IMF: Kinh tế thế giới còn nhiều rủi ro phía trước

Trong báo cáo hàng quý công bố ngày 16-7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã gia tăng cảnh báo về những nguy cơ đối với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là châu Âu, khu vực đang vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ công.

Theo báo cáo của IMF, kinh tế thế giới đã yếu hơn so với đánh giá chỉ cách đây 3 tháng của thể chế tài chính này. Cho dù tốc độ tăng trưởng chỉ giảm chút ít so với dự kiến, song những nguy cơ tiếp tục bao trùm trên phạm vi rộng, đặc biệt tại các nền kinh tế lớn, nơi những chính sách chậm và thiếu đồng bộ phản tác dụng. IMF cho rằng trong 3 tháng qua, sự phục hồi kinh tế toàn cầu, vốn chưa đủ mạnh để bắt đầu tăng trưởng, lại xuất hiện những dấu hiệu yếu hơn. Trong khi tốc độ tăng trưởng tại một số nền kinh tế mới nổi giảm so với dự báo, căng thẳng trên các thị trường tài chính và giữa các nước ngoại biên Khu vực sử dụng đồng ơrô (Eurozone) ngày càng gia tăng.

Mặc dù vẫn giữ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2012 ở mức 3,5%, song IMF cho rằng tỷ lệ này trong năm 2013 sẽ chỉ đạt 3,9%, giảm so với dự báo trước đây là 4,1%. Theo IMF, nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi triển vọng kinh tế toàn cầu ngoài những tác động từ tăng trưởng chậm hơn dự báo ở một số nước công nghiệp phát triển lớn như Mỹ (giảm 0,1% xuống 2%) Anh (dự báo chỉ đạt tăng tưởng 0,2% so với 0,8% trước đây) và Pháp (chỉ đạt 0,3%), chủ yếu do tăng trưởng chậm lại ở các nền kinh tế lớn mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Braxin. Đặc biệt, Tây Ban Nha, quốc gia thứ 4 trong Eurozone được dự báo vẫn chìm trong suy thoái vào năm 2013. Dự báo này cũng ảm đạm hơn so với tiên đoán trước đây rằng nền kinh tế lớn thứ tư trong Eurozone này có thể sẽ phục hồi vào năm sau.

Mảng sáng hơn trong bức tranh kinh tế toàn cầu năm nay là Đức và Nhật Bản. IMF đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Đức lên mức 1% và của Nhật Bản lên 2,4% trong năm 2013. Khu vực Trung Đông và Bắc Phi, mặc dù phải vật lộn với khủng hoảng chính trị trong suốt 2 năm qua, IMF cũng tăng dự báo tăng trưởng của hai khu vực này lên 5,5% trong năm nay, cao hơn nhiều so với dự báo 4,2% cách đây 3 tháng. IMF cho rằng một số nền kinh tế lớn đã đạt được những tiến bộ nhờ cắt giảm được gánh nặng thâm hụt, tuy nhiên vẫn bị ngăn cản bởi những biến động và rủi ro từ nợ công, với chi phí vay tăng lên mức kỷ lục. Ngoài ra, sự căng thẳng chính trị tại một số nước do áp lực từ các "chính sách thắt lưng buộc bụng" nhằm đáp ứng các mục tiêu tài chính có thể gây hậu quả tiêu cực.

Theo TTXVN