Vấn đề đầu tiên các đại biểu chất vấn đó là thực trạng khiếu kiện liên quan tới đất đai hiện nay và đây đang là một trong những nguyên nhân gây bất ổn an ninh, xã hội. Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang xác nhận: Đất đai đúng là vấn đề đang được đặt ra khá bức bách hiện nay đối với công tác quản lý trực tiếp tài nguyên này. Giải quyết những vấn đề phức tạp trong thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng không đơn giản vì đất đai trong thời kinh tế thị trường là một hàng hóa có giá trị. Bên cạnh đó, khi tiến hành việc thu hồi, giải phóng mặt bằng, chính quyền cũng chưa kiên quyết, chưa cân bằng giữa lợi ích nhà nước, lợi ích người bị thu hồi đất. Giá đất bồi thường còn thấp. Hiện cũng chưa có quy định bắt buộc xây dựng khu tái định cư, tạo việc làm mới, chuyển nghề cho người bị thu hồi. Năng lực của lực lượng thực hiện việc thu hồi đất còn hạn chế…
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang trả lời
chất vấn trước Quốc hội (Ảnh: dantri.com.vn)
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 69 để giải quyết vấn đề này. “Sau khi có Nghị định 69, phải thấy rằng, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã có những bước tiến đáng kể. Tôi cho rằng cái được ở đây là đã giải quyết tương đối cơ bản vấn đề mà người dân đặt ra hiện nay, trong đó vấn đề giá đất, bồi thường, hỗ trợ. Quyền lợi của người có đất bị thu hồi so với trước đây đã được cải thiện hơn rất nhiều, người dân đồng tình hơn. Các địa phương đã rất cố gắng trong tập trung giải quyết khiếu nại tố cáo theo quy định của pháp luật.” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết thêm, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đề nghị Trung ương mở rộng hạn sử dụng đất để người dân yên tâm sử dụng đất hiệu quả. Thời hạn này từ 30 đến 50 năm, trong đó đất nông nghiệp thời hạn sử dụng 50 năm.
Đề cập đến những vụ cưỡng chế, thu hồi đất tại Tiên Lãng (Hải Phòng), Văn Giang (Hưng Yên), đại biểu Bùi Thị An (TP Hà Nội) đề nghị người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết tiến độ giải quyết và những giải pháp các vụ việc này. Về việc này, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang trả lời, vụ việc ở Tiên Lãng là rất đáng tiếc, là bài học sâu sắc cho ngành. Theo Bộ trưởng, ngay sau khi có kết luận của Thủ tướng, Bộ Tài nguyên Môi trường và UBND Hải Phòng đã phối hợp chỉ đạo giải quyết việc quản lý bất bãi bồi ven sông, ven biển. Ngày 8/6, UBND Hải Phòng đã có ý kiến cho gia đình ông Vươn thuê lại diện tích đất bãi.
Đối với vụ Văn Giang, theo Bộ trưởng, đây là Dự án khu đô thị thương mại với diện tích khoảng 500ha, kế hoạch kéo dài đến 2020. Việc cưỡng chế 166 hộ tháng 4 vừa qua là trong quá trình thực thi pháp luật đất đai tại địa phương. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cử một đoàn công tác xuống địa phương xem xét. Ghi nhận người dân không kêu ca về chính sách hỗ trợ mà đề nghị Thủ tướng thu hẹp diện tích dự án.
Liên quan tới tình trạng ô nhiễm môi trường ở các lưu vực sông, ô nhiễm ở các làng nghề, nạn phá rừng…, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thừa nhận tình trạng này vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương, gây bức xúc dư luận xã hội. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, theo Bộ trưởng cần có sự vào cuộc quyết liệt giữa Bộ và các địa phương.
Đề cập về việc cấp phép quyền sử dụng đất vẫn còn đạt tỷ lệ thấp, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang giải thích, vấn đề này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khách quan như giấy tờ không hợp lệ, nguồn gốc phức tạp, có vi phạm trong việc xây dựng công trình hoặc liên quan tới quy hoạch, thiếu kinh phí. Bộ trưởng hứa sẽ giải quyết cơ bản vấn đề này vào năm 2015.
Phát biểu kết luận phiên chất vấn đầu tiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, đây là phiên chất vấn với không khí thẳng thắn, tinh thần xây dựng cao. Cách đặt câu hỏi của các đại biểu đã đi thẳng vào vấn đề, rõ ràng. Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang trả lời khá đầy đủ, nhưng có một số vụ việc cần giải thích bổ sung thêm trong quá trình triển khai công việc của Bộ, ngành mình.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, vấn đề mà Bộ trưởng hứa trước Quốc hội đề nghị Bộ trưởng nghiêm túc thực hiện, từ việc việc giao quyền sử dụng đất; việc sắp tới sẽ kéo dài thời hạn sử dụng đất nông nghiệp; việc đền bù, giải tỏa, chính sách, giá cả liên quan đến vấn đề đất đai. Đặc biệt, cần lưu ý vấn đề sử dụng đất còn lãng phí khi nhiều khu công nghiệp trên cả nước chưa được lấp đầy; các dự án đô thị, các khu dân cư chưa bám sát quy hoạch.
Một vấn đề quan trọng liên quan đến các khu công nghiệp, đến tố cáo khiếu nại về đất đai, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng Thanh tra Nhà nước phối hợp với các địa phương, trong 2 giai đoạn từ nay đến tháng 8 và từ tháng 9 đến 31/12, phải cơ bản giải quyết xong 904 vụ việc đất đai từ trung ương đến địa phương còn tồn đọng.
Trước đó, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII.
Theo Báo cáo giám sát, tại Kỳ họp thứ hai (từ ngày 20/10 đến ngày 26/11/2011), Quốc hội đã nhận được 1.678 kiến nghị của cử tri cả nước, trong đó chỉ có 6 kiến nghị không được trả lời. Nội dung các kiến nghị bao gồm các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, tập trung vào những vấn đề bức xúc nổi lên, đó là: những băn khoăn về sự phát triển chưa vững chắc của nền kinh tế; lạm phát, giá cả, lãi suất tăng cao; nhập siêu lớn, sản xuất, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn; tình trạng ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, tội phạm, tệ nạn xã hội không giảm; thiên tai, dịch bệnh xảy ra nhiều nơi; việc thực hiện một số chính sách an sinh xã hội và giải quyết khiếu nại của công dân còn nhiều bất cập; cải cách thủ tục hành chính còn chậm; tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi…
Nhìn chung, trong phạm vi trách nhiệm của mình, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã quan tâm nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết và cơ bản đã trả lời kịp thời kiến nghị của cử tri; một số bộ, cơ quan ngang bộ mặc dù số lượng kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết nhiều nhưng đã rất chủ động, tích cực nghiên cứu, giải quyết và trả lời cử tri.
Tuy nhiên, vẫn còn một số bộ, ngành giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri còn chậm, cá biệt có Bộ chưa trả lời đầy đủ nên chưa đáp ứng được yêu cầu của đại biểu Quốc hội; vẫn còn có trường hợp giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri còn chung chung, chủ yếu là trích dẫn quy định của pháp luật. Một số cơ quan chưa quan tâm đúng mức đến việc nghiên cứu, giải quyết những vấn đề bức xúc, vướng mắc trong thực tiễn mà cử tri đã kiến nghị…
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam