Theo đánh giá chung, nội dung chuyên trang Giáo dục đã phản ánh khá toàn diện về hoạt động của ngành GD&ĐT tỉnh nhà và cả nước nói chung trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của năm học. Phản ánh các hoạt động dạy và học của các trường; phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thi đua “Dạy tốt, học tốt” của các thầy, cô giáo và học sinh; phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, phong trào khuyến học, khuyến tài… Nêu gương những điển hình về thầy, cô giáo, học sinh có nhiều nỗ lực trong giảng dạy và học tập; sự vượt khó, quyết tâm nuôi con ăn học của một số phụ huynh và phản ánh những ý kiến tâm huyết của thầy, cô giáo, phụ huynh, học sinh đối với sự nghiệp giáo dục tại địa phương.
Các em học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đọc Báo Ninh Thuận.
Ảnh: Văn Miên
Trong "mùa" thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh cao đẳng, đại học hàng năm, Báo Ninh Thuận đã phối hợp với Sở GD&ĐT mở chuyên mục “Tư vấn mùa thi” trên chuyên trang Giáo dục. Đây là việc làm rất thiết thực nhằm đáp ứng kịp thời thông tin cần thiết cho học sinh cuối cấp, nhất là học sinh lớp 12 về các vấn đề: hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT; định hướng chọn nghề nghiệp; tư vấn, đăng ký dự thi vào các trường đại học, cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp… Những kinh nghiệm trong làm bài thi tốt nghiệp THPT và đại học, cao đẳng…giúp các em tự tin hơn trong việc lựa chọn trường thi cũng như kinh nghiệm học và làm bài thi đạt kết quả cao nhất. Qua thống kê vài năm trở lại đây, những thông tin được đăng trên chuyên mục “Tư vấn mùa thi” đã góp phần không nhỏ trong việc nâng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT và đỗ vào các trường đại học, cao đẳng của tỉnh, được đông đảo thí sinh và phụ huynh quan tâm đón đọc. Ngoài ra, từ tháng 6 đến nay, trên Báo điện tử Ninh Thuận đã liên kết với trang thông tin điện tử của Sở GD&ĐT kịp thời chuyển tải những thông tin hoạt động của ngành; kết quả thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển vào lớp 10 của các trường THPT trong tỉnh... thu hút đông học sinh và phụ huynh vào truy cập, mang lại hiệu quả thiết thực.
Qua thống kê, trong năm học 2011-2012, Báo Ninh Thuận đã thực hiện trên 110 chuyên trang Giáo dục thường kỳ trên báo in, với gần 600 tin, bài, ảnh và hàng ngàn tin, bài, ảnh trên Báo điện tử Ninh Thuận. Được sự phối hợp của ngành GD&ĐT, Bưu điện tỉnh, báo in Ninh Thuận đã phát hành đến 100% đơn vị trường học trong toàn tỉnh, với số lượng trên 2.400 tờ/kỳ. Riêng báo điện tử hàng ngày có trên 1.000 lượt bạn đọc truy cập vào trang giáo dục. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận giữa Báo Ninh Thuận và ngành GD&ĐT trong công tác phối hợp tuyên truyền về phát triển sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 11 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về mua và đọc báo, tạp chí của Đảng.
Với những kết quả trên, có thể nói việc tuyên truyền nhiệm vụ giáo dục & đào tạo trên Báo Ninh Thuận đã góp phần thúc đẩy hoạt động dạy và học của tỉnh nhà phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương.
Tuy nhiên, qua phản ảnh của một số bạn đọc là giáo viên và học sinh trong tỉnh, thời gian qua, chất lượng về nội dung tuyên truyền trên các chuyên trang Giáo dục chưa thực sự phong phú. Chưa có nhiều tin, bài phản ánh những vướng mắc từ cơ sở để các ngành, địa phương kịp thời có những giải pháp tháo gỡ, giúp cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ dạy và học. Chưa thu hút được nhiều CTV trong ngành tham gia cộng tác với báo..
Trong năm học 2012-2013, để nâng cao chất lượng tuyên truyền nhiệm vụ giáo dục & đào tạo trên Báo Ninh Thuận, thu hút ngày càng đông đối tượng độc giả là giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh trong tỉnh đón đọc, ngoài việc tuyên truyền về nhiệm vụ chính trị của ngành; chủ điểm tuyên truyền về hoạt động dạy và học trong từng thời kỳ, Báo Ninh Thuận tiếp tục mở rộng “Diễn đàn Giáo dục” trên báo in và báo điện tử. Bên cạnh việc tuyên truyền kịp thời các chủ trương, chính sách mới của ngành; nêu những gương điển hình, mô hình hay của tập thể và cá nhân các thầy, cô giáo, học sinh có nhiều nỗ lực trong giảng dạy và học tập, phát triển xã hội hóa giáo dục, diễn đàn Giáo dục sẽ phản ánh những ý kiến đóng góp tâm huyết về những vấn đề đặt ra hiện nay của ngành GD&ĐT; những tâm tư, tình cảm của thầy, cô giáo và học sinh về trường lớp; quan tâm đến chuyên mục “Văn hóa-văn nghệ học đường” chọn đăng những bài văn, tạp bút, bài thơ hay, ảnh đẹp... do chính giáo viên, học sinh, phụ huynh gửi đến...để chuyên trang Giáo dục thật sự là “món ăn tinh thần” hết sức thiết thực và hiệu quả của bạn đọc là giáo viên và học sinh trong tỉnh.
