Lịch sử ngả mũ trước Roger Federer

Trở lại ngôi số 1 thế giới ở tuổi 31, Roger Federer chính là tay vợt lớn tuổi thứ hai trong lịch sử quần vợt (sau Andre Agassi) lên ngôi cao nhất ATP. Huyền thoại, đó là cách người ta sẽ gọi Federer sau chiến tích kỳ diệu này, cho dù từ “huyền thoại” dường như vẫn chưa đủ biểu thị hết sự vĩ đại của anh.

Tính từ sau chức vô địch Australia mở rộng 2010 đến trước Wimbledon 2012, Roger Federer đã trải qua 9 Grand Slam liên tiếp trắng tay. Trong chuỗi những thất bại cay đắng ấy, FedEx đã 4 lần thua Djokovic, 2 lần bại trước Nadal, và số còn lại là những trận thua trước Soderling, Berdych, Tsonga.

9 Grand Slam liên tiếp, 0 danh hiệu, đó vốn dĩ không phải thói quen của Roger Federer. Trong quãng thời gian ấy, đã từng có không ít người nghiêm túc nói với FedEx hai từ “giải nghệ”. Federer nói, mơ ước duy nhất của anh là vượt Pete Sampras về số danh hiệu vô địch Grand Slam. Anh đã làm được. Vậy Tàu tốc hành còn nuối tiếc gì nữa mà không quyết định dừng ở ga cuối, khi tên tuổi của anh vốn dĩ đã là một huyền thoại?

Bộ sưu tập Grand Slam của Federer

Nhưng câu chuyện về sự vĩ đại mà Federer cố viết nốt những chương cuối rốt cuộc cũng có kết quả. Chắc hẳn sẽ có không ít người nói rằng, FedEx may mắn tại Wimbledon 2012 vì Nadal bỗng dưng chấn thương và bị loại sớm. Nhưng đừng quên, để có tên trong trận chung kết, Federer đã hạ chính Novak Djokovic, tay vợt 4 lần ngăn anh chạm đến vinh quang tại những Grand Slam trước đó.

Thành tích này chẳng phải chính là sự biểu thị mạnh mẽ nhất cho nỗ lực của FedEx hay sao? Và còn Murray nữa. Chiến đấu và chiến thắng cả nước Anh đâu phải chiến tích tầm thường.

Vậy nên chuyện Roger Federer chính thức trở lại ngôi số 1 thế giới ở tuổi 30 và 335 ngày, trở thành tay vợt lớn tuổi thứ 2 sau Agassi (33 tuổi, 131 ngày) hoàn toàn xứng đáng với từ “vĩ đại”. FedEx đã khóc trong thời khắc mà tên tuổi của anh đi vào lịch sử như một minh chứng cho tinh thần chiến đấu không bao giờ bỏ cuộc.

Những kỷ lục tưởng như sẽ tồn tại suốt chiều dài lịch sử tennis (286 tuần số 1 thế giới và 7 danh hiệu Wimbledon của Sampras) cuối cùng đã bị Federer san bằng. Roger vĩ đại tới mức, ngay cả những người không yêu thích anh cũng buộc phải cân nhắc lại xem có nên thế nữa hay không. Bởi ghét một tượng đài không biết đến bao giờ mới bị xô đổ, thiệt thòi vô cùng.

Murray cũng đi vào lịch sử

Thua Federer trong trận chung kết Wimbledon 2012, Andy Murray đã cán đích “thành công” một kỷ lục buồn: Trở thành tay vợt thứ 3 trong lịch sử thua 4 trận chung kết Grand Slam liên tiếp. Hai nhân vật còn lại giữ kỷ lục buồn này là Andy Roddick và… ông thầy đáng kính của Murray, Ivan Lendl. Trò đi theo dớp của thầy!

Kỷ lục gia FedEx

- 17 Grand Slam: Wimbledon 2003 đến 2007, 2009, 2012; U.S Open 2004 đến 2008; Australian Open 2004, 2006, 2007, 2010; Rolland Garros 2009.

- Năm 2003, trở thành tay vợt Thụy Sỹ đầu tiên trong lịch sử lên ngôi tại một Grand Slam, sau khi đánh bại Mark Philippoussis trong trận chung kết Wimbledon.

- Là tay vợt duy nhất vô địch 5 lần liên tiếp tại hai Grand Slam khác nhau: Wimbledon và U.S Open.

- Là tay vợt đầu tiên trong lịch sử tennis lập cú đúp vô địch tại Wimbledon và U.S Open trong 4 năm liên tiếp.

- Sau khi vô địch Pháp mở rộng năm 2009, Federer trở thành tay vợt thứ 6 trong lịch sử sưu tập đủ 4 Grand Slam.

- Phá vỡ kỷ lục giành tổng số 14 Grand Slam của Pete Sampras năm 2009. Hiện tại FedEx đã có 17 Grand Slam.

- Năm 2012, trở thành tay vợt đầu tiên trong lịch sử 8 lần lọt vào chung kết Wimbledon.

- Là chủ nhân của kỷ lục giữ vững ngôi số 1 thế giới đơn nam trong 237 tuần liên tiếp.

- Federer đang giữ kỷ lục bất bại trong 24 trận chung kết liên tiếp. Kỷ lục này bị xô đổ vào năm 2005, sau khi Tàu tốc hành Thụy Sỹ thua David Nalbandian trong trận chung kết Master Cup. Anh kết thúc năm 2005 với thành tích 81 trận thắng, 4 trận thua - cũng đồng thời là một kỷ lục vào thời điểm đó.

- Năm 2006, Federer tiếp tục ghi tên ở một kỷ lục khác: Lọt vào cả 4 trận chung kết Grand Slam trong năm. Cùng năm đó, Federer tạo nên kỷ lục thắng 65 trận liên tiếp trên mặt sân cỏ.

- Năm 2008, lần đầu tiên trong sự nghiệp Federer giành Huy chương vàng tại Olympic (đánh đôi, cùng Wawrinka).

Nguồn Bongdaplus.vn