Tối 9/6, tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Phủ Chủ tịch, Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) và NXB Quân đội nhân dân tổ chức Lễ tổng kết và giao lưu - nghệ thuật “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 3.
Đồng chí Đinh Thế Huynh trao giải Nhất cho tác giả Thanh Kim Tùng
Qua 3 lần tổ chức cuộc thi “Những tấm gương bình dị mà cao quý”, hàng nghìn tấm gương người tốt việc tốt trên mọi miền Tổ quốc đã được giới thiệu. Hầu hết các tác phẩm đều đề cập tới những con người cụ thể, những việc làm cụ thể, nhiều khi rất thầm lặng. Đặc biệt, trong lần tổ chức thứ 3 này, những nhân vật trong các bài viết được thể hiện khá đa dạng, từ những cán bộ, đảng viên lão thành, các cựu chiến binh, đến những thanh niên, sinh viên còn rất trẻ. Từ những tiến sĩ, kỹ sư, giám đốc doanh nghiệp đến những cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an đang làm nhiệm vụ ở những nơi khó khăn gian khổ, và rất nhiều người là nông dân, người lao động bình thường. Những việc làm của họ có có sức truyền cảm, cổ vũ và lay động lòng người.
Cuộc thi cho chúng ta hiểu rõ hơn những đóng góp tích cực, hiệu quả của những tấm gương bính dị mà cao quý với đất nước, với nhân dân. Ở mọi cương vị, mọi lứa tuổi và từng vị trí công tác khác nhau, nhưng họ đều có chung ý thức trách nhiệm, sự tận tình đóng góp hết mình cho cộng đồng.
Năm 2011, cuộc thi nhận được 114 tác phẩm dự thi, Ban Giám khảo đã chọn và trao giải cho 15 tác phẩm xuất sắc nhất, gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 9 giải Khuyến khích. Tác phẩm “Trọn đời tâm huyết với Hoàng Sa, Trường Sa” của tác giả Thanh Kim Tùng đoạt giải Nhất.
Từ thành công của cuộc thi 3 năm trước, Ban Tổ chức đã phát động cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 4. Nhân dịp này, NXB Quân đội nhân dân cũng đã ra mắt tủ sách “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Đất Cảng tưng bừng Lễ hội Hoa phượng Đỏ
"Lung linh sắc đỏ Hải Phòng" là chủ đề của Lễ hội Hoa phượng Đỏ lần đầu tiên TP Hải Phòng tổ chức. Thông qua lễ hội, TP Cảng muốn khởi đầu một loại hình văn hóa du lịch gắn với khai thác giá trị đặc trưng riêng từ hình ảnh hoa phượng, qua đó giới thiệu về vùng đất, con người Hải Phòng.
TP Hải Phòng xác định đây là một sự kiện lớn nhằm khởi động, hướng tới Năm Du lịch quốc gia khu vực đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013.
Đêm khai mạc có chủ đề "Ðêm hội Hoa phượng Đỏ" gồm các chương trình văn hóa, nghệ thuật đường phố, thể dục, thể thao độc đáo và hấp dẫn. Trong đó, phần diễu hành có sự tham gia trực tiếp, đông đảo của người dân và du khách.
Sắc đỏ của hoa phượng được chọn là gam màu chủ đạo trên sân khấu và trang trí đường phố cùng những bài hát về hoa phượng gắn với vùng đất, con người Hải Phòng. Ðặc biệt, chương trình có màn trình diễn pháo hoa màu đỏ và diễu hành carnaval trên đường phố của du khách và nhân dân trong các trang phục cũng mang sắc đỏ của hoa phượng. Ðể phần hội hóa trang thêm sôi động và khuyến khích những người tham gia, Ban Tổ chức mở cuộc thi người có trang phục đỏ ấn tượng nhất đêm hội. Bên cạnh đó, một dàn hợp xướng 500 người thể hiện ca khúc "Thành phố Hoa phượng Đỏ" của nhạc sĩ Lương Vĩnh, phổ thơ Hải Như - bài hát được người dân thành phố Cảng và cả nước yêu thích.
Trong ba ngày diễn ra lễ hội (từ ngày 8-10/6), nhiều hoạt động hưởng ứng và chào mừng được tổ chức như: cuộc thi "Người đẹp Hoa Phượng"; Ngày hội Thương mại - Du lịch Hoa Phượng Hải Phòng năm 2012; trình diễn nghệ thuật sắp đặt và diễu hành xe đạp trên đường Phạm Văn Ðồng; Đại hội Lân - Sư - Rồng, Hội thảo về cơ hội phát triển du lịch Hải Phòng; đêm dạ hội ca nhạc có sự tham gia của các ca sĩ với các bài hát thành công về hoa phượng; trình diễn thơ và giao lưu với các văn nghệ sĩ sáng tác về chủ đề hoa phượng và thành phố Hải Phòng.