Để đạt được kết quả trên, trước hết cần có sự phối hợp tích cực hơn nữa giữa Báo Ninh Thuận, Sở GD&ĐT và Bưu điện tỉnh trong việc thực hiện nội dung tuyên truyên trên chuyên trang Giáo dục và tổ chức phát hành kịp thời báo Ninh Thuận đến các trường học. Riêng đối với ngành GD&ĐT rất cần có sự hợp tác tích cực của các trường học trong việc vận động thầy, cô giáo, học sinh, phụ huynh cùng tham gia cộng tác với báo; qua đó góp phần xây dựng sự nghiệp giáo dục ngày càng phát triển, đáp ứng nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực tỉnh nhà trong tiến trình đổi mới.
Đồng chí Nguyễn Anh Linh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Để thông tin trên Báo Ninh Thuận ngày càng đáp ứng được nhu cầu bạn đọc, tôi mong báo có sự phong phú hơn về thể loại, đặc biệt là trong chuyên trang Giáo dục, Báo cần quan tâm thông tin kịp thời tới cán bộ, giáo viên và học sinh khi có những thay đổi, điều chính mới về chế độ, chính sách. Phóng viên của báo cần gắn bó với cơ sở, gần gũi với học sinh hơn nữa để có những bài viết đáp ứng được nhu cầu của lứa tuổi học sinh như: Tư vấn tâm lý giúp các em tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các mối quan hệ xã hội, tâm lý của tuổi mới lớn, về cách ứng xử với bạn bè, thầy, cô giáo…; những vướng mắc của học sinh trong việc chọn trường, chọn khối thi, định hướng nghề nghiệp… Báo nên có nhiều bài viết xuất phát từ cơ sở, bám sát thực tiễn, phản ánh sự nỗ lực trong dạy và học của giáo viên, học sinh. Tôi cũng nhận thấy, trong chuyên trang Giáo dục mới chỉ đáp ứng được nhu cầu của lứa tuổi từ học sinh THPT trở lên. Vì vậy, báo cần mở rộng nội dung phục vụ lứa tuổi học sinh nhỏ hơn là tiểu học và THCS.
Thầy giáo Đinh Lâu, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo Tp. Phan Rang- Tháp Chàm:Việc đưa chuyên trang Giáo dục vào mỗi kỳ báo là một việc làm cần thiết, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Báo Ninh Thuận nói riêng và dư luận xã hội nói chung đối với ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà. Tuy nhiên cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, nội dung chuyên trang nhiều khi vẫn còn đơn điệu. Để thu hút độc giả, Báo cần có thêm những bài viết sâu phản ánh tâm tư, nguyện vọng của giáo viên, học sinh; thông tin kịp thời những vấn đề giáo viên, học sinh và các bậc phụ huynh quan tâm như các chế độ, chính sách mới, thông tin tuyển sinh; kỹ năng giáo dục, gương người tốt - việc tốt, … Bên cạnh đó, Báo cũng nên vận động và sử dụng các thể tài viết tản mạn, thơ ca của chính các giáo viên, học sinh viết, điều này không chỉ làm “mềm” nội dung tờ báo mà còn tạo nên sự thích thú, thu hút sự quan tâm của các em học sinh, đội ngũ giáo viên đối với Báo Ninh Thuận.
Thầy giáo Lộ Minh Hiếu, Trường THPT Nguyễn Huệ, huyện Ninh Phước: Là độc giả và cộng tác viên thường xuyên của Báo Ninh Thuận, tôi cũng rất hài lòng với nội dung thông tin của Báo, đặc biệt là những thông tin về giáo dục và đào tạo. Từ khi có Báo Ninh Thuận điện tử (NTO), tôi thường xuyên đọc báo điện tử hơn và thấy rằng báo có thiết kế đẹp, nội dung phong phú. Tuy nhiên, tôi cũng thấy rằng, trên báo điện tử NTO, không riêng gì mục Giáo dục mà tất cả các chuyên mục khác đều sử dụng bài khai thác hơi nhiều, không tạo ra được nét đặc thù của tờ báo địa phương.
Riêng chuyên mục “Tư vấn mùa thi” hàng năm, tôi mong báo có nhiều bài viết của chính các giáo viên và học sinh giỏi trong tỉnh viết, như thế mới sát thực tế của địa phương và được học sinh đón nhận hơn. Bên cạnh việc hướng dẫn cách học, cũng nên có những bài viết đưa ra các lời khuyên, định hướng giúp các em xác định đúng năng lực của mình và có được sự lựa chọn đúng đắn trong việc chọn trường học, ngành học.
Nhật Nguyên - Nhóm PV