) Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Ninh Sơn có trên 930 hội viên, sinh hoạt ở 11 cơ sở hội. Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, những năm qua, Hội CCB huyện đã làm tốt công tác tập hợp hội viên, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

Đồng chí Trần Văn Thân, Chủ tịch Hội CCB huyện cho biết: “Để xây dựng, củng cố tổ chức Hội vững mạnh, thời gian qua, các cấp Hội CCB huyện đã chú trọng công tác tập hợp, thu hút các CCB tham gia vào Hội.Mọi hoạt động của Hội đều tập trung hướng về cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng tôn giáo. Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng trong cán bộ, hội viên, gắn kết hội viên với tổ chức Hội bằng cách vận động giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”. Trong 5 năm, Hội đã tổ chức cho trên 6.000 lượt cán bộ, hội viên tham gia học tập, quán triệt các Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước do các cấp ủy Đảng tổ chức; hơn 1.300 lượt hội viên học tập, nghiên cứu các chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện mở 20 lớp nghiên cứu các chuyên đề về kinh tế-xã hội, công tác dân vận, tập huấn công tác Hội…

Anh Ngô Viết Hồng (Hội CCB thị trấn Tân Sơn) vượt khó vươn lên làm giàu từ cây mía.

Để thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế, giúp hội viên xóa đói giảm nghèo, các cấp Hội CCB trong huyện đã tập trung đẩy mạnh nhiều nội dung như: Tuyên truyền, vận động hội viên thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất; cải tạo vườn tạp, đất đai và thực hiện các mô hình kinh tế điểm, hướng nhận thức của hội viên từ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Là huyện miền núi, cấp Hội cơ sở dựa trên lợi thế của từng địa phương khuyến khích các gia đình hội viên phát huy thế mạnh của đồi, rừng để trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, cải tạo đất trống, đồi trọc, chọn cây trồng thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng. Qua 5 năm, các cấp Hội đã khai thác gần 30 tỷ đồng từ các nguồn vốn, giải ngân cho 29 tổ vay vốn, với 957 lượt hộ hội viên có nhu cầu. Nhờ đó, nhiều hội viên mạnh dạn đầu tư vào sản xuất chăn nuôi theo mô hình kinh tế trang trại VAC, chăn nuôi gia súc, trồng cây ăn quả… góp phần tăng thu nhập, giảm hộ nghèo, tăng hộ khá giàu. Điển hình như CCB Trần Văn Phú với trang trại nuôi heo đạt hiệu quả kinh tế cao; Cao Ngọc Minh với mô hình phát triển ngành nghề dịch vụ; Ngô Viết Hồng vượt khó vươn lên làm giàu nhờ cây mía…

Đồng chí Trần Văn Thân cho biết thêm: “Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, các cấp Hội còn nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ nhau bằng việc xây dựng quỹ hội, quỹ đồng đội đạt trên 2,2 tỷ đồng giải quyết luân phiên giúp hội viên vay vốn sản xuất, hỗ trợ cây, con giống, xóa nhà tạm, giúp hội viên chuyển đổi ngành nghề và tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động trong hộ hội viên.

Qua đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhiều hội viên từng bước được nâng lên rõ rệt. Năm 2007, số gia đình hội viên nghèo chiếm tỷ lệ 4,3%, đến năm 2011 tỷ lệ hội viên nghèo giảm xuống còn 1,5% (11 hộ). Hiện tại, Hội đang xây dựng thêm một số mô hình giảm nghèo như tổ vần đổi công ở Chi hội CCB xã Hòa Sơn, mô hình CCB trồng rừng tại xã Mỹ Sơn, trang trại vườn ươm cây giống ở Chi hội CCB xã Lương Sơn, nhằm đẩy mạnh phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo, từng bước nâng cao đời sống hội viên”.

Thông qua các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế đã giúp cho lực lượng CCB huyện gắn bó với Hội và tích cực tham gia các phong trào khác ở địa phương. CCB luôn đóng vai trò nòng cốt trong các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, vận động thanh niên lên đường nhập ngũ, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, vì người nghèo; tham gia hòa giải, quản lý, giáo dục thanh-thiếu niên hư tại địa phương và tích cực xây dựng nông thôn mới.