Ngay từ đầu năm, công tác phòng, chống phá rừng trên địa bàn tỉnh ta được chỉ đạo thực hiện xuyên suốt và tích cực, qua đó đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong 6 tháng qua, các đơn vị Kiểm lâm, chủ rừng, chính quyền địa phương đã phối hợp tổ chức hai đợt truy quét cao điểm trên diện rộng, hơn 460 đợt tuần tra truy quét tại các vùng giáp ranh và khu vực trọng điểm và nhiều đợt tuần tra, trinh sát ngăn chặn các vi phạm về lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng với hơn 1.675 lượt người tham gia. Qua công tác tuần tra truy quét, đã phát hiện 423 vụ vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng, xử lý và tịch thu hàng chục xe máy và trên 195 m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách gần 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc khai thác, vận chuyển và buôn bán lâm sản trái phép vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Chỉ tính riêng trong 6 tháng qua, số vụ vi phạm tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước (423/294 vụ). Chủ yếu tập trung ở các vùng trọng điểm các địa bàn miền núi và những vùng giáp ranh. Trong đó, các nhóm đối tượng vi phạm chủ yếu là khác thác và vận chuyển trái phép.
Nhiều loại gỗ bị Hạt Kiểm lâm Ninh Sơn thu giữ trong các đợt truy quét.
Đồng chí Trần Đức Hóa, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ninh Sơn cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, đơn vị đã phát hiện, xử lý và tham mưu cho UBND huyện xử lý 205 vụ vi phạm, tăng hơn 100 vụ so với năm trước. Cũng theo đồng chí Hạt trưởng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm Luật Quản lý và Bảo vệ rừng tăng cao là do các nhóm đối tượng phá rừng ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi trong việc khai thác và đối phó với các lực lượng, ngành chức năng. Họ thường tổ chức khai thác trái phép vào ban đêm, chọn những vùng giáp ranh với các tỉnh có địa hình hiểm trở, gây khó khăn trong công tác tuần tra cho các lực lượng. Khi vận chuyển bằng xe máy, bị các lực lượng tuần tra phát hiện các đối tượng đều liều lĩnh chống trả gây nguy hiểm cho các tổ tuần tra và người dân khi tham gia giao thông.
Từ đầu năm đến nay, đã có một số vụ việc gây bức xúc cho các ngành chức năng khi bọn “lâm tặc” gây thương tích đối với cán bộ Kiểm lâm đang thi hành công vụ. Đơn cử như vụ việc ngày 10-5-2012 tại Ban quản lý rừng phòng hộ Krôngpha, các đối tượng đã dùng rựa xông thẳng vào lực lượng đang thi hành công vụ nhằm giải thoát cho 2 lâm tặc bị bắt và đang trên đường đưa về trạm (thuộc BQLRPH Krôngpha) để tẩu tán một số tang vật. Hay vụ việc xảy ra vào ngày 27-5-2012 trên địa bàn huyện Bác Ái (tuyến đường Phước Hòa-Ninh Sơn) có 4 đối tượng điều khiển 2 mô-tô chở 2 khúc gỗ, sau khi bị lực lượng Kiểm lâm phát hiện, chúng cố tình bỏ chạy nhằm tẩu tán tang vật, 2 đối tượng điều khiển xe theo sau đã cố ý tông thẳng vào lực lượng Kiểm lâm, làm một đồng chí Kiểm lâm phải đi bệnh viện Đa khoa huyện Ninh Sơn sơ cứu.
Dù đã có rất nhiều đợt tuyên truyền, vận động đến tận các vùng sâu, xa; nhưng vẫn còn không ít bộ phận nhân dân hoặc một số bà con bị các nhóm đối tượng lâm tặc lợi dụng tiếp tay cho chúng trong việc khai thác trái phép. Tình trạng này đã phần nào gây thêm khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của các ngành chức năng.
Anh Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng phòng QLBVR Chi cục Kiểm lâm cho biết: “Trong thời gian tới, Chi cục sẽ kiến nghị cấp trên tăng cường lực lượng, trang bị thêm công cụ hỗ trợ cho các lực lượng cơ sở nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác truy quét, chống phá rừng. Đồng thời sẽ tăng cường thực hiện quy chế phối, kết hợp cùng với các lực lượng vùng giáp ranh các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Khánh Hòa để công tác quản lý, bảo vệ rừng thêm chặt chẽ.” Bên cạnh các biện pháp như: tăng cường về sự phối hợp giữa các ngành, thực hiện liên tục các đợt truy quét tại các vùng trọng điểm, giáp ranh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra các cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ, quản lý các phương tiện “xe độ, xe chế”… Thiết nghĩ, để việc ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép thực sự có hiệu quả, cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị. Ngoài các đơn vị chức năng, các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt các địa phương miền núi có diện tích rừng lớn, cần quan tâm hơn trong công tác vận động chuyển đổi nghề, tạo công ăn việc làm cho người dân. Một khi người dân có việc làm, có thu nhập, đời sống được đảm bảo; các chính sách khuyến khích phát triển rừng trồng, giao đất giao rừng cho dân quản lý chăm sóc sẽ đem lại lợi ích thiết thực và hạn chế nạn phá rừng.
Nguyễn Sơn