Chính vì vậy, các giải pháp tiết kiệm năng lượng, khuyến khích sử dụng đèn compact, chấn lưu điện tử, đèn 2 công suất… đã được Bộ Công Thương, đặc biệt là Tập đoàn Điện lực Việt Nam tập trung triển khai tích cực trong thời gian qua. Trong đó, dán nhãn tiết kiệm năng lượng là một trong những giải pháp đang được định hướng quan tâm nhiều hơn trong tương lai.
Dán nhãn tiết kiệm năng lượng sẽ là lợi thế mới để các doanh nghiệp
chiếm lĩnh thị trường - Ảnh minh họa
Ông Vũ Hoàng Kim, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương, cho biết bắt đầu từ ngày 1/1/2013 quy định về dán nhãn tiết kiệm năng lượng bắt buộc chính thức được được áp dụng. Tuy nhiên, việc dán nhãn vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nhận thức và tinh thần tự nguyện tham gia của các doanh nghiệp nên hiệu quả chưa cao.
Nhiều doanh nghiệp chưa xem đây là một lợi thế cạnh tranh, chưa quyết tâm trong đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để triển khai dán nhãn tiết kiệm năng lượng. Nhiều doanh nghiệp muốn tham gia lộ trình dán nhãn, song lại vướng mắc về thông tin tư vấn, chi phí tham gia kiểm định, vốn đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất. Mặt khác, với tâm lý e ngại việc đầu tư sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà triển khai dán nhãn tiết kiệm năng lượng.
Lợi thế để chiếm lĩnh thị trường
Trên thực tế, ở thời điểm hiện tại, theo phân tích của các chuyên gia tiết kiệm năng lượng, thực hiện dán nhãn năng lượng đem lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, người tiêu dùng, và cả cộng đồng. Đối với doanh nghiệp, có thế nói nhãn năng lượng chính là “giấy thông hành” giúp cho sản phẩm “phủ sóng” nhanh hơn đến người dân nhất là trong thời kỳ ngày càng nhiều cơ quan, doanh nghiệp, người tiêu dùng ưu tiên sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng.
Điển hình đối với sản phẩm quạt điện, mặc dù mới chỉ có 3 doanh nghiệp được dán nhãn tiết kiệm năng lượng là Công ty cổ phần Quạt Việt Nam, Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Liên Hiệp, Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Tân Tiến SK nhưng các sản phẩm quạt điện được dán nhãn của các doanh nghiệp này hiện chiếm khoảng 40% thị phần tiêu thụ các sản phẩm quạt điện tại Việt Nam.
Lộ trình dán nhãn tiết kiệm năng lượng sẽ được triển khai từ năm 2013 – 2015 với 2 nhóm sản phẩm: đồ gia dụng; thiết bị văn phòng và thương mại. Từ sau năm 2015 sẽ dán nhãn tiết kiệm năng lượng đối với nhóm phương tiện giao thông - vận tải; sản phẩm vật liệu tiết kiệm năng lượng.
Hiện tại, Bộ Công Thương khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện thực hiện dán nhãn năng lượng. Cụ thể, khi tham gia chương trình dán nhãn tiết kiệm năng lượng do Bộ Công Thương tổ chức doanh nghiệp sẽ được tham gia miễn phí các chương trình truyền thông do Bộ tổ chức; được ưu tiên lựa chọn trong các chương trình mua sắm công.Về chi phí kiểm định, một trong những vấn đề nhiều doanh nghiệp còn băn khoăn, nếu doanh nghiệp tham gia dán nhãn vào thời điểm khuyến khích dán nhãn tiết kiệm năng lượng sẽ được hỗ trợ 30% chi phí, nhưng tối đa không quá 60 triệu đồng/doanh nghiệp. Sau năm 2013 khi việc dán nhãn được thực hiện bắt buộc, doanh nghiệp sẽ không được hưởng bất kỳ ưu đãi nào khi thực hiện dán nhãn năng lượng cho các thiết bị tiêu thụ điện.
Hiện nay, cả nước có 4 trung tâm có thể kiểm định chất lượng sản phẩm dán nhãn là Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 và 3 (Quatest 1 và 3), trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Thử nghiệm - Kiểm định công nghiệp thuộc Viện Cơ khí Năng lượng & Mỏ.
Mới đây, Chương trình xúc tiến dán nhãn năng lượng cho các sản phẩm tiết kiệm năng lượng năm 2012 đã khởi động. Dưới sự hỗ trợ của dự án, doanh nghiệp sẽ được tham gia các hội thảo phổ biến chính sách và quy định, chia sẻ kinh nghiệm và bài học; Hướng dẫn lập hồ sơ đăng ký tham gia dán nhãn; Cung cấp hướng dẫn quảng bá sản phẩm tiết kiệm năng lượng; cung cấp chuyên gia miễn phí để hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp khi có yêu cầu phù hợp.
Nguồn www.chinhphu.vn