Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Bộ NN&PTNT tổng kết một số mô hình
phát triển sản phẩm trọng điểm tại ĐBSCL. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Ngày 24/7 tại An Giang, Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị về chính sách, mô hình phát triển các sản phẩm trọng điểm vùng ĐBSCL dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh.
Còn bất cập trong chính sách, cơ chế
Tại Hội nghị, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đã điểm lại các cơ chế, chính sách về hỗ trợ sản xuất, liên kết cho lúa và một số mặt hàng nông, thủy sản chủ yếu; cơ chế chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch lúa, xây dựng kho trữ nông lâm thủy sản và giải pháp mở rộng thị trường tiêu thụ nông, thủy sản của vùng.
Nhiều chính sách, cơ chế đã phát huy hiệu quả, góp phần xác định, phát triển hơn nữa các sản phẩm trọng điểm của vùng ĐBSCL. Đồng thời, nhiều mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản ra đời đã thúc đẩy sản xuất hàng hóa, nâng cao năng lực của nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã…
Tuy nhiên, có đại biểu cho rằng để các chính sách đi vào cuộc sống thì vẫn còn một khoảng cách, chẳng hạn như thực hiện chủ trương xây dựng kho trữ 4 triệu tấn lúa ở vùng ĐBSCL thì hiện doanh nghiệp vừa phải trả tiền mua đất cho nông dân để làm kho, vừa phải nộp tiền sử dụng đất cho nhà nước. Do đó, cần sớm có hỗ trợ vốn, lãi suất và hỗ trợ sau đầu tư cho doanh nghiệp để chủ trương này “cán đích” vào cuối năm 2013.
Với chủ trương cánh đồng mẫu lớn, nhiều địa phương đánh giá tỉnh An Giang đang làm tốt, chủ yếu dựa vào hoạt động của Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang. Tuy nhiên, với một vùng lúa rộng lớn như ĐBSCL thì một công ty không thể làm nổi, do đó cần phải có cơ chế để kéo các doanh nghiệp khác chung sức làm cánh đồng mẫu lớn.
Nhiều ý kiến các địa phương và bộ, ngành cũng đồng tình với những ưu đãi của ngành nông nghiệp dành cho các doanh nghiệp trong mối liên kết với nông dân ở đầu vào, đầu ra của sản phẩm nhưng đòi hỏi cao hơn ở cơ chế ràng buộc hai chủ thể này để tránh thiệt thòi cho cả hai bên, nhất là người nông dân…
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng hội nghị đã phản ánh được ý kiến thống nhất của các địa phương trong việc đẩy nhanh việc thực hiện các chính sách, cơ chế phát triển sản phẩm chủ lực của vùng, hạn chế việc có lúc “được mùa nhưng rớt giá” như hiện nay.
Mục tiêu là cần hoàn thiện và bổ sung, điều chỉnh chính sách, cơ chế để đi vào cuộc sống, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Địa phương chủ động, không chờ cơ chế
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương ở vùng ĐBSCL không nên cầu toàn, không chờ cơ chế đầy đủ mới triển khai thí điểm các chủ trương, chính sách, mô hình hỗ trợ sản xuất cho nông dân cũng như doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu các địa phương cần chủ động trong việc thực hiện thí điểm
các chính sách, mô hình hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT tổng kết một số mô hình phát triển sản phẩm trọng điểm tại ĐBSCL, chọn một số sản phẩm để làm thí điểm, đồng thời đề nghị một số địa phương thực hiện thí điểm mô hình hợp tác xã do Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập nhóm và chủ trì thực hiện… Trong quá trình làm, nếu gặp khó khăn thì tổ chức họp chuyên đề thảo luận riêng.
Với các giải pháp mang tính bền vững, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các bộ, ngành, địa phương coi trọng quy hoạch sản xuất sản phẩm ở từng địa bàn nhưng phát huy được lợi thế của cả vùng. Nếu không sẽ dẫn đến việc nông dân nuôi trồng tự phát gây thừa sản phẩm, không tiêu thụ được. Bên cạnh đó cần điều phối tốt sản xuất để quản lý hiệu quả, bền vững.
Trong hoạt động hỗ trợ vốn, lãi suất cho nông dân và doanh nghiệp, phải tôn trọng nguyên tắc thị trường nhưng vẫn cần vai trò hỗ trợ của Nhà nước trong phạm vi nhất định.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết vai trò hỗ trợ của Nhà nước vẫn còn dư địa lớn. Cùng với đó, doanh nghiệp và hộ sản xuất cũng phải tổ chức lại hoạt động của mình để cùng với hỗ trợ của Chính phủ tăng “sức đề kháng” mỗi khi có khó khăn.
Nguồn www.chinhphu.vn