Qua đối thoại trực tiếp với người dân, lãnh đạo địa phương càng nhận rõ do chưa đi sâu, đi sát cơ sở, nên việc phát hiện, giải quyết những vấn đề bức xúc từ cuộc sống của nhân dân còn hạn chế, chưa kịp thời. Việc mở diễn đàn để lãnh đạo và các cơ quan chuyên môn đối thoại với công dân còn nhằm trao đổi, giải đáp các thắc mắc của người dân, góp phần giải tỏa nhanh những vướng mắc của người dân.
Thường trực Huyện ủy Ninh Phước đối thoại trực tiếp với cán bộ, nhân dân Phước Sơn.
Ảnh: Anh Tùng
Các cuộc đối thoại dân chủ, thẳng thắn đã tạo điều kiện nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Có thể nói đối thoại giữa lãnh đạo với dân là cách để dân kiểm tra, giám sát lãnh đạo trong thực hiện chủ trương, chính sách, chương trình hành động đã được ban hành. Đây là cách kiểm tra, giám sát ít tốn kém nhưng mang lại hiệu quả cao.
Bác Hồ đã dạy: Dân chủ là làm sao cho “dân mở miệng”, đừng để cho dân sợ không dám mở miệng, nhưng điều đáng lo hơn nữa là khiến dân không thiết mở miệng. Để “dân mở miệng” không có nghĩa là chỉ tổ chức đối thoại. Căn bản là phải thực sự cầu thị nghe dân nói, phải có ý thức, phương pháp, chân thành tự phê bình, phê bình, phải tạo được tâm lý thoải mái, trọng thị với ý thức xây dựng…
Để các cuộc đối thoại thực sự đem lại hiệu quả thiết thực, tạo sự đồng thuận trong xã hội hoặc cộng đồng dân cư từ chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm tăng sức mạnh để thực hiện thắng lợi các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân… vấn đề đặt ra hiện nay là các ngành, địa phương cần thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ như đã nêu trên theo phương châm: gần dân, trọng dân, lắng nghe dân nói, nói cho dân hiểu. Làm tốt điều này cũng góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI), tăng cường sức mạnh và vai trò lãnh đạo của Đảng, thiết thực phục vụ lợi ích của nhân dân.
Tuấn Dũng