Lễ hội kỳ vọng tạo được bước ngoặt trong công tác tổ chức sự kiện, quảng bá, giới thiệu hình ảnh thành phố và thu hút du khách, các nhà đầu tư đến với Hải Phòng, đồng thời mở rộng liên kết du lịch trong nước và quốc tế, từng bước xây dựng Lễ hội Hoa phượng Đỏ trở thành thương hiệu, sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc thường niên của Hải Phòng.
Cơ hội với phim tài liệu Việt Nam
Diễn ra tại Hà Nội từ ngày 8- 17/6 và tại Đà Nẵng từ 15-24/6, LHP Tài liệu châu Âu và Việt Nam lần thứ 4 là cuộc hội ngộ phim tài liệu của 10 quốc gia Áo, Anh, Đức, Ba Lan, Đan Mạch, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Wallonie-Bruxelles (Bỉ) và Việt Nam.
Phim tài liệu Việt Nam lại có thêm một cơ hội giao lưu với phim tài liệu quốc tế. Đặc biệt, năm nay, lần đầu tiên Ban Tổ chức dành riêng một buổi trong tuần phim để trình chiếu tác phẩm của các nhà làm phim trẻ Việt Nam.
Bà Phạm Thị Tuyết- Giám đốc Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Việt Nam cho biết, mỗi nước châu Âu sẽ mang đến LHP lần này một bộ phim. Trong số 9 bộ phim tài liệu của Việt Nam tham gia Liên hoan có một số phim mới sản xuất trong năm 2011 gồm: Chuyện làng Then, Thày mo làm y tế, Cuộc đời sau trang sách, Đỉnh trời - Đáy vực. Các phim còn lại cũng đều là những phim hay, độc đáo, sản xuất từ năm 2000 đến năm 2010.
Thành công của 3 kỳ LHP trước đã "gọi" thêm các quốc gia châu Âu tham gia vào sự kiện điện ảnh đầy ý nghĩa này. 3 quốc gia lần đầu tham gia sự kiện này là Áo, Anh và Tây Ban Nha. Tại LHP này, các nghệ sĩ, các khán giả có dịp được thưởng thức các tác phẩm điện ảnh tài liệu có chung một đề tài, nhưng được làm làm theo các phong cách khác nhau, cách tiếp cận hiện thực khác nhau và với cách biểu đạt khác nhau, qua đó phản ánh nền văn hóa của mỗi nước.
Khai mạc Liên hoan Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam
Ngày hội của nhạc cụ truyền thống Việt Nam
Trong nỗ lực phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, Liên hoan Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức tại cố đô Huế. Liên hoan nằm trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia duyên hải Bắc Trung Bộ - Huế 2012 do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTT&DL) và Hội Nhạc sỹ Việt Nam phối hợp tổ chức.
Với 100 tiết mục của 19 đoàn nghệ thuật, 400 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công đến từ 19 đoàn nghệ thuật bao gồm các nhà hát, học viện âm nhạc, trường văn hóa nghệ thuật, đội thông tin lưu động… trong cả nước tham dự, Liên hoan một mặt tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. mặt khác còn là dịp để các nghệ sĩ trong các dàn nhạc sân khấu kịch truyền thống, dàn nhạc dân tộc biểu diễn, giao lưu, trao đổi học tập kinh nghiệm trong quá trình bảo tồn vốn quý văn hóa, qua đó góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Lần đầu tiên các đoàn nghệ thuật truyền thống có bề dày như: Học viện âm nhạc Quốc gia VN, Nhà hát tuồng VN, Nhà hát chèo VN, Nhà hát cải lương VN, Nhà hát múa rối Thăng Long - Hà Nội… đã có mặt tại liên hoan và đây cũng là cơ hội giao lưu cho các nghệ sĩ thuộc các đoàn nghệ thuật truyền thống. Đại diện cho các vùng miền và thể loại đặc trưng có Nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình Huế, Nhà hát tuồng Đào Tấn, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định, Đội thông tin - văn nghệ Khmer (Bạc Liêu)…
Ông Phạm Đức Thắng, Phó Cục trưởng, Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Trưởng Ban Tổ chức cho biết, điều đáng mừng là qua liên hoan này những nghệ sĩ nhạc cụ dân tộc sẽ có cơ hội học tập, giao lưu, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng và bè bạn quốc tế.
Nguồn www.chinhphu.vn