Phản ứng mạnh khi châu Âu hạ lãi suất về 0%

JPMorgan Chase, Goldman Sachs và BlackRock đều đóng cửa các quỹ thị trường tiền tệ ở châu Âu sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ lãi suất tiền gửi xuống 0%.

 
 Ảnh minh họa

JPMorgan, nhà cung cấp dịch vụ quỹ thị trường tiền tệ lớn nhất thế giới, vừa ra thông báo tới khách hàng cho biết sẽ không chấp nhận tiền gửi mới đối với các quỹ thị trường tiền tệ bởi mức lãi suất hiện nay sẽ khiến nhà đầu tư bị lỗ. Quỹ GS Euro Government Liquid Reserves của Goldman Sachs ngừng nhận tiền và 2 quỹ đầu tư ở châu Âu của BlackRock cũng hạn chế nhận tiền gửi mới.

Trong bối cảnh các lãi suất trên toàn thế giới bị giảm xuống mức thấp kỷ lục, các quỹ đã phải rất cố gắng để tạo ra lợi nhuận cho các tài sản của khách hàng. Các nhà quản lỹ quý phải giảm bớt phí cho khách hàng, thậm chí là ngừng hoạt động này.

Tính đến ngày 5/7, 5 quỹ thị trường tiền tệ của JPMorgan có giá trị 23,7 tỷ euro (tương đương 29,2 tỷ USD). Theo thông tin được đăng tải trên website của JPMorgan, đợt cắt giảm lãi suất vừa qua khiến hầu như tất cả các khoản đầu tư đều bị thua lỗ, bởi vậy JPMorgan muốn hạn chế các tài khoản mới nhằm bảo vệ lợi nhuận cho các khách hàng hiện có.

Trong khi đó, BlackRock cũng hạn chế mở tài khoản mới đối với 2 quỹ Institutional Euro Liquidity Fund và Institutional Euro Government Liquidity. Theo người phát ngôn của BlackRock, hãng này vẫn đang tiếp tục xem xét tình hình và đánh giá các lựa chọn nhằm đem lại lợi nhuận tốt nhất cho nhà đầu tư.

Không chỉ ở châu Âu, điều tương tự cũng đã xảy ra đối với ngành quản lý quỹ trị giá 2,5 nghìn tỷ USD của nước Mỹ sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ giữ lãi suất ở mức gần 0 suốt từ tháng 12 năm 2008 tới nay. Doanh thu của ngành này sụt giảm mạnh, từ 12,5 tỷ USD trong năm 2008 xuống chỉ còn 4,7 tỷ USD trong năm nay.

Chứng khoán châu Á “đỏ sàn”

Sắc đỏ” tiếp tục nhấn chìm hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á trong phiên giao dịch ngày 6/7, khi mà quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản của ECB và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) không đủ mạnh để trấn an tâm lý của giới đầu tư trước khi Chính phủ Mỹ công bố báo cáo về việc làm vào cuối ngày.

Kết thúc phiên này, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 59,05 điểm, tương đương 0,65%, xuống còn 9.0120,75 điểm.

Trong khi đó, tại thị trường Seoul của Hàn Quốc và Sydney của Australia, hai chỉ số Kospi và S&P/ASX200 cũng lần lượt mất 17,29 điểm (0,92%) và 11,4 điểm (0,27%), xuống còn 1.858,20 điểm và 4.157,8 điểm.

Đáng chú ý là giá cổ phiếu của tập đoàn điện tử danh tiếng “Xứ kim chi” Samsung Electronics cũng giảm, bất chấp việc công bố lợi nhuận hoạt động tăng cao kỷ lục trong quý 2/2012.

Cũng trong phiên giao dịch 5/7, các thị trường chứng khoán châu Âu lại biến động trái chiều, khi tâm lý của các nhà kinh doanh bị đan xen bởi động thái mới nhất của ECB và số liệu kinh tế yếu kém của Mỹ, cũng với hy vọng rằng trước tình hình này, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tiến gần hơn tới quyết định tung ra đợt nới lỏng có định lượng mới (QE3).

Giá vàng giảm

Vàng phản ứng tiêu cực với việc ECB hạ lãi suất. Sau quyết định giảm lãi suất của ECB vàng trồi sụt mạnh, giá tăng lên mức cao nhất trong ngày 1623.5 USD sau quyết dịnh giảm lãi suất của ECB và Ngân hàng Trung ương Trung quốc, tuy nhiên giá nhanh chóng quay đầu giảm mạnh xuống mức 1597.25 USD.

So với thứ Sáu tuần trước, hiện vàng vẫn cao hơn 4% trước kỳ vọng Fed sẽ có hành động sau khi số liệu sản xuất của Mỹ trong tháng 6 giảm mạnh lần đầu tiên trong 3 năm qua.

Nhu cầu mua vàng phòng chống lạm phát đang rất yếu khi triển vọng kinh tế tăng trưởng chậm lại.

Frank McGhee thuộc IBS Metals cho biết, giảm phát đang là là mối lo ngại của các nhà đầu tư vàng.

Nguồn Chinhphu.vn