Phiên họp lần thứ IX, Hội đồng luật sư toàn quốc

Ngày 13-7, tại Hà Nội, Liên đoàn luật sư (LĐLS) Việt Nam đã tổ chức phiên họp lần thứ IX, Hội đồng luật sư toàn quốc, nhằm đánh giá kết quả sau 3 năm thành lập và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới. Đồng chí Lê Thị Thu Ba - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đến dự.

Theo Chủ tịch LĐLS Việt Nam Lê Thúc Anh, sau 3 năm thành lập và đi vào hoạt động, LĐLS Việt Nam bước đầu thực hiện tốt vai trò là ngôi nhà chung tập hợp, đoàn kết giới luật sư Việt Nam; thực hiện tốt công tác tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp luật sư. LĐLS đã thực hiện tốt vai trò là cầu nối vững chắc giữa Đảng, Nhà nước, xã hội và giới luật sư.

Chỉ tính trong 2 năm 2010 và 2011, số lượng vụ việc tham gia vào các vụ án hình sự là 32.234 vụ; dân sự là 27.449 vụ và trợ giúp pháp lý miễn phí 17.933 vụ việc; tham gia vào 76.404 vụ tư vấn trong các vụ việc khác…

 

Phiên họp thứ IX, Hội đồng luật sư toàn quốc. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Bên cạnh đó, LĐLS đã triển khai có kết quả nhiều công tác và hoạt động quan trọng có tính chất bản lề tạo sự chuyển biến mới trong tổ chức và hoạt động của LĐLS Việt Nam như thông qua Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư; công tác đào tạo, bồi dưỡng luật sư đã đi vào nề nếp.

Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế tiếp tục được mở rộng và có hiệu quả hơn trong việc thực hiện các Dự án hợp tác với nước ngoài như Dự án JPP, JICA và hợp tác với các Hiệp hội luật sư nước ngoài khác. Theo đó, vai trò, vị thế của LĐLS Việt Nam đã được khẳng định cả ở trong nước và quốc tế.

Đề cập đến phương hướng công tác và hoạt động của LĐLS Việt Nam, LS Lê Thúc Anh cho biết, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục tập trung vào công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp; thực hiện các nhiệm vụ chính trị; công tác tổ chức, quản lý thành viên; bảo vệ quyền lợi luật sư; đào tạo, bồi dưỡng luật sư; hợp tác quốc tế….

LĐLS đề xuất hoàn thiện mô hình tố tụng hình sự, trong đó tạo sự bình đẳng giữa luật sư với kiểm sát; nâng cao địa vị pháp lý của luật sư trong các quan hệ tố tụng để luật sư góp phần tích cực vào bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế và có thể phối hợp tốt với các cơ quan tố tụng trong việc thực hiện các chức năng nhiệm vụ của mình. Đồng thời, đề nghị Đảng, Nhà nước tạo điều kiện cho Liên đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao phó với vai trò là cầu nối vững chắc giữa Đảng, Nhà nước với giới luật sư, thể hiện trong Luật Luật sư và các văn bản dưới luật; đề nghị Ban Tổ chức Trung ương sớm có hướng dẫn việc thành lập tổ chức Đảng trong trong các Đoàn Luật sư để trong năm 2012 có thể thống nhất thực hiện trong cả nước.

Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận, phân tích về những mặt còn hạn chế của LĐLS. Đó là sự gắn kết giữa LĐLS và các Đoàn luật sư còn có một số việc chưa chặt chẽ, có nơi, có lúc còn chưa tốt. Tính chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa trong việc quản lý luật sư và thực hiện chế độ tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp luật sư cũng như công tác truyền thông còn bộc lộ nhiều hạn chế….Qua đó, các đại biểu đã kiến nghị nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, vai trò và vị trí của đội ngũ luật sư trong giai đoạn hiện nay.

Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Lê Thị Thu Ba - Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương nhấn mạnh: LĐLS ra đời đã đánh dấu bước phát triển quan trọng đối với nghề luật sư tại Việt Nam; tập hợp đoàn kết giới LSVN, thực hiện có hiệu quả vai trò tự quản góp phần vào bảo vệ công lý, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền, thực hiện hội nhập quốc tế và cải cách tư pháp.

Tuy nhiên, theo đồng chí Lê Thị Thu Ba, hoạt động của tổ chức LĐLS vẫn còn tồn tại những hạn chế, vướng mắc so với yêu cầu của đất nước như: Mối quan hệ gắn kết giữa các Đoàn luật sư với LĐLS chưa đảm bảo tất cả các yêu cầu theo quy định của pháp luật; đội ngũ luật sư phát triển nhanh về số lượng nhưng chưa đồng đều; một số luật sư trình độ còn hạn chế; một số ít còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp...

 

Đ/c Lê Thị Thu Ba - Phó Chánh Văn phòng TƯ Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực
Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TƯ phát biểu tại Phiên họp. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Vì vậy, tại phiên họp này, đồng chí Lê Thị Thu Ba đề nghị Hội đồng luật sư toàn quốc cần tập trung thảo luận kỹ về những mặt còn hạn chế, vướng mắc để kịp thời chấn chỉnh và thông tin cho dư luận thấy được sự đóng góp của đội ngũ luật sư trong thời gian qua cũng như vai trò và vị trí trong giai đoạn sắp tới.

Theo đó, cần tăng cường quản lý, đề cao trách nhiệm ý thức đạo đức nghề nghiệp của luật sư thông qua việc đào tạo giáo dục về đạo đức và nhận thức chính trị; tăng cường công tác kiểm tra giám sát hoạt động tổ chức hành nghề luật sư; nâng cao vai trò tự quản của Đoàn luật sư, LĐLS...hạn chế và đi tới chấm dứt những việc làm không đúng với đạo đức, trách nhiệm của luật sư; tăng cường mối quan hệ gắn kết giữa các đoàn luật sư với LĐLS; xây dựng cơ chế hợp lý để phát triển đội ngũ luật sư đều khắp các tỉnh, thành; từng bước bảo đảm tất cả các trường hợp tham gia tố tụng tại phiên tòa đều có luật sư trợ giúp. “Đây là yêu cầu cải cách sâu rộng và toàn diện đối với tổ chức và hoạt động của LĐLS” - đồng chí Lê Thị Thu Ba nhấn mạnh.

Đồng chí Lê Thị Thu Ba cho rằng, trong giai đoạn hội nhập quốc tế, đội ngũ luật sư cần thường xuyên cập nhật kiến thức, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, trau dồi ngoại ngữ để phù hợp với tình hình mới.

Đồng chí Lê Thị Thu Ba cho biết, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương sẽ phối hợp tích cực với LĐLS và các cơ quan tư pháp, cơ quan hữu quan liên quan để hoạt động của LĐLS ngày càng hoạt động theo đúng định hướng cải cách tư pháp của Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam