Toàn cảnh cuộc họp báo. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Trong quý II/2012, Thanh tra Chính phủ đã ban hành 6 kết luận thanh tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bao gồm: Thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong quản lý vốn, tài sản tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam; Thanh tra công tác quản lý nhà nước trong việc liên doanh, liên kết đào tạo đại học, sau đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc liên doanh, liên kết đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội giai đoạn 2006 – 2010; Thanh tra công tác quản lý đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị tại Vĩnh Phúc; Thanh tra công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản tại Ninh Bình…
Trong đó, Thủ tướng đã có ý kiến đối với 4 kết luận thanh tra. Nếu tính từ đầu năm, Thủ tướng đã có ý kiến đối với 6 kết luận thanh tra.
Tổng hợp từ 6 cuộc thanh tra đã có ý kiến của Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 1.053 tỷ đồng, kiến nghị xử lý gần 2.000 tỷ đồng, chủ yếu là hạch toán sai quy định, chi không đúng đối tượng, trích khấu hao, tăng tỷ lệ góp vốn… xử lý hơn 155 ha đất. Thanh tra Chính phủ cũng đã chuyển cơ quan điều tra xem xét 1 vụ việc.
Thanh tra các bộ, ngành, địa phương cũng đã triển khai 6.029 cuộc thanh tra, kết thúc, ban hành kết luận 1933 cuộc, trong đó phát hiện vi phạm về kinh tế 2.981 tỷ đồng, 1.243 ha đất, kiến nghị xử lý hành chính hơn 400 tập thể, gần 700 cá nhân và chuyển cơ quan điều tra 22 vụ, 35 người.
Tiếp tục xem xét kết luận thanh tra ĐHQGHN
Tại cuộc họp báo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Sản cũng cho biết sau khi có kết luận thanh tra và ý kiến của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), Thường trực Chính phủ đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành, làm rõ những quan điểm khác nhau trong vấn đề áp dụng văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo giao các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét lại việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo, liên kết đào tạo sau đại học để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về quan điểm của mình.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ trao đổi thêm những vấn đề về chương trình, hình thức đào tạo với Bộ Giáo dục và Đào tạo; những vấn đề về tài chính trao đổi với Bộ Tài chính... Bên cạnh đó, cũng tiếp nhận các giải trình của ĐHQGHN về những vấn đề chưa được giải trình trước đây.
Khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng
Cũng tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Văn Kim, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp Chế, Thanh tra Chính phủ, cho biết Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng đang được khẩn trương hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua ngay trong kỳ họp thứ 4, diễn ra vào tháng 10/2012.
Ông Kim cho biết, dự thảo luật sẽ kế thừa quy định còn phù hợp, sửa đổi những quy định bất cập theo hướng mở rộng nội dung công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của một số lĩnh vực; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phòng, chống tham nhũng.
“Dự thảo sẽ có những quy định đầy đủ, chi tiết, chặt chẽ hơn về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu”, ông Nguyễn Văn Kim cho biết.
Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng sẽ hoàn thiện các quy định về kê khai tài sản, thu nhập theo hướng mở rộng đối tượng kê khai, hoàn thiện các cơ chế xử lý đối với việc kê khai không đúng, tài sản, thu nhập tăng lên mà không giải trình, kê khai được.
Quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XI, Dự thảo luật cũng sẽ sửa đổi quy định về cơ quan phòng chống tham nhũng, đặc biệt ở cấp trung ương và cấp tỉnh; quy định rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan trong việc phối hợp thực hiện phòng chống tham nhũng.
Dự thảo luật cũng sẽ quy định rõ vai trò của cơ quan báo chí trong việc đưa tin về những vụ việc tham nhũng, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc cung cấp thông tin, tài liệu, làm rõ hành vi tham nhũng; đề cao vai trò của toàn xã hội, các đoàn thể trong phòng chống tham nhũng.
Nguồn www.chinhphu.vn