Thượng tướng Trần Đại Quang thăm hỏi, tặng quà gia đình mẹ Lê Thị Sáu (có 2 con là liệt sĩ)
ở phường Tân Lợi – TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc, ngày 16/7/2012.
Cách đây 65 năm, vào ngày 27-7-1947, trong Thư gửi đồng bào cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm đau, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”. Thực hiện lời căn dặn của Người, hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, mang đậm chất nhân văn, giàu đạo lý “uống nước nhớ nguồn” “ăn quả nhớ người trồng cây”, đã được Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an quan tâm chỉ đạo; được cấp ủy, lãnh đạo công an các cấp và cán bộ, chiến sĩ hưởng ứng bằng những việc làm tri ân thiết thực, đầy nghĩa tình đồng chí, đồng đội, trở thành nét đẹp truyền thống, tác động sâu sắc đến tâm tư, tình cảm và ý thức chính trị của mỗi cán bộ, chiến sĩ.
Ngoài việc thực hiện nghiêm túc các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, Bộ Công an đã ban hành nhiều quy định, chính sách đối với thương binh, thân nhân các liệt sĩ và người có công với cách mạng trong Công an nhân dân (CAND), đặc biệt, ngày 31-1-2012, đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BCA về việc tiếp tục tăng cường công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng và hoạt động đền ơn đáp nghĩa trong CAND. Đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về truyền thống cách mạng, gương chiến đấu anh dũng, hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng, qua đó khơi dậy lòng yêu nước, sự biết ơn của thế hệ trẻ đối với cha anh. Đã có nhiều hình thức thu hút các nguồn lực của xã hội, phục vụ việc tổ chức các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công với cách mạng.
Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an cũng đặc biệt quan tâm công tác quy tập mộ liệt sĩ. Đây là việc làm sâu nặng nghĩa tình, ý thức trách nhiệm với những đồng đội đã khuất, không chỉ tác động tích cực tới tâm tư, tình cảm của các gia đình liệt sĩ, mà còn mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Lực lượng CAND có hơn 14.000 liệt sĩ hy sinh qua các thời kỳ, trong đó có nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt hoặc xác định được danh tính.
Thực hiện Nghị định số 16/2007/NĐ-CP ngày 26-1-2007 của Chính phủ, Bộ đã thành lập 03 ban quy tập mộ và tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ này đã tận tâm, tận lực, không quản gian khổ, khó khăn, nguy hiểm để tìm đồng đội của mình, nhất là với các đồng chí hy sinh ở chiến trường Lào, Cam-pu-chia. Đồng thời, đã làm tốt công tác chăm sóc phần mộ liệt sĩ; tổ chức các lễ báo công, thắp nến tri ân. Đặc biệt, đã tổ chức khắc bia đá tưởng niệm “Danh sách liệt sĩ CAND qua các thời kỳ” tại Khu di tích An ninh Trung ương Cục miền Nam và Nha Công an Trung ương; nâng cấp các khu di tích, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ CAND; sưu tầm, in sách “Danh sách liệt sĩ CAND qua các thời kỳ” để tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ trong CAND tại các khu di tích và nhà truyền thống của công an các đơn vị, địa phương.
Thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, đã tổ chức xác minh, xác nhận những cán bộ hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945 và cán bộ hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến trước Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Lập hồ sơ đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ công nhận các liệt sĩ còn tồn đọng về hồ sơ; thẩm định, giải quyết công nhận và thực hiện chế độ, chính sách đối với hàng nghìn thương binh, hàng trăm hồ sơ bệnh binh; thực hiện chi trả trợ cấp thương tật một lần đối với các trường hợp cán bộ, chiến sĩ công an bị thương trong khi làm nhiệm vụ; thực hiện chế độ, chính sách đối với các anh hùng LLVT nhân dân.
