Bên cạnh đó, cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành cộng với quyết tâm vượt khó và chủ động trong điều hành sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp... đã góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến tích cực trong ổn định cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Chế biến đá Granite xuất khẩu tại Công ty TNHH Thương mại Tân Sơn Hoa Cương (Ninh Hải).
Ảnh: Văn Miên
Theo đánh giá của Cục Thống kê tỉnh, 6 tháng đầu năm nay, tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) theo giá so sánh 1994 tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó khu vực nông, lâm và thủy sản tăng 5,9% (riêng nông, lâm nghiệp tăng 4,2%, thủy sản tăng 8,1%), khu vực công nghiệp-xây dựng tăng 12% (công nghiệp tăng 12,1%, xây dựng tăng 11,7%) và khu vực dịch vụ tăng 13,4%. Nếu tính theo giá hiện hành, tổng sản phẩm trong tỉnh 6 tháng đầu năm đạt trên 5.070 tỷ đồng, trong đó khu vực nông- lâm- thủy sản chiếm 46,3% (2011 chiếm 47,1%) khu vực công nghiệp- xây dựng chiếm 19,57% (2011 chiếm 19,6%) và nhóm ngành dịch vụ chiếm 34,1% (2011 chiếm 33,2%). Nhìn chung, các nhóm ngành đều có sự tăng trưởng “dương”. Mặc dù tốc độ tăng trưởng chung không đạt theo kế hoạch đề ra (14~15%) nhưng trong khó khăn chung của kinh tế cả nước cũng như trong tỉnh có thể nói đây là mức tăng trưởng đáng khích lệ.
Đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung nền kinh tế của tỉnh, đầu tiên phải kể đến ngành nông nghiệp. Về trồng trọt, nhờ chủ động chỉ đạo sản xuất đúng theo lịch thời vụ đồng thời điều tiết nước hợp lý bảo đảm tưới cho cây trồng…nên đã đạt cả diện tích và sản lượng trong vụ đông-xuân, đồng thời sản xuất vụ hè-thu. Đáng nói là cơ cấu cây trồng chuyển dịch tích cực, sản lượng một số cây công nghiệp ngắn ngày tăng, như cây mía tăng 38,3%, mỳ tăng 12,2%... Một số mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân rộng. Về chăn nuôi quy mô tổng đàn gia súc, gia cầm tiếp tục được duy trì ổn định, riêng đàn gia súc có sừng tăng 0,1%.
Ngư dân Ninh Hải được mùa cá vụ Nam. Ảnh: Duy Anh
Sản xuất thủy sản có bước tăng trưởng khá. Tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm nay ước tính đạt 39.294 tấn, tăng 49,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng khai thác đạt 37.188 tấn, tăng 64,3%; diện tích thả nuôi thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 680 ha, tăng 53,2% so với cùng kỳ, trong đó diện tích nuôi cá 122ha, tăng 1,7%; diện tích nuôi tôm 481 ha, tăng 64,7%.).
Sản xuất công nghiệp của tỉnh tuy còn nhiều khó khăn nhưng qua 6 tháng đầu năm nay vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó công nghiệp khai khoáng tăng 30,2%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,6%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện nước tăng 4,4%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải tăng 17,3%.
Chỉ số sản xuất của một số sản phẩm công nghiệp đạt tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: sản xuất đường tăng 32,5%; chế biến nhân hạt điều tăng 31,2%; sản xuất tinh bột mì tăng 12%; khai thác muối các loại tăng 28,8%; sản xuất sản phẩm may mặc tăng 14,1%.
Nhìn chung, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng trưởng khá so với cùng kỳ, nhưng hầu hết các sản phẩm chủ yếu đều đạt thấp so với kế hoạch năm; các sản phẩm công nghiệp chủ yếu như: xi-măng, hải sản chế biến, nhân hạt điều...vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi chi phí lãi suất cho vay cao, giá đầu vào: nhiên liệu, điện tăng, nguyên liệu chế biến phụ thuộc thời vụ, thị trường thế giới biến động... Do vậy, để đạt chỉ tiêu kế hoạch năm cùng với việc duy trì tốc độ tăng trưởng các sản phẩm chủ yếu nói trên cần phải đẩy mạnh hoàn thành các dự án ngành công nghiệp đã đầu tư đưa vào hoạt động...
Đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung nền kinh tế của tỉnh còn phải kể đến vai trò tích cực của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh.
Trong 6 tháng qua, các Ngân hàng đã huy động vốn ước đạt 4.500 tỷ đồng, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, tổng doanh số cho vay nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2012 ước đạt 6.500 tỷ đồng, tăng 4,1% so với cùng kỳ. Trong đó doanh số cho vay ngắn hạn đạt 5.300 tỷ đồng, chiếm 81,5%, tăng 4,3%; doanh số cho vay trung và dài hạn đạt 1.200 tỷ đồng, chiếm 18,5%, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm truớc.
Yếu tố cũng không kém phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế-tăng trưởng, đó là huy động vốn đầu tư phát triển. Qua 6 tháng đầu năm, bằng nhiều giải pháp tích cực tỉnh ta đã huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 2.200 tỷ đồng, tăng 13,5,% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn khu vực Nhà nước chiếm 40,9% tổng vốn và tăng 11,3%; khu vực ngoài Nhà nước chiếm 54,5% và tăng 18,9%; trong đó hộ dân cư: 800 tỷ đồng, tăng 24,3%; vốn các thành phần kinh tế 400 tỷ đồng tăng 9,3% và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên 100 tỷ đồng…Từ các nguồn vốn nói trên đã góp phần tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho phát triển kinh tế và dân sinh…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được như đã nêu trên, thực tế phải nhìn nhận rằng nền kinh tế của tỉnh vẫn còn đối diện với không ít khó khăn như, tốc độ tăng trưởng tuy được duy trì nhưng vẫn còn thấp so với mục tiêu đề ra; năng lực cạnh tranh chưa được cải thiện rõ nét; hoạt động xuất khẩu còn nhiều khó khăn. Tình hình dịch bệnh ở một số vùng nuôi tôm tập trung chưa được khống chế có hiệu quả. Hoạt động của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn nhất là việc tiếp cận các nguồn vốn và thị trường…Một số hạn chế như đã nêu vô hình trung đã tạo nên lực cản, làm chậm tốc độ tăng trưởng chung và nếu không có những giải pháp khắc phục sẽ tiếp tục ảnh hưởng trong thời gian tới.
Tuấn Dũng