Hướng tới kỷ niệm 87 năm Ngày “Báo chí Cách mạng Việt Nam” (21/6/1925 – 21/6/2012), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam vừa tổ chức cuộc tọa đàm “Nhà báo Trần Lâm với báo chí cách mạng Việt Nam”, nhằm tưởng nhớ về một nhà báo cách mạng lão thành, người gắn chặt cuộc đời mình với hoạt động báo chí, đặc biệt trong ngành Phát thanh và Truyền hình Việt Nam.
Nhà báo Trần Lâm.
Tham dự buổi tọa đàm có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam cùng gia đình cố nhà báo Trần Lâm.
Bà Trần Thị Ý, phu nhân nhà báo Trần Lâm
Nhà báo Trần Bình Minh - Tổng giám đốc Đài THVN, con trai nhà báo Trần Lâm
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Hà Minh Huệ khẳng định: Nhà báo Trần Lâm là người khởi nghiệp, người đặt nền móng cho ngành phát thanh, truyền hình Việt Nam từ những ngày đầu lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Là thanh niên, trí thức yêu nước, ông sớm giác ngộ cách mạng. Tại cuộc mít tinh ngày 17/8/1945, ông là một trong số đội viên Đội tuyên truyền xung phong nội thành Hà Nội thuộc Mặt trận Việt Minh đã treo lá cờ đỏ sao vàng cực lớn từ cửa sổ tầng hai Nhà hát lớn Hà Nội. Ngày 22/8/1945, tại Bắc Bộ phủ, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trần Lâm đã cùng hai đồng chí Trần Kim Xuyến và Chu Văn Tích nhận nhiệm vụ thành lập Đài phát thanh cách mạng. Trong muôn vàn khó khăn của thời kỳ trứng nước, Đài Tiếng nói Việt Nam ra đời ngày 7/9/1945.
Sau này, đến kỷ nguyên truyền hình, ông lại vinh dự trở thành người khởi xướng, đặt nền móng cho ngành Truyền hình Việt Nam vào năm 1970. Trong suốt hơn bốn chục năm liên tục, nhà báo Trần Lâm đã có nhiều đóng góp to lớn, hiệu quả trên cương vị người đứng đầu và đặc biệt được tin cậy, đã cùng các thế hệ cộng sự của mình dựng nên sự nghiệp phát thanh, truyền hình Việt Nam.
Đối với Hội Nhà báo Việt Nam, ông là người tham gia ngay từ những ngày đầu Hội mới thành lập và có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng tổ chức Hội. Tháng 4/1950, Hội Những người viết báo Việt Nam (nay là Hội Nhà báo Việt Nam) được thành lập tại Chiến khu Việt Bắc. Tháng 7/1950, Hội đã cử nhà báo Trần Lâm và nhà báo Thép Mới đi tham dự Đại hội của tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) họp ở Helsinki (Phần Lan). Tại Đại hội, tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) đã công nhận Hội Những người viết báo Việt Nam – Hội Nhà báo Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức này.
Trong hơn nửa thế kỷ là thành viên của Hội, trong đó có nhiều năm là Ủy viên BCH, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo Trần Lâm luôn là một trong những người chủ chốt, đồng thời là chứng nhân của hầu hết những sự kiện lịch sử của Hội. Với những đóng góp tích cực, hiệu quả, nhà báo Trần Lâm thực sự trở thành một trong những nhà báo tiêu biểu của báo chí cách mạng Việt Nam.
Phát biểu tại Tọa đàm, nguyên Tổng Bi thư Lê Khả Phiêu và đồng chí Phạm Thế Duyệt đều đánh giá cao những cống hiến to lớn của đồng chí Trần Lâm trên cương vị là một cán bộ cao cấp trong Đảng với hơn 40 năm đứng đầu Đài Tiếng nói Việt Nam; không những trong hoạt động báo chí mà cả trong công tác xây dựng Đảng, lúc làm việc cũng như khi đã nghỉ hưu…
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong bài phát biểu của mình cũng nhấn mạnh: Nghiệm lại quá trình hoạt động báo chí của nhà báo Trần Lâm, ta càng trân trọng công lao của ông đối với cách mạng Việt Nam nói chung và với Đài Tiếng nói Việt Nam nói riêng. Hơn thế, ngày nay, chúng ta vẫn còn học được ở nhà báo Trần Lâm nhiều kinh nghiệm bổ ích, trong đó có kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, hình thành được đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, đóng góp không nhỏ trong những năm kháng chiến và cả trong thời đại hiện nay.
Các tham luận của lãnh đạo Đài TNVN, của những đồng nghiệp đã từng cộng sự và của những nhà báo thuộc thế hệ sau, phát biểu của bà Trần Thị Ý - phu nhân cố nhà báo Trần Lâm… đều đánh giá cao về ông - một con người hăng hái, hết lòng vì công việc, nghiêm khắc nhưng cũng giàu tình thương và lòng nhân ái, sống khiêm nhường và rất giản dị. Các đại biểu cũng được nghe nhiều câu chuyện, những kỉ niệm sâu sắc về ông trong công việc cũng như trong cuộc sống thường ngày, giàu ý nghĩa giáo dục, nhất là đối với các nhà báo trẻ.
Nhà báo lão thành Phan Quang khẳng định: “Điểm lại những cống hiến của phát thanh - truyền hinh trong thời gian qua là nói đến công lao đóng góp của con chim đầu đàn Trần Lâm. Ông là người chỉ đạo nội dung của Đài TNVN trong bốn mươi năm, cùng đồng sự xây dựng Đài phát thanh Giải phóng, là người đề xướng lập truyền hình và cử cán bộ ra nước ngoài học tập trở về làm nòng cốt dựng nên Đài Truyền hình Việt Nam...”.
Nhà báo lão thành Phan Quang
Mỗi câu chuyện, hồi ức được kể tại buổi tọa đàm đều ghi nhận những đóng góp của nhà báo Trần Lâm đối với sự phát triển của nền báo chí cách mạng, đặc biệt là trong lĩnh vực phát thanh - truyền hình. Nói như nhà báo lão thành Phan Quang, Trần Lâm là một trong số ít tên tuổi có công đặt nền móng cho nhiều cơ quan báo chí lớn của nước ta. Đặc biệt, ông đã góp phần quan trọng giúp Đài Tiếng nói Việt Nam hoàn thành sứ mệnh vẻ vang trong cuộc đồng hành cùng hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Buổi tọa đàm là một trong những hoạt động đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam nhằm tôn vinh, tri ân tất cả các nhà báo có đóng góp lớn lao cho báo chí Việt Nam, dù đã khuất hay vẫn còn đang dành tâm huyết cho nền báo chí cách mạng trong bối cảnh mới ngày nay.
Nguồn VTV.VN