Mục đích đối thoại là để lãnh đạo huyện lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân, từ đó nắm chắc tình hình ở cơ sở, đề ra chủ trương đúng đắn, giải quyết những vấn đề mới nảy sinh liên quan đến quyền lợi chính đáng của người dân. Do ý nghĩa thiết thực như vậy, nên buổi đối thoại nào cũng thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Bình quân mỗi buổi có khoảng hơn 100 đại biểu tham dự. Các câu hỏi của nhân dân tại các buổi đối thoại đều hướng tới mục tiêu xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Với tinh thần thẳng thắn, dân chủ, trách nhiệm, các ý kiến tập trung phản ánh với lãnh đạo huyện những khó khăn vướng mắc trong sản xuất nông nghiệp, nhất là đầu ra sản phẩm thiếu ổn định. Các vấn đề đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm, kênh mương nội đồng gắn với xây dựng nông thôn mới cũng được đưa ra bàn luận rất sôi nổi…
Xét cho cùng, những nội dung trên được đề cập nhiều ở những lần tiếp xúc cử tri của HĐND các cấp. Nhưng tính chất của vấn đề đã thay đổi rất nhiều khi người dân hỏi, được lãnh đạo huyện trả lời ngay. Lãnh đạo trả lời chưa rõ, chưa thỏa đáng, người dân hỏi tiếp. Cứ như thế cho đến khi tìm được “tiếng nói chung”.
Nhiều câu hỏi của dân rất “gai góc” như tại sao cùng một công trình nhà văn hóa thôn, trụ sở thôn… nhưng Nhà nước xây dựng giá thành lại cao hơn so với dân tự đứng ra làm, thế nhưng lãnh đạo huyện không hề né tránh. Trái lại, được giải thích một cách thấu tình đạt lý. Một số hộ dân ở thôn Liên Sơn 2, Liên Sơn 1 (Phước Vinh) thắc mắc đơn vị thi công tuyến kênh thuộc công trình thủy lợi hồ La Ranh lấn vào phần ruộng của mình nhưng không thấy bồi thường. Khi được những người có trách nhiệm phân tích lợi ích to lớn mà công trình đưa lại, bà con ngộ ra rằng, cái được lớn hơn cái mất nên đồng tình. Anh Nguyễn Thanh Truyền, thôn Bảo Vinh (Phước Vinh), thú thật: Sự hiểu biết về pháp luật của người dân rất hạn chế, vì vậy chỉ cần một việc rất nhỏ ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân là người ta lại khiếu kiện. Nếu được chính quyền giải thích cặn kẻ như ở các buổi đối thoại, tôi tin tình trạng khiếu kiện của người dân sẽ giảm đi rất nhiều.
Đến với buổi đối thoại, người dân không những phát huy được quyền dân chủ của mình, mà còn tìm được cảm giác thân thiện, gần gũi khi tiếp xúc với các vị lãnh đạo cao nhất huyện. Đây chính là yếu tố để cho nhân dân tin tưởng hơn vào Đảng. Anh Nguyễn Văn Bình, thôn Ninh Quý 2 (Phước Sơn), thổ lộ: Tôi rất vui mừng vì lần đầu tiên được nói chuyện trực tiếp với đồng chí Bí thư Huyện ủy. Tôi thấy tổ chức đối thoại trực tiếp với dân là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Cùng chung nhận xét trên, ông Trần Hoài Phương ở thôn Phước An 1 (Phước Vinh), cho rằng: Nếu cán bộ ở xã, thôn mà có phương thức lãnh đạo gần dân như lãnh đạo huyện thì sẽ giải quyết được các vấn đề phức tạp mới nảy sinh ở nông thôn. Ông Phương thẳng thắn nói: Lâu nay cấp ủy và chính quyền xã có phần xa dân, ít tổ chức họp dân, đối thoại trực tiếp với dân, vì thế chưa phát huy được vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Có dự các buổi đối thoại mới biết, người dân luôn tin tưởng vào chế độ, vào sự lãnh đạo của Đảng. Những thắc mắc, khiếu kiện lâu nay của người dân một phần do cán bộ cơ sở chưa làm hết vai trò trách nhiệm của mình. Nếu gần dân, lắng nghe dân nói, tranh thủ sự ủng hộ của dân, thì không có việc gì khó cả. Ngay như đồng chí Lê Văn Phong, Bí thư Huyện ủy cũng nhìn nhận: Hình thức đối thoại là kênh thông tin hai chiều giúp lãnh đạo huyện nắm bắt được tâm trạng của người dân, từ đó có thêm thực tiễn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Anh Tùng