Cần đổi mới, nhưng không gây khó trong thi, tuyển sinh

Sáng ngày 10-7, các thí sinh dự thi khối B, C, D hoàn thành môn thi cuối, cơ bản khép lại hai đợt thi đại học (ÐH) năm 2012. Ðây là kỳ thi thu hút sự quan tâm của toàn xã hội và để lại không ít những băn khoăn, trăn trở và lo lắng về tính hiệu quả của một số điểm đổi mới trong quy chế thi, tuyển sinh năm nay.

Thu hút sự quan tâm của toàn xã hội

Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), hai đợt thi ÐH có hơn 1,6 triệu thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có hơn 1,26 triệu thí sinh đến dự thi. Mặc dù là việc hằng năm, nhưng kỳ thi năm nay tiếp tục nhận được sự quan tâm, vào cuộc của ngành GD và ÐT cùng các cấp, các ngành và toàn xã hội. Trong đó, ngành GD và ÐT đưa ra một số điều chỉnh, chủ yếu nằm trong khâu tổ chức thi như: thực hiện tuyển thẳng học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT; bổ sung khối thi A1 gồm các môn Toán, Lý, tiếng Anh. Việc bổ sung cụm thi Hải Phòng và thí sinh dự thi tại cụm Vinh được đăng ký học các trường ÐH đóng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã giảm được hơn 24 nghìn thí sinh tập trung về Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, thí sinh có hộ khẩu thường trú tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP sẽ được xét tuyển vào ÐH, CÐ. Việc ra đề thi cũng được xác định dựa trên nguyên tắc đạt được các yêu cầu kiểm tra kiến thức, vừa sức, bảo đảm sự phân loại, không phải là ra đề thi quá khó đối với các thí sinh... Ðây là những thay đổi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người học và các cơ sở đào tạo, góp phần giảm tình trạng thí sinh tập trung quá đông ở các thành phố lớn; nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm; bảo đảm nguyên tắc dân chủ, công khai cho tất cả mọi người.

Các thí sinh sau khi làm bài thi tại Hội đồng thi Đại học Hà Nội

Với mỗi kỳ thi, việc "lên kinh ứng thí" của các thí sinh không phải ai cũng "xuôi chèo mát mái". Vì mỗi đợt thi có bao nhiêu thí sinh thi là có nhiều hơn bấy nhiêu sự kỳ vọng, trăn trở, lo âu... Với các sĩ tử và người nhà từ xa về các thành phố dự thi, không phải ai cũng có điều kiện để có thể tìm được chỗ ăn, ở tốt nhất. Tuy nhiên, những lo lắng, băn khoăn của các thí sinh và phụ huynh đã nhận được sự cộng đồng chia sẻ, giúp đỡ của toàn xã hội. Hội đồng tuyển sinh các trường đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thí sinh đến làm thủ tục dự thi. Nhiều trường đã chủ động bố trí nhiều chỗ ở và suất ăn miễn phí cho thí sinh ở xa đến dự thi.

Bên cạnh đó, những tấm lòng tương thân, tương ái, giúp đỡ các thí sinh lúc khó khăn được nhiều cá nhân, đoàn thể vào cuộc nhằm giúp đỡ các thí sinh yên tâm nỗ lực dự thi đạt kết quả cao. Hàng chục nghìn chỗ ở cùng hàng trăm nghìn suất ăn miễn phí, giá rẻ được các cá nhân, các hội đoàn thể cấp phát cho thí sinh và người nhà trong hai đợt thi. Ðiển hình như gia đình ông Ðặng Chư, trú tại 82 Lê Văn Hưu (TP Huế) đã nấu 2.400 suất cơm miễn phí và đón tiếp thí sinh đến ăn tại nhà mình trong ba ngày diễn ra kỳ thi. Ngoài ra, các thanh niên, sinh viên tình nguyện tích cực hỗ trợ công tác tổ chức thi như tham gia hướng dẫn thí sinh đi lại, tư vấn nơi ăn, chốn ở, giúp thí sinh và người nhà đến địa điểm thi thuận lợi, phối hợp lực lượng chức năng điều tiết trật tự giao thông. Chương trình tiếp sức mùa thi được triển khai hiệu quả ở 12 tỉnh, thành phố với kinh phí hơn bốn tỷ đồng; huy động 35 nghìn lượt thanh niên, sinh viên tình nguyện tham gia hỗ trợ tổ chức thi...