Quỹ Phòng, chống thiên tai, đền ơn đáp nghĩa, xóa đói, giảm nghèo trong CAND được thành lập từ tháng 7-2001 với nguồn kinh phí huy động chủ yếu dựa vào sự ủng hộ, đóng góp hằng năm của cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng, đã tổ chức có hiệu quả nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ thiên tai, xây dựng, tôn tạo Khu di tích Nha Công an Trung ương tại Tuyên Quang, An ninh Trung ương Cục miền Nam tại Tây Ninh... hỗ trợ kinh phí xây nhà tình nghĩa tặng đối tượng chính sách; trợ cấp hằng tháng cho các cháu là con liệt sĩ, con thương binh nặng đang học tại các trường phổ thông và các cháu là con cán bộ, chiến sĩ công an bị di chứng do nhiễm chất độc hóa học…
Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên gặp mặt, tặng quà đối với thương binh, bệnh binh và thân nhân liệt sĩ, cán bộ hoạt động cách mạng trước ngày 19-8-1945 vào những dịp lễ, Tết, đặc biệt là vào Ngày Thương binh - Liệt sĩ; nhận phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng; đỡ đầu, hỗ trợ các cháu con thương binh, liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn…
Những nghĩa cử cao đẹp nêu trên thể hiện tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ công an đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, góp phần bù đắp, chia sẻ phần nào sự hy sinh to lớn của các liệt sĩ, thương binh, sự cống hiến của người có công với cách mạng, với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự.
Đạo lý và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam được thấm nhuần sâu sắc trong các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đòi hỏi lực lượng CAND tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng đã xác định: "Huy động mọi nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của những người và gia đình có công. Giải quyết dứt điểm các tồn đọng về chính sách người có công, đặc biệt là người tham gia hoạt động bí mật, lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong trong các thời kỳ cách mạng và kháng chiến". Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 14-12-2006 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng; Chỉ thị số 01/CT-BCA của Bộ Công an về tiếp tục tăng cường công tác chăm sóc thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và hoạt động đền ơn đáp nghĩa trong CAND. Đặc biệt, quan tâm chăm sóc các gia đình chính sách có nhiều khó khăn, người có công với cách mạng hiện đang sống cô đơn, không nơi nương tựa, các gia đình chính sách ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng.
Chú trọng tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và quy định của Bộ Công an về công tác chăm sóc người có công với cách mạng. Làm tốt công tác giáo dục truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” trong CAND, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lòng biết ơn đối với người có công với cách mạng; nâng cao ý thức tự giác, tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa của cán bộ, chiến sĩ. Tổ chức tốt các hoạt động đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, nhất là vào các dịp lễ, Tết, Ngày Thương binh-Liệt sĩ. Kịp thời thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ bị thương, thân nhân các gia đình cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự. Đối với các đồng chí thương binh còn đang tiếp tục công tác, cần quan tâm ưu tiên bố trí sắp xếp công việc thuận lợi, phù hợp điều kiện sức khỏe; đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm đối với số thương binh trong độ tuổi, còn khả năng, điều kiện phát triển.
Đẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định hài cốt liệt sĩ và làm tốt công tác chăm sóc, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ, bia ghi tên, đền thờ, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ CAND. Tiếp tục thực hiện chủ trương xây dựng nhà tình nghĩa tặng các đối tượng chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở từ nguồn Quỹ phòng, chống thiên tai, đền ơn, đáp nghĩa, xóa đói, giảm nghèo trong CAND, trong đó ưu tiên những đối tượng là thương binh, thân nhân liệt sĩ gồm bố mẹ đẻ, người nuôi dưỡng liệt sĩ từ nhỏ, vợ hoặc chồng, con; người có công với cách mạng; cán bộ, chiến sĩ đang công tác và cùng gia đình cư trú tại các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng KT-XH đặc biệt khó khăn; cán bộ, chiến sĩ là người dân tộc thiểu số có thời gian công tác lâu năm trong lực lượng CAND.
Tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh những gương thương binh, gia đình liệt sĩ vượt qua khó khăn, có nhiều thành tích, cống hiến trong lao động, sản xuất và trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự; đồng thời, phát hiện, biểu dương, nhân rộng những gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng và các hoạt động đền ơn đáp nghĩa.
Với trách nhiệm, lòng biết ơn và nghĩa tình sâu nặng đối với các anh hùng, liệt sĩ, các đồng chí thương binh, người có công với cách mạng, cán bộ, chiến sĩ CAND càng thấm nhuần sâu sắc truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc, luôn tâm nguyện, tiếp tục và thường xuyên làm tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa đối với những người đã hy sinh xương máu, hy sinh cuộc sống của mình vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân./.
Nguồn www.chinhphu.vn