Những độc chất hàng đầu gây bệnh tự kỷ

Nhiều trường hợp mắc bệnh tự kỷ là do phơi nhiễm độc chất trong môi trường.

Một bài bình luận được đăng trên tạp chí Environmental Health Perspectives kêu gọi nghiên cứu thêm để phát hiện các nguyên nhân môi trường có thể gây bệnh tự kỷ và các rối loạn phát triển thần kinh khác ở trẻ em Mỹ và đưa ra danh sách 10 hóa chất đích được cho là có nhiều khả năng gây ra những căn bệnh này.

ThS.BS. Philip Landrigan, trưởng phòng sức khỏe môi trường nhi khoa và là GĐ Trung tâm y tế Nhi khoa tại Trường Y Mount Sinai, là đồng tác giả bài bình luận, có tiêu đề “Chiến lược nghiên cứu để phát hiện các nguyên nhân môi trường của bệnh tự kỷ và các khuyết tật phát triển thần kinh” cùng với GS Luca Lambertini - GS trợ giảng về y học phòng ngừa tại Mount Sinai và Linda Birnbaum - GĐ Viện Khoa học Sức khỏe môi trường quốc gia Hoa Kỳ.

Bài bình luận được công bố cùng với 4 bài báo khác, mỗi bài đều cho thấy mối liên quan giữa các độc chất và bệnh tự kỷ.

Viện Khoa học quốc gia báo cáo rằng 3% tất cả các rối loạn thần kinh-hành vi ở trẻ em, như rối loạn phổ tự kỷ và rối loạn tăng động giảm chú ý là do phơi nhiễm độc chất trong môi trường và 25% khác là do sự tương tác giữa các yếu tố môi trường và di truyền. Nhưng vẫn chưa biết các nguyên nhân môi trường chính xác. Trong khi nghiên cứu về di truyền chứng minh rằng ASD và một số rối loạn phát triển thần kinh khác có thành phần di truyền rõ rệt, nhiều nghiên cứu cho rằng các nguyên nhân môi trường cũng giữ một vai trò - và Mount Sinai đang nỗ lực để hiểu về vai trò của các độc chất này trong một căn bệnh hiện tác động tới 400.000-600.000 trẻ trong số 4 triệu trẻ sinh ra tại Mỹ mỗi năm.

Trung tâm y tế Nhi khoa đã đưa ra danh sách 10 hóa chất được tìm thấy trong các sản phẩm tiêu dùng bị nghi ngờ là góp phần gây bệnh tự kỷ và những khó khăn trong học tập để chỉ ra một chiến lược nghiên cứu nhằm phát hiện các nguyên nhân môi trường tiềm tàng có thể phòng ngừa được. 10 hóa chất hàng đầu là:

1. Chì

2. Methylmercury

3. PCB

4. Thuốc trừ sâu organophosphate

5. Thuốc trừ sâu organochlorin

6. Các chất gây rối loạn nội tiết

7. Khí thải động cơ

8. Hydrocarbon thơm đa vòng

9. Chất làm cháy chậm có brom

10. Hợp chất có perfluor.

Nguồn Báo An ninh Thủ đô