Thể lệ Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam”

(NTO) Thực hiện Kế hoạch số 31 - KH/TU, ngày 10-5-2012 và Quyết định số 1089-QĐ/TU, ngày 20-6-2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam”; căn cứ cuộc họp ngày 25-5-2012 của Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành Thể lệ cuộc thi như sau:

I. Mục đích cuộc thi

- Thiết thực hưởng ứng “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào 2012”, chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 35 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị hợp tác giữa hai nước.

- Góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, nhất là cho thế hệ trẻ của hai nước về tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào- Việt Nam trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước.

- Vun đắp tình hữu nghị thuỷ chung giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt – Lào; đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc, bóp méo lịch sử, gây chia rẽ tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào của các thế lực thù địch.

II. Đối tượng dự thi: Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, sinh viên, học sinh, người lao động và nhân dân trong tỉnh; cán bộ, chiến sĩ khối lực lượng vũ trang; người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại tỉnh Ninh Thuận.

III. Hình thức thi: Thi Viết

a. Quy định về bài dự thi:

Bài dự thi của tác giả (hoặc đồng tác giả) phải là các tác phẩm chưa được công bố ở bất kỳ báo, tạp chí, sách.... và phải chuyển tải được ít nhất một trong các nội dung dưới đây:

+ Những nhân tố hình thành, quyết định mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.

+ Tình cảm gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào trong những năm tháng chiến tranh trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay.

+ Vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cay xỏn Phômvihản, Chủ tịch Xuphanuvông và các nhà lãnh đạo cấp cao của hai Đảng, hai Nhà nước trong quá trình xây dựng và phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào - Việt Nam.

+ Những thành tựu có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào- Việt Nam.

+ Những kỷ niệm sâu sắc về tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Lào trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

+ Những biểu hiện sinh động của mối quan hệ đoàn kết, gắn bó thủy chung, son sắc của hai dân tộc Việt Nam - Lào dưới sự lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước trong những năm qua.

+ Những kinh nghiệm quý báu về việc gìn giữ, củng cố, phát huy truyền thống hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào.

+ Tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát huy mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào - Việt Nam trong lịch sử của hai dân tộc và trên những chặng đường phát triển mới.

+ Những cảm nghĩ về nền văn hóa, về đất nước và con người Lào.

+ Cần làm gì để gìn giữ, phát huy tình cảm hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào.

+ Tại sao hai dân tộc Việt Nam – Lào phải yêu thương gắn bó chặt chẽ với nhau.

- Bài dự thi sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt. Có thể viết tay hoặc đánh máy, với dung lượng tối đa 4.000 từ; không hạn chế việc sử dụng ảnh để minh họa thêm bài dự thi.

Nếu bài dự thi đánh máy: Sử dụng font chữ Times New Roman, cỡ chữ 14 và in trên giấy A4.

- Bài dự thi phải ghi rõ ở trang đầu các thông tin cá nhân: họ tên, tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp, số điện thoại của tác giả (hoặc đồng tác giả).

- Bài dự thi không hợp lệ nếu sao chép dưới mọi hình thức.

b. Thời gian, địa chỉ gửi bài dự thi:

- Thời gian: Hạn cuối cùng nộp bài dự thi là ngày 30/9/2012.

- Nơi nhận bài dự thi:

Địa chỉ: Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, 13 Lê Hồng Phong, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.

Điện thoại: 068.3822789

Fax: 068.3822677

c. Chấm thi:

Ban Sơ khảo cuộc thi cấp tỉnh tổ chức chấm, lựa chọn tối đa 50 bài dự thi đạt kết quả tốt gửi về Ban Tổ chức Cuộc thi cấp Trung ương.

IV. Tài liệu tham khảo

1. Đề cương tuyên truyền Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào 2012.

2. Mục Chuyên trang Việt – Lào tại địa chỉ: http://www.tuyengiao.vn.

3. Tài liệu chính thống của các Nhà xuất bản như: báo, tạp chí, sách...

V. Cơ cấu giải thưởng

1. Giải thưởng cấp tỉnh

Trong 50 bài dự thi gửi về Ban Tổ chức cuộc thi cấp Trung ương, Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh sẽ chọn trao thưởng 01 giải nhất, 02 giải nhì, 03 giải ba và 44 giải khuyến khích. Trong đó:

- 01 giải nhất: 1.000.000 đồng

- 02 giải nhì, mỗi gải: 500.000 đồng

- 03 giải ba, mỗi giải: 300.000 đ/giải

- 44 giải khuyến khích, mỗi giải: 100.000 đồng

2. Giải thưởng cấp Trung ương bao gồm:

- 01 giải nhất: 30.000.000 đồng

- 02 giải nhì, mỗi giải: 15.000.000 đồng

- 05 giải ba, mỗi giải: 10.000.000 đồng

- 30 giải khuyến khích, mỗi giải: 5.000.000 đồng

- Một số giải khác (có phần thưởng của Ban Tổ chức cuộc thi).

VI. Thông báo kết quả và trao thưởng

Những tác phẩm đạt giải cấp Trung ương sẽ được Ban Tổ chức cuộc thi cấp Trung ương thông báo và sẽ được trao giải tại buổi Lễ Tổng kết cuộc thi của hai nước Việt Nam – Lào tại Bản Đông, tỉnh Savanakhệt (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào).

Ban Tổ chức Cuộc thi cấp Trung ương đài thọ vé tàu, xe và bố trí ăn, ở cho thí sinh đến nhận giải thưởng.

VII. Tổ chức thực hiện

Các thành viên trong Ban sơ khảo chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác, khách quan của mình trong việc xét chọn các tác phẩm, tác giả dự thi xuất sắc nhất.