Tham dự cuộc họp báo cùng Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh sau cuộc hội đàm chiều 10/7, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton bày tỏ sự vui mừng khi trở lại Việt Nam lần này. Đây là lần thứ 3 bà đến Việt Nam trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ và là lần thứ 4, nếu kể cả chuyến đi cùng ông Bill Clinton năm 2000.
"Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên tôi tới Việt Nam vào năm 2000 khi tôi cùng đi với chồng tôi, khi đó ông ấy vẫn còn là tổng thống Mỹ. Tôi thấy rất vui về những điều đã làm được, về những thay đổi ở Việt Nam" – bà Clinton nhấn mạnh.
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp Ngoại trưởng Mỹ tại Hà Nội ngày 10/7. (Ảnh AFP)
Thông báo về kết quả cuộc hội đàm với ngoại trưởng Mỹ, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định, 2 bên đã có buổi làm việc hữu ích, cởi mở, thắng thắn về các vấn đề song phương cũng như mối quan hệ chung trong khu vực. Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho rằng, 2 bên hài lòng về những thành tựu trong quan hệ Việt – Mỹ thời gian qua cũng và tin tưởng mối quan hệ còn nhiều tiềm năng để phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo...
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam cũng thông tin thêm, cùng đi với ngoại trưởng Mỹ có hơn 20 doanh nghiệp của nước này, sẽ giúp mở ra những cơ hội kinh doanh và đầu tư. 2 bên cũng cam kết tiếp tục đẩy mạnh hoạt động trong lĩnh vực kinh tế cũng như giải quyết hậu quả chiến tranh, rà phá bom mìn, khắc phục những ảnh hưởng từ chất độc hóa học dioxin.
“Chúng tôi cũng tích cực hội đàm về những vấn đề còn nhiều quan điểm khác biệt. Chúng tôi trao đổi về việc xây dựng duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, an toàn, an ninh hàng hải ở Biển Đông. Hai bên cùng nhất trí rằng tranh chấp chủ quyền cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, đồng thời tuân thủ Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên tại Biển Đông được ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc” – bộ trưởng Phạm Bình Minh thông báo.
Tán thành nhận định này, nữ ngoại trưởng Mỹ cho biết đặc biệt quan tâm đến vấn đề đảm bảo an ninh hàng hải, không phổ biến vũ khí, đẩy mạnh hợp tác, phát triển kinh tế với Việt Nam và khu vực. Phía Mỹ cam kết sẽ tiếp tục giải quyết hậu quả của chất độc da cam, rà phá bom mìn.
"Chúng tôi đã làm việc tích cực đảm bảo rằng Hoa Kỳ đang giải quyết những di sản của chiến tranh để lại. Chúng tôi đã có những cam kết gia tăng tài chính....Về lĩnh vực tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh (MIA), Hoa Kỳ đánh giá cao sự hợp tác của Việt Nam trong hai thập kỷ qua, những nỗ lực đã bắt đầu từ trước khi bình thường hóa quan hệ, trước năm 1995. Năm 2000, tôi đã đến đây cùng chồng tôi khi đó là Tổng thống và quan sát công việc của đội tìm kiếm MIA.Thông qua nỗ lực này, đã có gần 700 hài cốt được trao trả song hiện vẫn còn 1300 người vẫn mất tích. Hai bên sẽ còn nhiều việc phải làm..."- nữ bộ trưởng nhấn mạnh.
Bà Hillary Clinton ghi nhận, Việt Nam đang thể hiện vai trò quan trọng trong tiểu vùng sông Mekong và khu vực Đông Nam Á.
“Tới đây, cùng tham dự hội nghị ở Campuchia, chúng tôi sẽ trao đổi về các vấn đề trong khu vực, về những đóng góp của Việt Nam trong việc nỗ lực có được giải pháp ngoại giao để làm giảm căng thẳng, giữ gìn an ninh ở biển Đông. Chúng tôi cũng hi vọng các nước trong khu vực đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về việc thống nhất Bộ Quy tắc ứng xử để đảm bảo bất cứ khi có vấn đề nảy sinh trên biển Đông, vấn đề sẽ được giải quyết hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế” – ngoại trưởng Mỹ phát biểu.
Sau cuộc họp báo, ngoại trưởng Mỹ đến thẳng Đại học Ngoại thương Hà Nội để dự lễ kỷ niệm 20 năm chương trình học bổng Fulbright. Buổi chiều cùng ngày, bà Clinton tham dự sự kiện của Hội đồng doanh nghiệp Mỹ - ASEAN.
Bà Hillary Clinton thăm Việt Nam trong khuôn khổ chuyến công du 8 nước (Pháp, Nhật Bản, Mông cổ, Việt Nam, Lào, Campuchia, Ai Cập và Israel) của Ngoại trưởng Mỹ. Bà Hillary Clinton thăm Việt Nam không lâu sau chuyến thăm chính thức của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta hồi đầu tháng 6 vừa qua.
Đầu năm nay, hai bên cũng đã tiến hành Đối thoại Chính trị - An ninh - Quốc phòng.
Nguồn dantri.com.vn