Các số liệu công bố hôm 14/8 cho thấy kinh tế Đức chỉ tăng trưởng ở mức 0,3% vào quý II năm nay, nhờ vào xuất khẩu và tiêu dùng trong nước nhưng viễn cảnh chung năm nay sẽ kém.
Mặc dù nền kinh tế lớn nhất Châu Âu vẫn tăng trưởng, GDP thường niên của cả khối Châu Âu trong công bố ra cùng ngày 14/8 vẫn sụt giảm đến 0,4% và giảm 0,2% trong khoảng thời gian tháng Tư đến tháng Sáu năm nay.
“Chúng tôi không nghĩ rằng một mình Đức có thể giữ cho cả khối Châu Âu thịnh vượng,” ông Aline Schuling tại ABN Amro cho biết.
“Dù cho những con số đưa ra cho tăng trưởng tại Đức là khá khả quan, chúng tôi nghĩ rằng GDP cả khối Châu Âu tụt lùi vì những chính sách cắt giảm gay gắt đã đẩy hầu hết các nền kinh tế vào khủng hoảng.”
Kinh tế Hy Lạp tiếp tục chìm trong suy thoái
Theo số liệu thống kê vừa công bố, trong quý 2/2012, kinh tế Hy Lạp đã suy giảm 6,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, nền kinh tế của xứ sở các vị thần đã giảm 6,5% trong quý 1, tồi tệ hơn so với con số dự đoán giảm 6,2% lúc ban đầu.
Ngân hàng Hy Lạp dự kiến kinh tế nước này sẽ sụt giảm 4,5% trong cả năm nay, đánh dấu năm suy thoái thứ 5 liên tiếp của Hy Lạp.
Để "hồi sinh" nền kinh tế yếu kém, Athens đang phải viện đến hai gói cứu trợ tài chính trị giá 240 tỷ euro (295 tỷ USD) của Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Tuy nhiên, các chương trình cải cách kinh tế và "thắt lưng buộc bụng" ngặt nghèo nhằm đáp ứng các điều kiện của các nhà cho vay đã tác động tiêu cực đến đà tăng trưởng kinh tế của Hy Lạp, với tỷ lệ thất nghiệp tăng lên các mức cao kỷ lục.
Khoản vay của các ngân hàng Tây Ban Nha đạt kỷ lục mới
375,5 tỷ euro (465 tỷ USD) là khoản tiền mà các ngân hàng Tây Ban Nha đã vay của Ngân hàng Trung ương châu Âu trong tháng 7/2012.
375,5 tỷ euro (465 tỷ USD) là khoản tiền mà các ngân hàng Tây Ban Nha đã vay của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong tháng 7/2012. Khoản vay kỷ lục trên chứng tỏ tình hình tài chính của nền kinh tế lớn thứ tư trong Khu vực đồng euro (Eurozone) đang trong tình trạng nguy ngập chưa từng có.
Theo các số liệu từ Ngân hàng trung ương Tây Ban Nha, những khoản vay ròng của các ngân hàng nước này đã tăng theo cấp số nhân, từ mức 42,2 tỷ euro trong tháng 4/2011, lên 375,5 tỷ euro trong tháng 7 vừa qua và đây là tháng thứ 10 liên tiếp khoản vay mượn trên tăng.
Tình trạng phụ thuộc ngày càng lớn vào ECB cho thấy Tây Ban Nha ngày càng gặp khó khăn trong việc huy động tiền mặt trên các thị trường tài chính để cứu hệ thống ngân hàng nước này, bị rơi vào tình trạng kiệt quệ do các khoản nợ khó đòi vì bong bóng bất động sản nổ tung từ năm 2008.
Italy: Nợ công cao kỷ lục
Nguồn tin từ Ngân hàng Trung ương Italy cho biết nợ công của nước này trong tháng 6/2012 đã tăng lên mức cao kỷ lục là gần 2 nghìn tỷ euro. Thâm hụt ngân sách hàng năm cũng tăng cao hơn so với cùng kỳ trước đó, mà chủ yếu là do khoản đóng góp của Italia vào các gói giải cứu dành cho những quốc gia thuộc Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) khác.
Trong bối cảnh kinh tế Italy vẫn trong tình trạng suy thoái sâu, các thị trường tỏ ý hoài nghi về khả năng của nước này trong việc giảm bớt khối nợ công khổng lồ tương đương 123% GDP – mức nợ công cao thứ hai tại Eurozone, sau Hy Lạp.
Số liệu của Cơ quan Thống kê Quốc gia Italy (ISTAT) trước đó cho biết GDP quý 2/2012 của nước này đã giảm 0,7% so với quý trước và giảm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong một dấu hiệu đáng lo ngại khác về nền tài chính công, Ngân hàng Trung ương Italy thông báo thâm hụt ngân sách trong nửa đầu năm nay đứng ở mức 47,7 tỷ euro, cao hơn 1,1 tỷ euro so với cùng kỳ năm ngoái. Lý do là khoản chi tiêu để hỗ trợ các quốc gia Eurozone khác đã tăng từ 6,1 tỷ euro lên 16,6 tỷ euro trong 6 tháng đầu năm.
Nguồn www.chinhphu.vn