Để ổn định liên minh tiền tệ này, trong phản ứng với khủng hoảng, các nước trong khối cần phải hành động quyết định đối với việc thiết lập các liên minh tài chính và ngân hàng.
Trong đánh giá mới nhất về phát triển kinh tế của khu vực đồng euro, IMF nhấn mạnh liên minh ngân hàng và hòa nhập tài chính lớn hơn cần được thúc đẩy để bảo vệ sự sống còn của liên minh tiền tệ này. Chính sách tiền tệ cần hỗ trợ các nhu cầu nhưng cải tổ cơ cấu mới là nhân tố thiết yếu để tăng trưởng dài hạn. Tăng trưởng tổng thu nhập nội địa của khu vực đồng euro được dự báo giảm 0,3% trong năm 2012 và tăng 0,9% trong năm 2013. Tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng trên toàn khu vực từ mức 5% ở Đức tới 24% ở Tây Ban nha trong năm 2012.
Mahmood Pradhan, Phó Giám đốc IMF phụ trách châu Âu, cho rằng ưu tiên tức thời của khu vực đồng euro là thiết lập liên minh ngân hàng và thúc đẩy nhịp độ hòa nhập tài chính để ngăn chặn suy giảm lòng tin đang giãn rộng trong khu vực, giảm chi phí vay nợ cho các nước đang chịu sức ép thị trường nghiêm trọng đồng thời giảm nguy cơ lây nhiễm căng thẳng tài chính toàn khu vực. Các quan hệ bất lợi giữa nợ chủ quyền, ngân hàng và nền kinh tế thực đã tăng đến mức kỷ lục khiến các thị trường tài chính tan vỡ ở nhiều nước.
Để ổn định tài chính và tăng trưởng kinh tế, các nhà hoạch định chính sách khu vực đồng euro đang phải đối mặt với 2 thách thức then chốt là chính sách tiền tệ chung cần điều chỉnh thích hợp cho thời kỳ dài hạn trong khi nhu cầu tăng trưởng ở nước này đòi hỏi hỗ trợ từ chính sách tiền tệ chung toàn khu vực và chính sách tài chính của nước khác; các điều chỉnh tài chính nhanh chóng là không thể tránh khỏi ở những nước đang đối mặt với nợ chủ quyền cao và thâm hụt ngân sách lớn trong khi ở các nước ít bị sức ép này lại cần điều chỉnh tài chính với nhịp độ chậm hơn .
Ông Mahmood Pradhan nhấn mạnh các nước khu vực đồng euro đang chịu sức ép nợ và thâm hụt ngân sách cao cần tiếp tục nỗ lực giảm thâm hụt ngân sách để khôi phục sự lành mạnh của tài chính công đồng thời cần tăng cường sự minh bạch trong hệ thống ngân hàng để giảm căng thẳng trong thị trường tài chính.
Tuy nhiên, điều quan trọng là các nỗ lực này cần được hỗ trợ tập thể ở mức toàn khu vực bao gồm cả chính sách tiền tệ và Cơ chế ổn định châu Âu (ESM) tức bức tường lửa châu Âu. Các cải tổ cơ cấu cần được đẩy nhanh để cải thiện khả năng cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng trong đó bao gồm các cải tổ thị trường lao động để giảm chi phí lao động, tăng năng suất và tăng sự tham gia của lực lượng lao động; tăng đầu tư và cơ sở hạ tầng và nguồn vốn con người để hỗ trợ tăng trưởng và tạo việc làm.
Nguồn www.chinhphu.vn