Trước băn khoăn của đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) về sự thống nhất quản lý giữa trung cấp chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) và trung cấp dạy nghề (Bộ LĐTB&XH), Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng đây là ý kiến hay và thừa nhận bản thân cũng chưa nghĩ đến vấn đề này. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, nên sát nhập hai tổ chức này làm một, còn trực thuộc Bộ nào thì do Chính phủ phân công để thống nhất quản lý.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trả lời chất vấn.
(Ảnh: Chinhphu.vn)
Trả lời câu hỏi về việc thanh tra Luật Dạy nghề, Bộ trưởng cho biết: Luật Dạy nghề đã được triển khai 5 năm. Bộ LĐ,TB&XH cũng đã tiến hành thanh tra ở các địa phương về dạy nghề. Qua thanh tra thấy nổi lên vấn đề trách nhiệm quản lý tại các địa phương chưa có sự tập trung cao, bản thân lãnh đạo các địa phương cũng chưa sát sao trong khi chính quyền địa phương chính là cơ quan xây dựng kế hoạch. “Đây là khuyết điểm “ – Bộ trưởng thừa nhận. Bộ trưởng cho hay, qua tiếng nói của đại biểu và cử tri cả nước, Bộ đã quyết định tổng thanh tra việc thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 trên phạm vi toàn quốc trong năm nay, để nắm rõ hơn bản chất, kết quả, những tồn tại, hạn chế để tổng kết, rút kinh nghiệm trong 8 năm còn lại.
Đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) cho rằng, việc xây dựng các trung tâm dạy nghề ở huyện còn dàn trải, lãng phí, chất lượng chưa cao, đặc biệt là trang thiết bị thiếu đồng bộ. Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Việc quy định mỗi một huyện có một trung tâm dạy nghề là cần thiết, song đến thời điểm này nhiều huyện chưa có trung tâm dạy nghề. Hiện nay, trên cả nước mới có tổng số 386 trung tâm dạy nghề, trong số các huyện miền núi còn đến 20 huyện chưa có trung tâm dạy nghề... Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là mặt còn hạn chế mà Bộ đã nhìn thấy và trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu, trong thời gian tới Bộ sẽ hoàn thiện các chính sách để đầu tư, hoàn thiện các trung tâm dạy nghề.
Đề cập đến vấn đề do đại biểu Tô Văn Tám (KonTum) chất vấn về chất lượng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số, trong đó nhấn mạnh thanh niên dân tộc thiểu số khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ tỷ lệ đã qua tay nghề còn thấp, Bộ trưởng cho biết: Chất lượng nguồn nhân lực không chỉ đồng bào dân tộc thiểu số mà cả nước so với yêu cầu phát triển hiện nay còn thấp. Trong khi đó, đồng bào dân tộc có đặc thù riêng, thanh niên các vùng dân tộc thiểu số mặc dù đã được hưởng các chính sách như cử tuyển trung học chuyên nghiệp nhưng tỷ lệ đào tạo thấp hơn so với bình quân chung cả nước. Do đó, rất cần có giải pháp thúc đẩy an sinh xã hội để làm cho những vùng này cơ bản thoát nghèo, đảm bảo mặt bằng chung tương đối đồng đều. Bộ LĐ,TB&XH đề xuất tăng cường hơn cơ chế, chính sách, kinh phí cho các trường nghề, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo nghề để thu hút được nhiều thanh niên dân tộc thiểu số vào học.
Về vấn đề Nghị định 34 về quản lý lao động nước ngoài do Bộ LĐ,TB&XH xây dựng có quy định miễn giấy phép lao động cho những người làm việc dưới 3 tháng, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) và đại biểu Nguyễn Kim Khoa (Phú Thọ) tỏ ra băn khoăn liệu có để xảy ra kẽ hở hay không? Bộ trưởng thừa nhận, quy định điều chỉnh nhóm lao động “nhập ngoại” có hợp đồng làm việc dưới 3 tháng đang là một kẽ hở. Nhưng ngành cũng đã quy định, trong trường hợp này, đơn vị sử dụng phải đăng ký với Sở LĐ,TB&XH các tỉnh việc nhận những lao động ngắn hạn này trước 7 ngày. Người lao động cũng phải đảm bảo các điều kiện sức khỏe, phù hợp với nghề nghiệp, không có tiền án tiền sự.
“Tuy nhiên, đúng là quy định như vậy nhưng thực tế thực hiện chưa nghiêm và chặt chẽ. Đồng thời, chế tài xử lý, xử phạt chưa đủ để răn đe đối với tổ chức nước ngoài sử dụng lao động sai tại Việt Nam.” - Bộ trưởng thừa nhận.
Bộ trưởng cho biết, để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, trong đó trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn Bộ luật Lao động (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2013) về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam để tăng cường quản lý lao động nước ngoài. Đồng thời, hoàn thiện dự thảo Luật Việc làm để trình Quốc hội cho ý kiến trong năm 2012, trong đó có nội dung quy định về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam