Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn cán bộ, đảng viên phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; là công bộc của dân, luôn lắng nghe, học hỏi nhân dân. Thực tế hơn 82 năm ra đời và phát triển của Đảng chứng minh, nhân dân luôn là người giám sát trung thành nhất việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng. Nhân dân là người hiểu rõ và đánh giá đúng cán bộ, đảng viên nào tốt, xấu, có xứng đáng hay không, có lạm dụng chức quyền hay không, có gần gũi với nhân dân không ... Khi trong Đảng có những “con sâu làm rầu nồi canh”, có “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái… dần hình thành tâm lý hoài nghi trong nhân dân đối với không ít cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên có chức, quyền. Để nhân dân tin vào Đảng, các tổ chức đảng cần biết nghe dân phản ảnh, góp ý, phải loại bỏ những phần tử ấy ra khỏi Đảng.
Vai trò của người dân trong xây dựng Đảng hết sức quan trọng. Song trong nhiều năm qua, việc phát huy tinh thần thẳng thắn đóng góp, phê bình của nhân dân đối với tổ chức đảng, đảng viên có lúc, có nơi còn hạn chế, thậm chí còn xem nhẹ, không triển khai. Trong bối cảnh hiện nay, khi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, thì hơn lúc nào hết, vai trò của người dân cần phải được phát huy cao độ.
Nghị quyết Trung ương 4 đã đưa ra bốn nhóm giải pháp, trong đó vai trò của nhân dân; mối quan hệ giữa tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên với nhân dân được nêu nhiều lần: Ở nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng, Nghị quyết nêu rõ: “Định kỳ tổ chức để nhân dân góp ý kiến xây dựng Đảng thông qua MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội”. Trong nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách, Nghị quyết cũng đề ra giải pháp thứ năm: “Trong năm 2012 ban hành quy chế giám sát (trực tiếp và gián tiếp) của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng và chính quyền các cấp…”.
Để thực hiện giải pháp trên có hiệu quả, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được thực hiện nghiêm túc, tránh hình thức. Tổ chức đảng, đảng viên phải thật sự cầu thị, tôn trọng quần chúng. Những ý kiến góp ý, phê bình của quần chúng đối với đảng viên, tổ chức đảng cần được ghi chép đầy đủ và kiểm tra, xác minh. Những ý kiến phê bình đúng đắn cần tiếp thu, đưa vào nội dung sinh hoạt chi bộ để đảng viên trong chi bộ biết, có kế hoạch sửa chữa và thông báo cho nhân dân biết. Những góp ý chưa chính xác, những thắc mắc của dân cần được giải thích đầy đủ, kịp thời.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tương xứng với chức năng, nhiệm vụ của mỗi tổ chức. Người đứng đầu MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội phải là người có dũng khí đấu tranh, có tinh thần trách nhiệm, biết khuyến khích, tổ chức quần chúng góp ý, phê bình theo tinh thần thẳng thắn, xây dựng…
Mỗi đảng bộ, chi bộ phải thường xuyên coi trọng việc thực hiện nhiệm vụ của người đảng viên, gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng, phát huy quyền làm chủ, nắm vững tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, vì nhân dân phục vụ.
Nguồn Tạp chí Xây dựng Đảng