Quy chế mới thêm những bất cập mới

Kết thúc hai đợt thi ÐH năm nay, dù được ngành GD và ÐT đánh giá là an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế nhưng cũng để lại nhiều băn khoăn cho thí sinh, phụ huynh, cán bộ coi thi cũng như toàn xã hội. Tình trạng giả danh sinh viên tình nguyện, bắt chẹt thí sinh còn diễn ra ở một số nơi. Số thí sinh vi phạm quy chế còn nhiều. Nhất là tình trạng thí sinh mang điện thoại vào phòng thi, dù được nhắc nhở nhiều nhưng vẫn phạm quy, dù vô tình hay cố ý đều bị đình chỉ thi.

Ðáng chú ý, điều gây nhiều băn khoăn cho những người làm công tác thi cũng như dư luận xã hội nhất là việc bổ sung quy chế chỉ cách buổi thi đầu ít ngày, khiến các hội đồng thi lúng túng. Theo điều chỉnh bổ sung quy chế thì "thí sinh được mang vào phòng thi các loại máy ghi âm, ghi hình, máy ảnh chỉ có chức năng ghi thông tin, không truyền được thông tin ra ngoài phòng thi và người sử dụng không nghe được âm thanh, không xem được hình ảnh trực tiếp, tại chỗ nếu không có thiết bị hỗ trợ khác". Ðiều này gây nhiều phản ứng khác nhau, nhất là trong trường hợp xảy ra thí sinh mang thiết bị, máy móc quay, chụp vào phòng thi sẽ khó xác định được loại nào mang vào không vi phạm, loại máy nào vi phạm; hoặc việc xác định mất thời gian, rườm rà, gây tâm lý lo lắng cho cán bộ làm công tác thi.

Việc bổ sung quy chế của Bộ GD và ÐT dẫn đến việc có những hội đồng thi xử lý tình huống hết sức bị động. Theo Hiệu trưởng Trường ÐH Lâm nghiệp Trần Hữu Viên, sau khi có bổ sung quy chế thi của Bộ GD và ÐT, trường đã phải họp nhiều giờ và có hướng dẫn xử lý tình huống quy chế mới bằng quy định: Khi giám thị gọi thí sinh vào phòng thi, "cán bộ coi thi thông báo và yêu cầu từng thí sinh khai báo và trình các thiết bị, vật dụng mang vào phòng thi để cán bộ coi thi kiểm tra". Nếu giải quyết theo cách trên của Trường ÐH Lâm nghiệp thì quy chế trở nên vô nghĩa, vì thí sinh muốn tố cáo tiêu cực lại nói với người bị tố cáo thì khác nào "lạy ông tôi ở bụi này". Mặt khác, Hội đồng thi Trường ÐH Lâm nghiệp cũng quy định trong quá trình coi thi nếu phát hiện thí sinh mang thiết bị (được phép) thì phải viết cam đoan sau đó sẽ được thi tiếp. Ðiều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thời gian và tâm lý dự thi của thí sinh.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc bổ sung quy chế gây khó khăn cho các hội đồng thi. Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Lê Hữu Lập cho rằng: Kỳ thi ÐH, CÐ được đánh giá là nghiêm túc nhất hiện nay thì việc cho phép mang một số thiết bị vào phòng thi đã trở thành việc "nghi ngờ" các hội đồng thi. Mặt khác, việc cho thí sinh mang một số thiết bị vào phòng thi khiến cho các điểm trong quy chế thi bị "đá" nhau. Vì thí sinh mang thiết bị (được cho phép) vào phòng thi có thể ghi hình hoặc chụp đề thi; hết hai phần ba thời gian, thí sinh nộp bài ra về sẽ dẫn đến việc đề thi được đưa ra ngoài "hợp pháp". Trong khi đó cũng trong quy chế lại quy định, sau hai phần ba thời gian thí sinh được ra về nhưng phải nộp bài và đề thi. Ðiều đó cho thấy cần có những tính toán phù hợp trong việc thay đổi các quy định liên quan kỳ thi.

Có thể nói, hai đợt thi ÐH khép lại, mang theo những băn khoăn, trăn trở cũng như những niềm vui, những tiếc nuối khác nhau của mỗi thí sinh, phụ huynh, những người làm công tác thi tuyển sinh và toàn xã hội. Một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, hiệu quả là mong muốn của ngành GD và ÐT cũng như toàn xã hội nhưng cần có những đổi mới hợp lý, thiết thực, hiệu quả từ phía ngành GD và ÐT. Nhiều ý kiến cho rằng, những năm gần đây, công tác thi cử có một số đổi mới hợp lý, nhưng để có một kỳ thi an toàn, nghiêm túc và hiệu quả thật sự cần có những đột phá mang tính "cách mạng" chứ không phải mỗi kỳ thi lại có vài điều điều chỉnh, bổ sung theo sự kiện để các hội đồng thi cũng như thí sinh phải "vã mồ hôi hột" triển khai, kéo theo những lo lắng, băn khoăn, trăn trở.

Nguồn Báo Nhân Dân