Chuyển biến về nhận thức, cách làm

Theo nhận định của Ban chỉ đạo (BCĐ), thời gian qua, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đạt được kết quả tích cực. Ở khu vực Đồng bằng sông Hồng, một số nơi như Hà Nội, Thái Bình... đã làm tốt công tác dồn điền đổi thửa, đưa cơ giới hóa vào sản xuất; khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã gắn xây dựng NTM với phát triển những cánh đồng mẫu lớn. Ở khu vực miền núi, người dân hăng hái làm đường giao thông, nhà văn hóa… nên "bức tranh" về xây dựng NTM đã khởi sắc hơn.

Nhiều mô hình, cách làm hay

Báo cáo nhanh của Văn phòng Điều phối BCĐ TƯ Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM, đến hết tháng 6-2012, 100% cán bộ cấp tỉnh, TP, cán bộ huyện và 20% cán bộ xã trong diện triển khai trước đã được tập huấn; 15/63 tỉnh đã tập huấn cho toàn bộ cán bộ xã, thôn về NTM; hơn 65% số xã đã phê duyệt quy hoạch chung (tăng 5% so với tháng 3). Các địa phương đã giải ngân được 3.314 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như trường học đạt chuẩn, kiên cố hóa hệ thống giao thông, kênh mương, điện, xóa nhà tạm… Ngoài nguồn vốn 220 tỷ đồng của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, các địa phương đã dành gần 112 tỷ đồng xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân.

Đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp tại xã Thụy Hương (Chương Mỹ). Ảnh: Bá Hoạt

Ông Lê Huy Ngọ, cố vấn BCĐ Chương trình MTQG xây dựng NTM nhận định, kiểm tra tiến độ xây dựng NTM tại các địa phương cho thấy sự chuyển biến lớn về nhận thức của cán bộ và người dân trong việc tham gia xây dựng NTM. "Tại xã Khánh Phú, tỉnh Ninh Bình, người dân tích cực làm NTM và chỉ trong một thời gian rất ngắn đã hoàn thành được 16-17 tiêu chí. Còn ở các tỉnh miền núi, người dân say với phong trào làm đường giao thông, nhà văn hóa. Họ sẵn sàng góp công, hiến đất để mở đường" - ông Ngọ cho biết. Đại diện Bộ Giao thông vận tải, ông Phạm Huy Chất cũng khẳng định, ý thức về xây dựng NTM ở nhiều địa phương đã nâng cao hơn trước. "Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã hỗ trợ tỉnh Hà Nam làm đường giao thông nông thôn, dưới hình thức giao 120.000 tấn xi măng cho địa phương tự xây dựng. Từ đây, người dân đã tham gia đóng góp thêm, có địa phương nhân dân tự nguyện đóng góp mỗi khẩu 3 triệu đồng, nhiều hộ còn dịch hàng rào vào để đường ngõ xóm rộng hơn".

Tháo gỡ khó khăn, nhân rộng điển hình

Cũng theo ông Lê Huy Ngọ, ngoài những đề xuất đang trình Chính phủ sửa đổi, quá trình triển khai thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM cũng cần linh hoạt với đặc thù từng vùng miền và địa phương. Hiện nay, việc quy định mỗi xã có một nghĩa trang tập trung là chưa phù hợp với các xã miền núi bởi diện tích mỗi xã khu vực này rộng hàng chục kilômét vuông, trong khi đường giao thông, phương tiện chuyên chở khó khăn, người dân không thể đưa người chết đi chôn xa được. Mặt khác, việc xây dựng NTM với các xã có đồng bào dân tộc thiểu số như thế nào trong bộ tiêu chí cũng chưa được quy định rõ nên một số địa phương còn lúng túng. Văn hóa của người Mông, người Tày, người Thái và người Kinh khác nhau, vì vậy nếu áp theo quy định nhà văn hóa, đường giao thông, trường học phải đạt chuẩn là chưa phù hợp...

Tương tự với hai vùng duyên hải miền Trung và khu vực miền núi. Đây là hai vùng triển khai NTM còn rất lúng túng. BCĐ cần phải tổ chức giao ban riêng với hai vùng này. Đặc biệt, không nên "ép" tiến độ với các tỉnh miền núi bởi ở đó điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, cán bộ năng lực hạn chế để tránh việc xây dựng NTM qua loa cho xong, không bảo đảm chất lượng.

Kế hoạch triển khai chương trình trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, tập huấn, chỉ đạo công tác quy hoạch, xây dựng đề án, xây dựng cơ sở hạ tầng, dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, xây dựng đời sống văn hóa… Trong tháng 6 và tháng 7, các địa phương, các bộ, ngành phải bám sát vào thông báo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, hoàn thiện văn bản pháp lý về NTM, trong đó tập trung vào sửa tiêu chí và các hướng dẫn thực hiện. Sắp tới, BCĐ sẽ họp đánh giá về công tác quy hoạch nhằm rút ra cách làm, đánh giá chất lượng quy hoạch và hướng dẫn triển khai quy hoạch đến người dân như thế nào cho hiệu quả.

* Đến nay cả nước đã có xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai công bố đạt 19 tiêu chí; 1,2% số xã đạt từ 15-18 tiêu chí; 3,3% số xã đạt từ 11-14 tiêu chí; 13% số xã đạt từ 7-10 tiêu chí; 82,5% số xã đạt dưới 7 tiêu chí.

* Ngày 29-4-2012, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định bố trí vốn 1.700 tỷ đồng (1.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển; 700 tỷ đồng vốn sự nghiệp kinh tế) từ nguồn ngân sách TƯ để hỗ trợ các địa phương triển khai xây dựng chương trình NTM.

Nguồn Báo Hànộimới