Xã Phước Diêm có 370 đối tượng chính sách, người có công, trong đó có 7 mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH), 1 Anh hùng Lực lượng vũ trang, 32 thương, bệnh binh, 96 gia đình liệt sĩ. Được sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, hàng năm, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của xã luôn vận động được số tiền vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Bà Hồ Thị Đắc bệnh binh sẵn sàng giúp đỡ mọi người.
Riêng năm 2011, quỹ đã vận động được hơn 14 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, UBND xã đã kịp thời hỗ trợ, tặng quà thăm hỏi, động viên cho các gia đình thương binh, liệt sĩ và tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhân các ngày lễ, tết. Được sự hỗ trợ từ nguồn quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh và huyện, năm 2011, xã Phước Diêm đã xây dựng và sửa chữa được 21 nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách, trong đó xây mới 15 căn và sửa chữa 6 căn. Điều đáng ghi nhận là mỗi căn nhà được xây dựng và sửa chữa, ngoài số tiền hỗ trợ, các tổ chức đoàn thể và người dân tình nguyện đóng góp hàng trăm ngày công để giúp đỡ các gia đình chính sách vì vậy những căn nhà tình nghĩa được khang trang và thắm tình người hơn. Mọi công tác giải quyết, chi trả chế độ chính sách cho các đối tượng cũng được UBND xã Phước Diêm chỉ đạo giải quyết kịp thời, đúng quy định. Năm 2011, xã đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 89 người và đưa 10 đối tượng người có công đi chăm sóc sức khỏe tại Trung tâm điều dưỡng tỉnh.
Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, các trường học đều có hoạt động nhận chăm sóc, phụng dưỡng mẹ VNAH, gia đình liệt sĩ neo đơn. Vào các dịp lễ, tết trong năm, đặc biệt là kỷ niệm ngày Thương binh- liệt sĩ, thanh niên, học sinh đều tổ chức đến thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách, làm vệ sinh, quét vôi, tu sửa đài liệt sĩ, nhà lưu niệm, mộ các mẹ VNAH.
Điều đáng mừng hơn cả là bản thân các thương, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ ở Phước Diêm luôn gương mẫu và là những tấm gương sáng, tiêu biểu tại khu dân cư. Chị Trần Thị Thanh Xuân, cán bộ chuyên trách công tác Lao động-Thương binh và Xã hội xã Phước Diêm cho biết: “Các gia đình thương, bệnh binh, đối tượng chính sách luôn là những người đi đầu trong mọi phong trào cách mạng của xã. Họ gương mẫu chấp hành nội quy của làng, của xã, động viên con cháu học tập tốt và có lối sống lành mạnh. Đặc biệt, nhiều gia đình tuy được ở trong diện miễn giảm nhưng họ vẫn tự nguyện đóng góp cho các loại quỹ, từ đó đã có sự tác động để những người khác noi theo. Có những thương binh tuy tuổi đã cao, sức khỏe yếu nhưng vẫn hăng hái tham gia các hoạt động đoàn thể, không ít người còn “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Một trong những thương binh tiêu biểu là bà Lê Thị Kim Thanh. Tuy đã gần 70 tuổi nhưng là thành viên của tổ tự quản tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở thôn. Hay, ông Phạm Văn Đứng, bản thân là tù đày, có con là liệt sĩ, tuy đã trên 70 tuổi nhưng vẫn tham gia nhiệt tình công tác của Hội Người cao tuổi. Nhân dịp tết cổ truyền năm 2012, ông còn vận động con cháu và tự mình bỏ tiền mua hàng trăm ký gạo tặng cho các gia đình nghèo trong xã. Theo lời kể của bà con thôn Lạc Tân, chúng tôi tìm đến nhà của bệnh binh Hồ Thị Đắc, người phụ nữ có tấm lòng nhân ái luôn sẵn sàng giúp đỡ những người nghèo, những mảnh đời bất hạnh ở địa phương. Bà Đắc năm nay đã gần 70 tuổi, gia đình bà cũng hết sức khó khăn, đến cuối năm 2011 bà mới được hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa. Thế nhưng, không những gương mẫu ủng hộ phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, bà còn đứng ra vận động bà con quyên góp giúp đỡ những người nghèo, neo đơn trong làng.
Sự tham gia tích cực của cán bộ, nhân dân trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa” cùng với sự nỗ lực vươn lên khắc phục khó khăn của chính các đối tượng chính sách là động lực để xã Phước Diêm ngày càng phát triển hơn trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội.
Bích Thủy