Mặc dù việc nuôi tôm hùm lồng tại biển Bình Sơn- Ninh Chử là hình thức nuôi tự phát, nhưng do mang lại hiệu quả kinh tế cao nên trong những năm gần đây số lượng hộ nuôi và lồng bè ngày một tăng lên. Hiện tại khu vực này có trên 40 hộ nuôi, thuộc 2 phường Đông Hải và Mỹ Hải thả nuôi với hai loại lồng chủ yếu là lồng bè nổi và lồng chìm. Chính việc mở rộng nuôi tôm hùm tự phát đã làm ảnh hưởng đến cảnh quan du lịch, môi trường biển tại khu vực bãi tắm được coi là điểm đến hấp dẫn nhất của tỉnh ta.
Nuôi tôm hùm lồng không theo quy hoạch ảnh hưởng đến mỹ quan du lịch biển.
Đứng từ bãi biển nhìn ra, cảnh hàng chục bè nuôi tôm hùm chỉ cách bờ chưa đầy 200m khiến nhiều du khách và người dân rất không đồng tình vì bãi biển đẹp đã không còn giữ được cảnh quan vốn có. Mặt khác, chính việc thả thức ăn xuống các lồng nuôi hằng ngày khiến chất cặn bã, dư thừa hòa trong nước làm tăng nguy cơ ô nhiễm... lâu dài tác động đến môi trường, khu quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh.
Để bảo vệ môi trường, đảm bảo cho việc phát triển du lịch biển nhưng không gây thiệt hại cho các hộ nuôi, từ tháng 12-2010, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản ở vịnh Phan Rang, với 3 tiểu vùng C1, C2, C3 tại những nơi thuận lợi cho hình thức nuôi nhốt các loại thủy sản trong lồng, bè (cách bờ biển khoảng 6 km về hướng Đông). Tuy nhiên, có nhiều lý do để các hộ nuôi không chịu di dời đến nơi quy hoạch.
Theo một số chủ bè nuôi tôm hùm lồng tại đây, hiện nay lượng tôm nuôi trong lồng rất nhiều, tôm đang độ lớn, chi phí đầu tư rất cao (từ 2 – 3 tỷ đồng/lồng), nếu di chuyển ngay thì nguy cơ bị sốc nước làm tôm chết và hỏng lồng gây thiệt hại, do đó muốn lùi thời gian di dời để xuất bán hết lứa tôm đang nuôi. Mặt khác, vị trí quy hoạch vùng nuôi mới người dân chưa rõ, chưa được nuôi thử nên sợ không thích hợp và là nơi thường xuyên có tàu thuyền đánh giã cào sợ ảnh hưởng đến chất lượng nuôi tôm hùm lồng.
Một số hộ còn “biện minh” cho rằng mình không vi phạm vì đã nuôi ở đây trên 10 năm nay…Chính vì thế, khi UBND thành phố ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thì có một số hộ đã không chấp hành, “trốn” không có mặt tại bè nuôi hoặc không ký vào biên bản...
Để giải quyết rốt ráo thực trạng nuôi tôm hùm trên vùng biển du lịch, ảnh hưởng đến môi trường và tác động tiêu cực đến quá trình kêu gọi đầu tư, phát triển kinh tế của tỉnh, UBND thành phố vừa thống nhất phương án cưỡng chế đối với những hộ vi phạm, cương quyết trả lại cảnh quan sạch, đẹp cho bãi biển Bình Sơn - Ninh Chử.
Theo đồng chí Trần Minh Nam, Chủ tịch UBND Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thành phố đã thành lập tổ công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện tháo dỡ, di dời lồng bè nuôi tôm hùm tại khu vực biển Bình Sơn-Ninh Chử. Qua vận động, đã có một số hộ tự giác chấp hành, di dời lồng nuôi đến nơi quy hoạch. Đối với những hộ cố tình dây dưa, chúng tôi sẽ cương quyết tháo dỡ, cưỡng chế theo quy định. Để thực hiện kế hoạch, UBND thành phố đề nghị Chi cục Khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản hỗ trợ xác định vị trí, kỹ thuật tháo dỡ, di dời; Chi cục Nuôi trồng thủy sản hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc tôm để đảm bảo không thiệt hại cho các hộ nuôi trong quá trình di chuyển đến nơi quy hoạch.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự quyết tâm cao của chính quyền địa phương cùng sự phối hợp của các cơ quan chức năng, tin rằng các hộ nuôi sẽ tự nguyện di dời lồng bè nuôi tôm hùm tới các địa điểm quy hoạch, trả lại vẻ đẹp, sự hấp dẫn vốn có của biển Bình Sơn-Ninh Chử, góp phần chung vào sự phát triển du lịch của tỉnh nhà.
Ngũ Anh Tuấn